Phức tạp như tượng đài

04/10/2013 15:18 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Tượng đài thường được dựng nên bởi mục đích vĩnh cửu, nhưng trong một số trường hợp, nó chỉ có tính giai đoạn hoặc tạm thời. Suốt thế kỷ 20, tượng đài công cộng (bao gồm cả điêu khắc, kiến trúc, gò hàn và vài loại hình khác như sắp đặt, mô hình ánh sáng…) trên toàn thế giới có những biến chuyển lớn về mặt ý hướng và mục đích của công trình.

Một thế kỷ thăng trầm

Bước sang thế kỷ 20, nhất là từ thập niên 1930, việc xây dựng những tượng đài mang tính biểu tượng của dân tộc dần được điều chỉnh bởi các mục tiêu  hiện thời. Rõ nhất là các dự án của liên bang nghệ thuật Hoa Kỳ và các phòng văn hóa của Liên Xô (cũ).

Dưới thời Xô Viết, Lê nin đã khởi xướng đường lối “tuyên truyền bằng tượng đài"  và áp phích hoành tráng. Ý tưởng này được thông qua bằng nghị định do Hội đồng nhân dân ký ngày 12/4/1918 với tiêu đề “Cộng hòa của di tích”. Trong một cuộc trao đổi với Lunacharsky, Bộ trưởng Văn hóa đầu tiên của nước Nga Xô Viết, Lê nin cho biết ông nảy ra ý tưởng tuyên truyền hoành tráng sau khi đọc cuốn sách Thành phố mặt trời của triết gia người Ý thế kỷ 16 là Tommaso Campanella. Lãnh tụ nước Nga Xô Viết cho rằng việc dùng bích họa trang trí tường thành phố trong tiểu thuyết của Campanella để giáo dục thanh niên, đánh thức nghĩa vụ công dân... là hoàn toàn không ngây thơ, và nếu biết cách thay đổi một tí thì hoàn toàn có thể áp dụng cho tình hình thời bấy giờ.

Tượng đài Monument of Light (Irish: An Túr Solais) được Hội đồng thành phố Dublin, Ireland đặt hàng, là cột thép không gỉ cao 121,2 mét (398 ft) được khởi công từ năm 2002 và khánh thành ngày 21/1/2003 với kinh phí 4 triệu bảng Anh. Đến nay vẫn nhận về những ý kiến phê bình trái chiều, mà chỉ trích nhiều hơn khen ngợi, riêng du khách thì vẫn nườm nượp đến chụp hình.

Kế hoạch này nhanh chóng được nhân rộng tại Liên Xô và hệ thống các nước XHCN, gồm hai cách thức chính: 1) trang trí các bề mặt đô thị bằng biểu ngữ và áp phích, phù điêu... với khẩu hiệu cách mạng và tưởng niệm; 2) đúc tượng các nhân vật cách mạng bằng thạch cao to lớn, để sau đó làm tượng đài hoành tráng thay thế.  

Song hành đó là thời kỳ chiến tranh lạnh (1945–1991), nơi chạy đua vũ trang cũng căng thẳng như xung đột chính trị, kinh tế, văn hóa nghệ thuật và nhiều lĩnh vực khác. Việc tuyên truyền để củng cố hệ thống của mỗi bên được gia cố và nâng cấp tối đa, kéo theo nhiều tượng đài đồ sộ được dựng khắp nơi.

Không phải ngẫu nhiên mà nhiều nhà phê bình nghệ thuật nhận định thế kỷ 20 là đỉnh điểm của nhân loại về “cuộc so kè” các tượng đài.

Sau chiến tranh lạnh, sau khi bức tường Berlin sụp đổ, khi thế giới bớt căng thẳng, cách thức làm tượng đài cũng nhanh chóng thay đổi. Nhất là khi thế giới chung đụng nhiều hơn trong các sự kiện nghệ thuật lưỡng niên, tam niên, ngũ niên…; và khi mạng internet phổ biến, nơi mà các tượng đài đẹp hay xấu đều có thể được đưa lên các diễn đàn để đối sánh, mổ xẻ, bình luận…, nhiều nước đã dần thay thế các tượng đài chủ đích tuyên truyền bằng tượng đài mang tính biểu tượng bền vững. Và quan trọng hơn, thông qua các hội đồng tỉnh, thành phố, liên bang hay quốc gia, việc xác lập tiêu chí, quy trình cho một tượng đài cũng đã thay đổi.

Tiêu chí nào cho cái đẹp?

Từ thế kỷ 19 trở về trước, việc xác lập một tượng đài thường phụ thuộc vào cảm hứng của một hay vài cá nhân nhiều hơn các hội đồng, họ có thể là vua, quan, quý tộc, doanh nhân… Các cá nhân này thấy tác phẩm điêu khắc (ngôn ngữ chủ yếu của tượng đài) nào đẹp thì chọn để phóng to. Bóng dáng của các hội đồng, thỉnh thoảng cũng có, nhưng không giữ tiếng nói chính tại nhiều quốc gia.

Họ chọn có sai không? Nhìn lại lịch sử tượng đài, cũng thường sai, nhưng sửa sai cũng dễ, vì đó vẫn là quyết định của một hay vài cá nhân, khi cá nhân đó không còn thì có thể thay đổi. Tiêu chí của họ cũng đơn giản hơn, thường để tôn vinh thượng đế, thánh thần, các anh hùng, danh nhân… trong quá khứ. Nghĩa là các tượng đài thiên về biểu tượng.

Từ đầu thế kỷ 20 đến nay, tại phần nhiều quốc gia, việc xác lập một tượng đài luôn phụ thuộc vào một hội đồng mà thành phố, tỉnh hay nhà nước lập ra. Hội đồng giỏi thì tượng đài hay, còn ngược lại, sẽ bị công chúng và giới mỹ thuật phàn nàn, chửi bới, ném đá… Mà thường thì hay bị chê, bởi thế mạnh và cũng là nhược điểm của tượng đài hoành tráng là do kích thước lớn, người xem sẽ dễ nhận ra những yếu kém, ngây ngô hay sai sót.

Cụm quần thể Hồ Con Rùa là một trong ba tượng đài mang tính biểu tượng của Sài Gòn-TP.HCM, cách đây 1-2 năm đã có ý kiến muốn đập bỏ để xây dựng tượng đài mới. Ảnh: Nguyễn Hữu Phú

Ví dụ, mới đây cộng đồng thành phố Manly (Úc) từng công bố đại chúng hội đồng xét duyệt tượng đài của họ gồm các đại diện: 1) Thị trưởng; 2) hai nghị viên; 3) hai nhà điêu khắc thực hành - tốt nhất sống tại Manly; 4) người phụ trách triển lãm điêu khắc từ Bảo tàng New South Wales hoặc Bảo tàng Nghệ thuật đương đại, hoặc tương đương; 5) hai thành viên về thiết kế môi trường, hoặc kiến trúc sư cảnh quan, hoặc kiến trúc sư chiến lược thành phố; 6) giám đốc Bảo tàng Nghệ thuật Manly.

Và tiêu chí dành cho tác phẩm điêu khắc như sau: 1) phản ánh lịch sử và thần thoại Manly, bao gồm di sản của thổ dân trong khu vực; 2) giải quyết các đặc thù của môi trường, bao gồm những mối quan tâm xã hội và văn hóa, lợi ích người dân, cũng như đặc điểm tự nhiên và đô thị của Manly; 3) liên quan chặt chẽ với cảnh quan xung quanh.

Cách làm của thành phố Manly khá tương đồng với nhiều thành phố và quốc gia trên thế giới, trong đó có cả Việt Nam gần đây. Thế nhưng vấn đề muôn thuở và cũng là khó khăn chung của mọi nơi là các thành viên trong hội đồng này có chuyên môn như thế nào về tượng đài công cộng? Đó là chưa nói quan điểm của người trong hội đồng (số ít) thường cũng khác biệt hay mâu thuẫn với bên ngoài hội đồng (số đông), nên đây là cái khó đầu tiên.

Cái khó thứ hai và cũng là cốt tử nhất: hội đồng thường bị động trong chính tiêu chí mà mình đề ra. Bởi sau khi phát động thì phải có nghiệm thu và đưa vào sử dụng, vì kế hoạch và kinh phí đã duyệt, đã chi, dù chưa thể tìm được tượng đài đẹp, đạt tới mức biểu tượng. Điều này cũng giống như việc thiết kế logo, nhiều tập đoàn đưa ra tiêu chí và thi tới thi lui nhưng chưa chắc đã được, thế nhưng đôi khi ngẫu hứng mà thành. Ít nhất các logo nổi tiếng sau đây là do tình cờ mà nên: Mercedes, Adidas, Coca-Cola, Nike, Google, Apple, Hotmail, Pepsi…

Và cuối cùng, sau một hai thập niên, hội đồng mới được lập nên, bên cạnh việc xây dựng tượng đài mới, họ còn bỏ phiếu cho các tượng đài đang có. Trong không ít trường hợp, tượng đài đang có đã bị thay thế bằng tượng đài mới, chưa chắc đã đẹp hơn.

Ngày nay, tranh luận về tượng đài và các tiêu chí của nó vẫn chưa thể có hồi kết, bởi quan niệm của nhà quản lý chính quyền và giới làm nghề luôn có những cách biệt. Đứng từ góc độ chuyên môn, công thức dựng tượng đài được nhà lý thuyết kiến trúc Christian Norberg-Schulz đưa ra là “xem xét các khả năng để tăng ưu thế phô bày cho tượng đài và giảm thiểu sự tác động đến cảnh quan, gồm: môi trường đô thị, môi trường tự nhiên, môi trường nông thôn, và môi trường thiêng liêng”. Nhưng đây chỉ là điều kiện lý tưởng, áp vào thực tế cũng rất khó khăn, phức tạp.

TP.HCM: Chưa tượng đài nào xứng với tầm vóc thành phố

Năm 2006, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VH, TT&DL) thống kê cả nước có 360 tượng đài lớn nhỏ; bây giờ còn số này sẽ nhiều hơn. Năm 2009 (nhắc lại năm 2011), Sở VH,TT&DL TP.HCM thống kế trên toàn địa bàn có 44 tượng đài công cộng, số xây dựng trước 1975 còn lại là 11. Trong số này có 24 tượng đài sự kiện lịch sử, 13 nhân vật lịch sử, chỉ có 3 tượng đài mang tính biểu tượng, ví dụ Hồ con rùa.

Qua nhiều hội thảo và nghiên cứu xét thấy có 16 tượng đài cần tu bổ hoặc xây mới. Cũng theo Sở VH,TT&DL TP.HCM (năm 2011): Do đa phần làm bằng bê tông cốt thép, nên sớm xuống cấp, ngày càng không phù hợp với cảnh quan. Chưa có tượng đài nào xứng đáng với tầm vóc của thành phố.

Trong 11 tượng đài xây dựng trước 1975 thì phần lớn ngày nay vẫn còn hiện diện, dù có vài tượng đã bị hư hại nặng, ví dụ tượng Trần Nguyên Hãn trước chợ Bến Thành. Chính quyền Sài Gòn dựng những tượng này là để kỷ niệm ngày quân lực VNCH 19/6/1973, chọn biểu tượng thánh tổ cho các lực lượng. Ví dụ An Dương Vương là Thánh tổ lực lượng pháo binh, Trần Quốc Tuấn là Thánh tổ lực lượng hải quân, Nguyễn Trãi là Thánh tổ chiến tranh chính trị… Do phải làm cấp tập với bê tông cóp thép mỏng, do các nghệ nhân thực hiện trực tiếp, nên độ bền và tính thẩm mỹ không được cao.


Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm