“Phong trào” chôn vật phẩm cho trăm năm, ngàn năm

01/04/2010 13:55 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Một tuyên bố khá bất ngờ của lãnh đạo Thành phố Hà Nội vừa được đưa ra sáng qua, 31/3, đó là Hà Nội sẽ không xây dựng khu lưu giữ 1.000 hiện vật gửi tới ngàn năm sau (dự kiến đặt trong khuôn viên Bảo tàng Hà Nội), bởi lẽ ý tưởng này chỉ do cá nhân đưa ra và không có tính khả thi. Tuyên bố này được coi là một dấu chấm hết cho một dự án có tên “Gửi tới mai sau” đã được “khởi động” khá rầm rộ trong một thời gian khá dài. Thậm chí, trước đó đã có 2 cuộc họp báo phát động và giới thiệu về dự án này do Sở VH-TT&DL Hà Nội tổ chức.  

Nhân dịp này, TT&VH xin giới thiệu bài viết của nhà khảo cổ học Vũ Thế Long về hình thức “lưu giữ thời gian” khá phổ biến trên thế giới.

Có tới 15.000 điểm chôn giấu


 Chôn giữ vật phẩm thời gian ở Mỹ
Trên thế giới, người ta có hai dạng hiện vật được giữ cho mai sau. Một loại được chủ động do con người cất trữ hay chôn lấp trong những khoang chứa đặc biệt. Những vật thể này chôn cất bảo quản nhằm gìn giữ cho con cháu thuộc các thế hệ sau hay nhiều đời sau có thể mở ra để xem để nghe để biết ông cha tổ tiên họ đã sống như thế nào.


Có kẻ lo ngại nhỡ có thiên tai, thảm họa thì may ra cái mà ta chôn lấp sẽ giúp những kẻ sống sót sau này hiểu được người xưa sống ra sao. Cũng tựa như bao đời nay người ta đang ra sức khám phá giải mã những bí ẩn được chôn giấu trong lòng Kim Tự Tháp vậy.

Loại thứ hai cũng là vật trong đời thường bị chôn vùi một cách bất ngờ do thảm họa thiên tai mà điển hình như thành phố Pompeii bên Italia lại là dạng chôn vùi không chủ định. Đấy là lĩnh vực mà khảo cổ học nghiên cứu.

Không kể các trường hợp lẻ tẻ như người đi biển gặp nạn, bỏ thư vào chai thủy tinh được thả trôi trên biển hay vua chúa xây lăng mộ bí hiểm để lưu giữ vật phẩm với những thông điệp văn hóa thì việc chính thức tổ chức lưu giữ các vật phẩm tiêu biểu nhằm mục đích lưu giữ thông tin văn hóa cho đời sau mới được khởi đầu ở Hoa Kỳ từ những năm 30 của thế kỉ trước.

Người ta đã xây dựng hầm ngầm kiên cố hay làm những vật chứa siêu bền chôn sâu trong lòng đất đến năm sáu nghìn năm. Đã có dự án phóng vệ tinh mang theo vật phẩm văn hóa để mãi tận 50.000 năm sau, vệ tinh chu du trong vũ trụ trở về sẽ đem xuống trái đất cho thế hệ mai sau một kho tàng thông tin vật phẩm giá trị. Thời gian dài vệ tinh lưu lạc bằng cả một qúa trình tiến hóa của con người từ ăn lông ở lỗ cho đến cuộc sống hiện đại như chúng ta hôm nay.

Từ năm 1999 đã có một tổ chức quốc tế nghiên cứu và hoạt động về vấn đề này (Tổ chức ITCS). Người ta quan tâm đến nhiều khía cạnh khác nhau liên quan đến việc gửi hiện vật cho đời sau.

Có kẻ tán đồng việc chôn giữ vật phẩm cho đời sau và cũng không ít người phản đối. Người ta phản đối với muôn ngàn lí do khác nhau. Một số người cho rằng việc chôn giữ các vật phẩm ấy thật vô nghĩa vì suốt cả thời gian dài, các vật phẩm ấy không ai được biết, được xem, chẳng ai động tới. Mãi nghìn vạn năm sau mới mở ra chắc đâu đã còn mà lại vô cùng tốn kém. Chi bằng làm các phòng lưu giữ đặc biệt, đem ra trưng bày cho mọi thế hệ nghiên cứu có hơn không?

Người ta đã ước tính hiện trên thế giới có tới 15.000 những điểm chôn giấu như vậy và có đến 80% các địa điểm chôn giấu đã bị lãng quên.


Dự án “Gửi tới mai sau” của Hà Nội bị đánh dấu chấm hết?
Đa dạng mục đích

Ở một số nước Tây phương, chuyện chôn cất hiện vật sinh hoạt còn là một thú vui của những sinh viên trong các đại học. Người ta chôn một số thứ trong khối bê tông để năm mươi năm sau mở ra. Ai còn sống trong đám cựu sinh viên sẽ nhớ lại cái gì xảy ra khi họ mới vào trường. Người ta chôn ô tô sang trọng từ năm 1957 đến 2007 tưng bừng làm lễ khai quật thu hút được nhiều công chúng. Cũng lắm kẻ lợi dụng, quảng cáo, kinh doanh kiếm được nhiều lợi lộc ăn theo bởi quảng cáo vật liệu làm vật chứa siêu bền, bán đấu giá cổ vật...

Ở Liên Bang Xô Viết cũ người ta cũng tổ chức nhiều cuộc chôn những lá thư của người cộng sản gửi đến cho những người cộng sản muôn đời sau.

Bên Sông Đà nước ta, một lá thư gửi cho thanh niên thế hệ sau cũng được chôn kĩ trong khối bê tông cạnh đập thủy điện.

Thông thường, các hiện tượng chôn cất mang ý nghĩa quốc tế hay có mục đích chôn lâu dài thường rất tốn kém ví như cái sưu tập hiện vật mà người Nhật muốn gửi đến 5000 năm sau (năm 6970) nhân sự kiện hội chợ tòan cầu tại Osaka ngốn hết ngót nghét 200 triệu yên do một tập đoàn kinh tế đứng ra bảo trợ. Mới đây, nhân kỷ niệm 600 năm ra đời Seoul (1994) người ta cũng làm một điểm chôn 600 kỉ vật tiêu biểu của Seoul tại một công viên vào ngày 29-11-1994 và sẽ mở ra vào 29-11-2394 khi Seoul nghìn tuổi ắt hẳn cũng tốn lắm công nhiều của.

Người ta đã chọn và chôn cái gì?

Trước hết, muốn chọn cái gì thì phải hiểu rõ chôn để làm gì và ai là người có thẩm quyền lựa chọn vật chôn. Xin nêu một vài thí dụ:

Trong quả bom thép không rỉ được chôn ở New York vào năm 1939 nhân hội chợ quốc tế người ta chôn các thứ gồm 35 vật nhỏ dùng trong sinh hoạt hàng ngày như: bút máy, 75 mẫu vải, kim loại, đồ nhựa và các lọai hạt giống cây, sách văn học hiện đại, tác phẩm nghệ thuật đương đại và những sự kiện nổi bật của thế kỉ 20 tính đến năm đó cũng được lưu vào micrô file. Những micro - file ấy lưu giữ 10 triệu từ và hàng ngàn bức ảnh. Họ còn bỏ vào cả kính hiển vi để đời sau có thể xem được. Ngoài ra còn có cả tạp chí Life, búp bê “kewpie” nổi tiếng, đồng 1 đô la, bao thuốc lá Camel, một cuộn phim thời sự ngắn của hãng Pathé , một cuốn catalogue giới thiệu hàng và giá bán với nhiều hình ảnh, sách niên giám...


Quả bom thép không rỉ được chôn ở New York vào năm 1939

Người ta cũng bỏ vào đó cả những cẩm nang hình ảnh để dạy người đời sau cách đọc, phát âm và hiểu được chữ của 5000 năm trước để đề phòng đời sau bị mất ngôn ngữ xưa.

Việc đóng gói và chọn chất lượng hiện vật do Văn phòng tiêu chuẩn Quốc gia lựa chọn.

Hiện vật chọn ở Osaka hay Seoul thì có nhiều thứ hiện đại hơn như thông tin về chinh phục mặt trăng, không gian, TV, đĩa CD, đồng hồ nguyên tử và cả những mẫu vải vóc, giầy dép cổ truyền...

Biết và bàn chuyện của ta

Ngẫm lại, mình chỉ là một người DÂN, một người DÂN làm nghề Khảo cổ học. Nghe nói được thành phố Seoul họ tặng cho các phương tiện cất trữ, còn cái của cất trữ là của ta. Cất cái gì là của ta. Dự án tốn phí bao nhiêu? Do công ty nào bảo trợ?

Thiết nghĩ nếu như bạn có nhã ý tặng ta một khoản kinh phí có ý nghĩa để kỉ niệm cho Đại lễ nghìn năm Thăng Long thì ta còn vô vàn điều cần phải làm quan trọng hơn. Chẳng hạn như việc làm sao giáo dục cho thế hệ trẻ hiểu được ngay lịch sử gần đây thôi. Hỏi về Hà Nội chiến đấu và xây dựng trong thế kỉ qua thôi mà nhiều bạn trẻ còn ngơ ngác nói sai be sai bét thì nói chi đến nghìn năm?

Tôi chợt nghĩ, may mà nghìn năm trước các cụ không có chôn cất gì để cố ý gửi lại cho đời sau thì cái nghề Khảo cổ học của chúng tôi mới tồn tại. Nếu thực đã có một cái hòm chôn cất đầy đủ các thứ của các cụ ban cho từ nghìn năm trước thì dân Khảo cổ chúng tôi chắc phải giải nghệ từ lâu rồi, cả cái Viện Khảo cổ học chắc cũng phải đóng cửa nốt. Nghìn năm sau giá như cái hố chôn “gửi tới mai sau” hôm nay vẫn còn và nếu như cháu chắt, nhiều đời của PGS.TS. bạn tôi vẫn kiên trì nối nghiệp tiên tổ làm cái nghề Khảo cổ vất vả mà vớ bẫm được cái “thùng đồ” này chắc sẽ phải im thin thít vì mọi thứ trong đó, cả chữ viết, giọng nói đủ cả. “Đồ cổ mà biết nói năng” thì liệu thầy Khảo cổ nghìn năm sau sẽ ra sao đây?

Giá như dự án chưa bị ngừng, tôi chỉ xin đóng góp một sáng kiến tích cực: Nên gửi vào đó một bộ sách có in những chữ thật rõ nét lời NGƯỜI “Cần, Kiệm, Liêm, Chính. Chí công, vô tư” Câu ấy đã có hơn 2.000 năm và cha ông ta vẫn nhắc đi nhắc lại trăm năm, chục năm và tận bây giờ vẫn nhắc đi nhắc lại hàng ngày. Lỡ người ta quên thì nghìn năm nữa biết đâu mà lần?

Nhà khảo cổ học Vũ Thế Long

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm