Hàng triệu đàn ông Việt Nam có nguy cơ ế vợ

05/11/2012 10:00 GMT+7 | Thế giới


Ngày 3/11, tại Hà Nội, Tổng cục Dân số tổ chức Hội thảo quốc gia về mất cân bằng giới tính khi sinh. Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đã tham dự và chủ trì hội thảo này.

Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) ở nước ta đang trở thành vấn đề nóng. Việc giảm thiểu tình trạng này là một quá trình phải được thực thi bằng nhiều biện pháp đồng bộ. Sự gia tăng của trẻ em nam mới sinh trong những năm qua, đặc biệt là 3 năm trở lại đây rất đáng lo ngại. Động cơ phải có con trai đã tồn tại trong tâm lý của người châu Á nói chung và người Việt Nam nói riêng hàng nghìn năm nay. Việc thực thi luật pháp trong việc lựa chọn giới tính thai nhi chưa nghiêm… đã khiến tỷ số giới tính khi sinh ngày càng tăng.

Phó Thủ tướng cho rằng: Để giảm được tình trạng MCBGTKS sẽ không thể thực hiện trong một sớm, một chiều nhưng vẫn phải làm. Bên cạnh những nỗ lực của cả hệ thống chính trị, công tác truyền thông vận động cần được đẩy mạnh; từng bước vận động người dân giảm tư tưởng “trọng nam, khinh nữ”; giáo dục con cái có trách nhiệm với cha mẹ không phân biệt con trai, con gái. Một trong những giải pháp cần được thực hiện là tăng cường lực lượng cộng tác viên cơ sở đạt chất lượng. Ngành y tế và ngành giáo dục sớm đưa vấn đề giới tính vào các chương trình giảng dạy về giới và bình đẳng giới. Đặc biệt, huy động sự tham gia của các đoàn thể, nhất là đoàn thanh niên, góp phần giải quyết tình trạng MCBGTKS...

Hàng triệu nam giới có nguy cơ ế vợ

Hiện nay, tình trạng MCBGTKS đang xảy ra tại 45/63 tỉnh, thành phố và ở mức báo động: Cứ 100 trẻ nữ mới sinh thì có trên 112 trẻ nam ra đời. Nếu chúng ta không có biện pháp can thiệp hữu hiệu thì trong tương lai, rất nhiều nam giới sẽ không lấy được vợ, tình trạng bạo hành và buôn bán phụ nữ cũng có nguy cơ gia tăng…

Tốc độ mất cân bằng giới tính tăng nhanh

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết: “Trong suốt 2 thập kỷ từ 1979 - 1999, tỷ số giới tính khi sinh (TSGTKS) ở Việt Nam chỉ tăng trung bình 0,1 điểm phần trăm/năm (từ 105 năm 1979 lên 107 năm 1999). Nhưng từ năm 2006 đến nay, tỷ số này luôn trong xu hướng tăng mạnh, có năm tăng tới 1 điểm phần trăm, tức là gấp 10 lần so với giai đoạn trước đây và hiện nay đang ở mức rất đáng lo ngại là 112,3”.


Theo đánh giá các chuyên gia nghiên cứu nhân khẩu học thì tình trạng MCBGTKS tại Việt Nam có một đặc điểm rất khác biệt so với các quốc gia châu Á khác, đó là TSGTKS cao ngay ở lần sinh thứ nhất, tỉ số này tiếp tục cao hơn ở lần sinh thứ 2 và đặc biệt cao nhất ở lần sinh cuối. Kết quả điều tra gần đây nhất cho thấy TSGTKS qua các lần sinh là: 110,2 ở lần thứ nhất, 109 ở lần thứ 2 và 115,5 ở lần sinh thứ 3 trở lên. Thực tế này cho thấy, nhiều cặp vợ chồng đã chủ động tìm kiếm kỹ thuật lựa chọn giới tính trước sinh ngay từ lần sinh đầu tiên. Nếu chưa được như mong muốn trong lần thứ nhất, họ sẽ tiếp tục làm mọi cách để đạt được ý nguyện có con trai trong những lần có thai sau.

“Tâm lý mong muốn có con trai chính là nguyên nhân gốc rễ của hiện tượng MCBGTKS tại Việt Nam”, ông Dương Quốc Trọng, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS- KHHGĐ), nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, do nhu cầu phát triển kinh tế hộ gia đình, nhất là vùng nông, lâm, ngư nghiệp, khai thác khoáng sản… nên việc có con trai lại càng trở nên bức thiết. Hiện tại, hệ thống an sinh xã hội chưa phát triển, nhất là ở các khu vực nông thôn nên người già hầu như vẫn phải sống phụ thuộc vào con cái, mà theo quan niệm truyền thống thì trách nhiệm đó thuộc về con trai. Do đó, phần lớn các gia đình đều cảm thấy bất an khi không có con trai.
Cán bộ y tế Bệnh viện Phụ sản Trung ương chăm sóc trẻ sơ sinh. Ảnh: Dương Ngọc - TTXVN
Giải pháp số một là tăng cường tuyên truyền

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học quốc tế và Việt Nam, trong những năm tới, cùng với sự phát triển của kinh tế - xã hội, mức sống của người dân được cải thiện thì tình trạng MCBGTKS có thể sẽ ngày càng tăng nhanh. Dự báo tới năm 2050 sự chênh lệch giữa nam và nữ giới tại Việt Nam sẽ dao động từ 2,3 - 4,3 triệu người. Hệ lụy là nhiều nam giới sẽ phải trì hoãn việc kết hôn và nhiều người trong số họ không thể kết hôn. Tình trạng này có thể còn làm tăng thêm sự bất bình đẳng giới. Nhiều phụ nữ sẽ phải kết hôn sớm hơn, tỷ lệ ly hôn và tái hôn của phụ nữ sẽ tăng cao. Khi có nhiều nam giới độc thân, tình trạng buôn bán phụ nữ, bạo hành giới và các cơ sở mại dâm sẽ có nguy cơ gia tăng…

Ông Christophe Guilmoto, chuyên gia của Quỹ Dân số Liên hợp quốc đề xuất: “Việc giảm thiểu MCBGTKS cần sự chung tay của cả cộng đồng. Thực tế, việc xử lý các cá nhân vi phạm việc tiết lộ hoặc lựa chọn giới tính thai nhi là rất khó. Trên thế giới, tại các quốc gia như Ấn Độ, Trung Quốc cũng rất khó để xử lý tình trạng này. Do đó, trong các giải pháp giảm thiểu tình trạng này thì hoạt động truyền thông luôn giữ vị trí quan trọng số một…”.

Theo bà Hồ Xuân, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Bắc Ninh: “Tại Bắc Ninh còn có hiện tượng “lách luật”, cố tình sinh con thứ 3 rồi tìm mọi cách để làm thủ tục nhận con nuôi dù thực tế đó là con đẻ. Thậm chí, có trường hợp còn xoay sở để xin bằng được xác nhận 1 trong 2 người con đã bị mất sức lao động để họ có quyền sinh con thứ 3 theo đúng quy định”. “Về lâu dài, để giảm tình trạng MCBGTKS còn cần có thêm nhiều chính sách hỗ trợ trẻ em gái và gia đình có con một bề là gái. Cần phối hợp nhiều bộ, ban, ngành để xây dựng những quỹ giành riêng cho trẻ em gái. Hỗ trợ học phí cho trẻ em gái. Những người cao tuổi ở gia đình sinh con một bề là gái cần được hỗ trợ cả về vật chất và tinh thần. Cần có chính sách hỗ trợ việc làm cho các em gái sau khi ra trường…”, bà Xuân đề xuất.

Theo Phương Liên
Tin tức

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm