Nhà thư pháp Bùi Hiến: “Ông đồ” của thơ Bùi Giáng

18/09/2008 08:10 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Năm nào cũng vậy, đến ngày giỗ “trung niên thi sĩ” Bùi Giáng là “ông đồ” này lại bày thư pháp cho người xem. Những bức thư pháp đủ kích cỡ viết thơ của Bùi thi sĩ như muốn khơi gợi lại hình bóng tinh thần của con người đã vắng mặt 10 năm nay trên cõi thế này. Và “ông đồ” đó cũng rất quen thuộc với nhiều người - nhà thư pháp Bùi Hiến.

TT&VH đã có cuộc trò chuyện ông:

* Tên ông là Bùi Hiến, hình như là có họ hàng với Bùi Giáng?

- Nếu gọi đúng vai vế trong gia đình dòng họ thì tôi là anh Bùi Giáng, ông với tôi là con chú con bác.
 
Bùi Hiến bên chân dung Bùi Giáng

* Chính vì tình máu mủ nên ông mới chuyên dùng thơ Bùi Giáng để viết thư pháp và năm nào cũng triển lãm nhân đám giỗ thi sĩ?

- Đúng là từ ngày Bùi Giáng mất, năm nào tôi cũng làm triển lãm thư pháp thơ của Bùi Giáng. Tạm gác qua tình huyết thống, tôi đọc thơ Bùi Giáng thấy thích, thấy sướng, thấy có cảm giác được vi vu, bay bổng…, cho nên tôi miệt mài viết thư pháp. Có rất nhiều câu thơ đọc đến 5 năm sau tôi mới ngộ ra một triết lý vi diệu nào đó ở bên trong, dù có thể mình chưa hiểu hết.

* Vậy sau khi “ngộ” ra triết lý trong những câu thơ Bùi Giáng, ông mới viết thư pháp, hay ông viết xong mới “ngộ”?

- Cả hai. Thường thì lúc đầu tôi chỉ thấy thơ Bùi Giáng gây cảm xúc "râm ran" trong người. Nhưng sau khi viết đi viết lại nhiều lần thì dần dần hiểu. Nói cho đúng, có những câu thơ của Bùi Giáng càng đọc thì càng như được khám phá.

Triễn lãm thư pháp, ảnh và tranh chân dung thi sĩ Bùi Giáng kéo dài trong 5 ngày, sẽ kết thúc vào hôm nay (18/9) tại Trung tâm Văn hóa Q. Tân Bình (TP.HCM) do nhà thư pháp Bùi Hiến, họa sĩ Mai Tuấn, nhiếp ảnh gia Đào Trung Phụng, Ngọc Duy… thực hiện.
* Đã qua 10 mùa trăng Bùi Giáng về cõi vĩnh hằng, là một người từng gắn bó với thi sĩ, ông còn điều gì nữa muốn ấp ủ làm cho Bùi Giáng?

- Ấp ủ thì nhiều, mơ ước bao la nhưng thực tại không như mình tưởng. Năm nay do năm chẵn ngày giỗ nên mới có triển lãm tương đối lớn như vậy, chứ mọi năm thì khiêm tốn lắm. Biết làm sao được vì mình cũng nghệ sĩ "lông bông". Tôi ước một ngày nào đó sẽ triển lãm thư pháp thơ Bùi Giáng kết hợp với các loại hình nghệ thuật khác tôn vinh ông ngay tại Mỹ Sơn, quê hương Quảng Nam của ông. Hơn thế, làm một nhà lưu niệm Bùi Giáng ngay chính nơi ông đã cất tiếng khóc chào đời. Tuy nhiên, không có gì phải vội, vì như cách sống đương thời của nhà thơ là luôn “tùy duyên”. Những giá trị của Bùi Giáng, theo tôi như câu thơ của ông vậy: “Em về mấy thế kỷ sau/ Nhìn trăng có thấy nguyên màu ấy không”.

* Xin cảm ơn ông!

Thanh Kiều (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm