Quá khứ cần được cứu thoát khỏi lãng quên

27/01/2010 15:01 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH Cuối tuần) -  Ngày 29/11/1917, Toàn quyền Đông Dương Albert Sarraut ký Nghị định thành lập Nha lưu trữ Thư viện trung ương Đông Dương, trụ sở tại phố Borgnis Debordes (nay là Thư viện quốc gia, tại số 31 phố Tràng Thi, Hà Nội) và một ngày sau đó bổ nhiệm Paul Boudet, khi đó mới 29 tuổi, làm Giám đốc Thư viện trung ương Đông Dương. Dưới đây là bài viết của Paul Boudet với những quan sát và suy nghĩ của ông về Hà Nội những năm đầu thế kỷ 20 - một Hà Nội đang châu Âu hóa sau khi trở thành nhượng địa của Pháp - không khỏi làm chúng ta suy nghĩ về một Hà Nội đầu thế kỷ 21 này...

Con người và các sự vật sẽ biến mất hoặc biến đổi theo năm tháng nhưng quá khứ vẫn hiện ra từng chi tiết một cách chậm chạp và chắc chắn. Ở thuộc địa (chỉ Việt Nam), nếu không để ý, thời gian trôi rất nhanh và chẳng mấy lúc sẽ không còn gì ngoài quá khứ. Tuy nhiên quá khứ này lại rất gần chúng ta (chỉ người Pháp) và cần được cứu thoát khỏi lãng quên hoặc phá hoại...

Còn 37 tuần nữa

Hòa cùng cả nước đếm ngược thời gian hướng về Đại lễ Ngàn năm Thăng Long - Hà Nội (10/2010), hãy cùng TT&VH Cuối tuần khám phá lại một “Hà Nội mến yêu” từ những góc nhìn “lạ”, những góc nhìn từ “bên ngoài”, của những người không biết nói “tiếng Hà Nội”, nhưng họ đã, hoặc tình cờ, hoặc bị thu hút, đến với thành phố này, khám phá nó. Góc nhìn Hà Nội của người nước ngoài, phần nào cho chúng ta thấy một Hà Nội khác, một Hà Nội không còn chỉ của riêng người Hà Nội, người Việt Nam, mà còn là một thành phố của con người.

Về phần các công trình kỉ niệm, chúng đang chịu những nhát cuốc của những kẻ phá hoại và các “nhà đô thị hóa”. Những người này, để biến các đô thị cổ Bắc kỳ thành các thành phố hiện đại, không ngần ngại san bằng các chùa chiền, khu phố cổ mà đúng ra phải được bảo tồn.


Tại sao người ta không đặt các thành phố hiện đại bên cạnh các đô thị bản xứ, để chúng có một vẻ riêng như Thống chế Lyautey đã làm ở Maroc. Ở đó, người ta tránh phá hủy sự duyên dáng của các đường phố cổ ngoắt ngoéo răng cưa với vỉa hè sần sùi vênh nhau và các ngôi nhà hẹp gian nọ nối gian kia tối om và bí hiểm. Có thể là mất vệ sinh, thậm chí hơn cả mất vệ sinh, nhưng cần thiết.

Tại sao không bảo tồn các tháp và lăng Chùa Khổ Hình in bóng xuống làn nước xanh lục của Hồ Gươm giữa công viên của một thành phố mới?

Thói phá hoại văn hóa tác động tới mọi chỗ: khi người ta nảy ra ý tưởng kỳ cục và chướng mắt là dựng tượng Nữ thần Cộng hòa bằng kẽm trên nóc ngôi chùa nhỏ giữa Hồ Hoàn Kiếm thì trí tuệ người ta đã đi tới chỗ sa sút. Khi thói này vị lợi thì còn có thể tha thứ đôi chút: đó là lúc binh sĩ Pháp chiếm đóng Thành Hà Nội lúc mới tới. Thế nhưng người ta còn chờ đợi gì mà chưa giải phóng thành, ít ra là phần trung tâm, nơi hiện nay là các kho quân đội? Người Pháp và người An Nam hoan nghênh việc thực hiện một dự án trước đó đã lôi cuốn Paul Doumer: Cửa Bắc và các di tích của khu Hoàng cung sẽ được giải tỏa khỏi các ngôi nhà ký sinh làm hai công trình này bị méo mó. Chúng sẽ được bao bởi một công viên xanh mát trải dài từ đường Victor Hugo (nay là Hoàng Diệu) tới phố Porte Sud và từ Cửa Bắc tới Cột Cờ trên đường Puginier (nay là Điện Biên Phủ). Nhưng đó chỉ là một phần, tất nhiên là phần quan trọng, của một chương trình tổng quát hơn mà thị trưởng Hà Nội trước đây, nay là toàn quyền Đông Dương, ông Pierre Pasquier, vạch ra từ năm 1916: “Tôi tự hỏi không biết có cách nào có thể triển khai sự quan tâm của chúng ta ra một số phố của khu bản xứ. Chẳng hạn khi cung ứng các điều kiện vệ sinh cần thiết sẽ bảo tồn được tính cách độc đáo của các phố đó. Du khách sẽ rất lí thú được so sánh Hà Nội hôm qua và Hà Nội hôm nay.

Để làm được điều này, chỉ cần hòa nhập các phố này vào các địa điểm đẹp do luật pháp bảo vệ và được xác định bởi một ủy ban gọi là Ủy ban về các điểm tự nhiên và nghệ thuật. Trừ sự cho phép đặc biệt, chủ sở hữu của các địa điểm này được mời cam kết không phá, không thay đổi hiện trạng hoặc dáng vẻ của các nơi đó. Như vậy, các phố này sẽ được xếp hạng như một địa điểm đẹp. Việc bắt buộc phải theo hàng lối này hay hàng lối khác, theo luật hay nghị định sẽ không áp dụng cho các phố này và chúng sẽ giữ được đặt trưng mà mỹ học đòi hỏi phải bảo tồn.


Cửa ô Hà Nội
Để cụ thể hóa ý tưởng này, tôi sẽ kể cho các ngài trường hợp phố Hàng Gai, nhà cửa rối mù trong phố này, sự ngoằn ngoèo phá hủy mọi hàng lối, các ngôi nhà thuộc loại trang trí đẹp nhất trong phần lớn các ngôi nhà bản xứ đã cho phố một nét địa phương rất đặc trưng và sẽ rất đáng tiếc khi nhìn thấy nó bị phá đi...”.

Người ta đã không chú ý lắm tới những lời lẽ khôn ngoan đó. Mấy năm qua, Hà Nội đã mất phần lớn những thứ cấu thành dáng vẻ ngày xưa. Bên những đường phố đẹp đẽ xứng với xe cộ ngược xuôi, vỉa hè không một chỗ gồ ghề, các đại lộ rộng lớn rợp bóng cây, là những ngôi biệt thự thấp thoáng...

Để dập tắt cái xấu và bảo vệ cái ít ỏi còn lại cho chúng ta, Hội Địa lý Hà Nội vừa được thành lập, trong đó, Ban Bắc kỳ cổ đề nghị cứu những gì còn có thể cứu được và giới thiệu những gì đã mất...

(Trích từ Lời tựa cuốn Hà Nội giai đoạn 1873-1888
 của Andre Masson, Lưu Đình Tuân biên dịch)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm