Dạo qua “chợ chữ” ông đồ

20/02/2010 12:13 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Năm nay chợ chữ trên đường Văn Miếu không tổ chức giống năm trước (thành “Phố ông Đồ”) mà các ông đồ trẻ già mỗi ông một chiếu ngồi tự do, dựa lưng vào tường Văn Miếu. Ông đồ nào cũng có đệ tử phục dịch, có khi là vợ con, có khi là sinh đồ đang theo thầy học thư pháp. Ra chợ ngoài việc phục dịch, còn là cơ may học mót lấy tí nghề giao dịch chờ thời một mình ra xới.


“Chợ chữ” ở Văn Miếu

Khách đến chợ xin chữ khá nhiều người trẻ tuổi, chữ Hán không biết nhưng giống như mọi năm, xin chữ, chơi chữ giống như phong trào, nói quá là có vẻ như thói a dua. Cách xin chữ cũng có vẻ thực dụng, thường là những chữ đơn giản như chữ CHÍ (chí hướng), chữ DUYÊN (may mắn), chữ NHẪN, chữ PHÚC, chữ THỌ. Các ông đồ ít khi ra chữ, thường cho chữ theo nguyện vọng của người xin, viết theo họ. Một là cho tiện, cho nhanh, đỡ mất công suy nghĩ. Mà cũng e rằng các ông đồ cũng chẳng nhiều chữ lắm, ra đây cốt mua vui lại kiếm được tí lộc đầu năm. Đồ V. một thư pháp gia trẻ tuổi có nho học thâm hậu tâm sự: “ ... Chữ Hán là loại chữ dễ “đánh lừa” nhất, nào mấy ai biết mặt chữ, viết thế nào chẳng được, rồi giải thích này nọ là sáng tạo phá cách ai mà biết. Loại chữ này không như quốc ngữ. Quốc ngữ ai cũng đọc được và chẳng thể giấu được. Cho nên ở đây cũng có ông làm bại hoại chữ nghĩa mà không ai biết, chỉ cốt kiếm tiền, có ông ra giá cả dăm trăm ngàn một bức trước khi hạ bút...”

Thư pháp chữ Quốc ngữ lại có vẻ ế ẩm. Dân Bắc chưa có thói quen chơi thư pháp chữ Quốc ngữ.

Phần nhiều các ông đồ đều bảo giá cả thì là tùy tâm, nhưng thường là năm chục một trăm ngàn đồng trở lên. Ai đến với chợ chữ thánh hiền lại hà tiện bao giờ.

“Chợ chữ” này dự kiến còn kéo dài đến tận Rằm Tháng Giêng.

Đông Ngàn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm