Phòng trà lắm nỗi truân chuyên

19/07/2008 11:25 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH Online) - Sau Tết Mậu Tý, phòng trà Điểm Một Thời đóng cửa, rồi sau đó là M&Tôi (dù mới khai trương lại) và mới đây phòng trà Tiếng Dương Cầm và phòng trà Tình Ca tiếp tục “ngưng hoạt động”. Chưa kể trước đó khá lâu phòng trà Sài Gòn và phòng trà 2B ra đi chưa hẹn ngày tái ngộ. Điều gì đã làm cho số phận các phòng trà lắm nỗi truân chuyên?

Mặc dù Hà Nội và một vài tỉnh thành khác vẫn có phòng trà, tuy nhiên ca nhạc phòng trà tại TP.HCM được xem là nét sinh hoạt âm nhạc khá đặc biệt đối với công chúng yêu nhạc nơi đây, là nơi hoạt động nhộn nhịp và là mảnh “đất lành” mà nhiều cánh chim bốn phương tìm về đây để… thỏa chí tung hoành.
 Phòng trà ATB
Tuy vậy, “lịch sử” phòng trà TP.HCM từ sau ngày giải phòng cũng lắm nỗi thăng trầm, nhiều phòng trà xuất hiện và cũng nhiều phòng trà ra đi, kinh doanh phòng trà có người giàu lên nhưng cũng có kẻ phải “dẹp tiệm”…

Muôn sắc âm nhạc phòng trà

Phòng trà đầu tiên của TP.HCM xuất hiện vào khoảng thời gian “hưng thịnh” của nhạc Việt, khi nhạc Việt lên ngôi và nhạc hải ngoại lùi bước. Đồng Dao ở đường Nguyễn Huệ, quận 1 được xem là người anh cả của phòng trà TP.HCM sau ngày giải phóng, ra đời vào khoảng 1997-1998. Sau đó một số phòng trà khác ra đời như Tiếng Tơ Đồng, M Sài Gòn, M&Tôi, ATB…
 Các ca sĩ biểu diễn tại phòng trà
Qua thời gian hoạt động, mỗi phòng trà gần như hình thành “gu” nhạc của mình để phục vụ cho một số lượng khán giả yêu thích loại nhạc đó. Cho đến đầu năm 2008, một đêm ở TP.HCM, hệ thống phòng trà có thể đáp ứng cho rất nhiều “gu” nghe nhạc khác nhau. Muốn nghe nhạc “trữ tình tiền chiến” có thể đến phòng trà ATB của ca sĩ Ánh Tuyết hoặc phòng trà Tiếng Dương Cầm của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, muốn nghe nhạc Trịnh Công Sơn ngoài ATB, tiếng Dương Cầm còn có phòng trà Ân Nam do ca sĩ Lan Ngọc làm “chủ xị”, ở đây còn thường xuyên biểu diễn nhạc Vũ Thành An, Ngô Thụy Miên. Nghe nhạc “êm” nhưng hơi “sến” một chút và muốn gặp gỡ ca sĩ hải ngoại có thể đến phòng trà Văn Nghệ. Muốn nghe nhạc “trẻ” thì xin mời đến phòng trà Không Tên của nhạc sĩ Lê Quang, ở đây có khi có cả những bản nhạc rock do “quý ông” Anh Khoa biểu diễn… Kể cả những người có “tâm hồn âm nhạc dân tộc”, TP.HCM cũng sẽ sẵn sàng phục vụ, phòng trà Điểm Một Thời chuyên biểu diễn âm nhạc dân tộc do nhà thiết kế Sỹ Hoàng làm chủ. Tại đây, trong không gian của ngôi nhà cổ, mọi người có thể ngồi ở các bộ bàn ghế gỗ cổ xưa hoặc ngồi xếp bằng ở những bộ bàn theo phong cách Nhật, uống trà và ăn… hạt bí rang để nghe ca trù, chầu văn, quan họ, hòa tấu nhạc cụ dân tộc hoặc các loại nhạc cụ lạ hoắc như đàn đá, k’ní…
 Trà được bày rất đơn giản mà gây ấn tượng
Tuy nhiên, điểm lại lịch sử phòng trà, để tồn tại và phát triển gần như các chủ phòng trà phải “chiến đấu” để chiến thắng 2 yếu tố chính:

Địa điểm và “phong cách”

Cho đến nay những phòng trà “ba chìm bảy nổi” cũng là do hai yếu tố này. Yếu tố địa điểm “đắc địa” có thể nói là yếu tố hàng đầu. TP.HCM có 20 quận huyện nhưng kể cả những quận sầm uất như quận 5, 10, 11… cũng không phải là nơi có thể đặt “sào huyệt” cho phòng trà. Người dân TP.HCM có thói quen đi chơi đêm là tập trung về quận 1, nên trước đây ở quận 1 có rất nhiều phòng trà như: Đồng Dao, Tiếng Tơ Đồng, Sài Gòn, ATB, 2B (Lê Duẩn), Không Tên, Điểm Một Thời… Nhưng số lớn các phòng trà nêu trên, đều lần lượt đội nón ra đi vì mặt bằng bị lấy lại để xây dựng công trình hoặc không chịu nổi tiền mặt bằng. Có thể nói thế hệ thứ hai của phòng trà TP.HCM là sự hình thành những phòng trà ven quận 1 (hay có thể gọi là gần “trung tâm”). ATB dời về 197/4 Nguyễn Văn Trỗi, Phú Nhuận; Nguyễn Ánh 9 lập phòng trà Tiếng Dương Cầm ở 373-375 Nguyễn Trọng Tuyển, Phú Nhuận; Ca sĩ Duy Quang và một số người khác lập phòng trà Tình Ca ở 1A Phổ Quang, Tân Bình; nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng với phòng trà Văn Nghệ ở 14 Lam Sơn, quận Bình Thạnh; M&Tôi khôi phục lại tên tuổi của mình ở 28 Phạm Ngọc Thạch, quận 3… Chỉ duy nhất hiện nay Không Tên còn trụ lại ở 147bis Hai Bà Trưng, quận 1 và Đồng Dao sau một thời gian ngừng hoạt động, nay cũng mở lại ở 28 Pasteur, quận 1 nhưng hoạt động cũng không rôm rả bằng thời hoàng kim của mình.
 Phòng trà đơn giản mà trang nhã
Tuy đã trôi dạt về vùng ven “trung tâm” quận 1 nhưng muốn tồn tại, phòng trà phải có nét riêng của mình. Hiện nay các phòng trà được xem là có “phong cách” riêng để thu hút khán giả có thể kể đến: phòng trà ATB với truyền thống “nhạc sang”, nơi khởi thủy của những chương trình nhạc chủ đề. Phòng trà Không Tên với loại hình nhạc trẻ, quy tụ hầu hết các sao hiện nay như: Mỹ Tâm, Đàm Vĩnh Hưng, Hồng Nhung, Quang Dũng, Đức Tuấn, Hồ Ngọc Hà, Hà Anh Tuấn, Anh Khoa, Elvis Phương, Đức Huy… Phòng trà Văn Nghệ với loại nhạc bình dân cùng những show diễn của các ca sĩ hải ngoại. Phòng trà 2B, Ân Nam, Tiếng Dương Cầm thì na ná như ATB nhưng không mạnh bằng.

Ngoại trừ một số phòng trà đã ra đi như phòng trà Sài Gòn, 2B. Sau Tết Mậu Tý (2008), một loạt các phòng trà đang ngưng hoạt động như Điểm Một Thời của Sỹ Hoàng (2/2008), Tiếng Dương Cầm của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 (cuối tháng 6/2008), Tình Ca (đầu tháng 7/2008), M&Tôi… Tuy vậy cũng có phòng trà mới mọc lên như Tiếng Xưa ở đường Cao Thắng (nối dài), quận 10. Những phòng trà xuất hiện, ngưng hoạt động hoặc biến mất trên bản đồ phòng trà TP.HCM tựu trung đều xuất phát từ 2 yếu tố: địa điểm và “phong cách” riêng của mình.

Khi “phong trào” hát đĩa MD và hát nhép bùng phát, phòng trà là nơi duy nhất để khán giả có thể cảm nhận được cái hồn vốn có của sân khấu biểu diễn. Một số ca sĩ cũng dùng phòng trà để diễn những mini show của mình khi chưa có điều kiện để tổ chức live show, hoặc là nơi giới thiệu những album mới. Phòng trà cũng là nơi trưởng thành của một số ca sĩ như A&M, Đức Tuấn, Quang Dũng, Nguyên Thảo… và trên hết nó được xem là sinh hoạt văn hóa đặc thù của TP.HCM. Nhưng số phận của các phòng trà cũng lắm nỗi truân chuyên.
 
Hữu Trịnh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm