22/08/2008 07:00 GMT+7 | Entry của bạn
“Ai qua phố Nhãn dừng chân
Mà nghe vị ngọt thấm dần yêu thương
Lặng thầm chỉ một làn hương
Mà say, đằm thắm mãi vương trong hồn!”
Từ Hà Nội đi về phía nam theo quốc lộ 5, đến ngã tư Phố Nối thuộc tỉnh Hưng Yên rồi rẽ vào đường 39 là bạn đang có một cuộc hành trình về với Hưng Yên. Với Phố Hiến xưa một thời còn lưu truyền trong câu ca: “Thứ nhất Kinh Kỳ, thứ nhì Phố Hiến”.
Nếu Phố Hiến xưa nổi tiếng là một thương cảng sầm uất vào bậc thứ hai ở miền Bắc nước ta thời phong kiến - sau Kinh Kỳ - thì nay, Phố Hiến được biết đến như thủ phủ của nhãn lồng - một loại đặc sản chỉ có thể tìm thấy nơi mảnh đất Hưng Yên ngàn năm văn hiến… Riêng lũ trẻ chúng tôi thì thích gọi Phố Hiến bằng một tên khác bình dị hơn: Phố Nhãn.
Bạn cứ thử hình dung mà xem, trong mỗi khu vườn hay dọc theo những con đường, đâu đâu cũng chỉ rợp một màu xanh ngút ngàn của nhãn. Đặc biệt vào mùa hoa nhãn nở rộ, dưới vòm trời cao xanh mênh mông, bạn có thể nhận ra trong làn gió thơm chút ngọt ngào man mác, đằm thắm của một miền quê bình yên…
Hoa nhãn bé xinh dệt tình, xoay mình trong gió, rơi ngập hè phố. Vào mùa hoa, những người làm nghề nuôi ong lấy mật từ các vùng lân cận lại háo hức đổ về Hưng Yên, đặt “đại bản doanh” của mình trong những khu vườn nồng nàn một mùi hương say đắm để có được một thứ mật nguyên chất và nhiều công dụng từ loài hoa nhãn nhỏ xinh. Tiếng ong vo vo chuyên cần hút mật trong mùa hoa, tạo thành một âm điệu rất riêng, rất lạ tai và kỳ thú.
Rồi mùa hoa qua, lấp ló trong vòm xanh những chùm quả be bé xinh xinh, cứ lớn dần, lớn dần lên theo ngày tháng. Rễ chắt chiu từ đất quê hương dòng nhựa sống mà nuôi cây, dồn ngọt ngào lắng đọng trong hoa trái. Quả cứ chín dần lên, tựa như những quả bằng lăng, thậm chí to như quả xà cừ mùa hạ, nhưng trông tròn, ngọt ngào và dễ thương hơn… Khách qua đường dừng chân thưởng thức, vị còn vương mãi nơi đầu môi, lưu luyến chẳng muốn rời… Và họ mua về làm quà cho bạn bè, cho những người thân, hẹn mùa sau nhất định sẽ về thăm, sẽ gặp lại.
Vào mùa thu hoạch, nhãn được trẩy xuống, bó thành từng túm, bày bán la liệt khắp các chợ và dọc trên các tuyến đường. Nhãn thì cũng có đến dăm bảy loại, như nhãn cỏ, nhãn Linh chi, nhãn cùi, nhãn nước... Mỗi loại để lại một dư vị khác nhau, song tất cả đều đậm đà khó quên. Chợ bán nhãn được họp từ rất sớm, lúc phố phường còn vương vất khói sương - dấu vết của một đêm cũ còn chưa qua hết… Các bà, các mẹ, các chị đầu đội khăn (để tránh sương vương ướt tóc), ánh mắt rạng ngời, khi có khách thì đon đả chào mời, lúc thưa người lại rôm rả với những câu chuyện làng, chuyện xóm giản dị mà chân chất một tình quê…
Nhãn Hưng Yên theo chân những thương lái, đựng trong những chiếc sọt lớn bằng tre có lót một lượt rơm vàng mà về với Thủ đô, với những vùng quê khác. Không khí đông vui như trong ngày hội - ngày hội của hương quê, tình quê, của người trông cây trông chờ ngày hái quả…
Tuổi thơ tôi gắn bó với một con đường nhỏ sau nhà, rợp đầy bóng nhãn, gọi là con đường nhãn. Con đường nhãn không dẫn ra ngoài phố, dẫn tới nhịp sống ồn ào và hối hả, mà dẫn vào những xóm làng nhỏ cùng những khu vườn xanh um bóng nhãn. Cả một màu xanh của nhãn mênh mang trong gió đồng dịu dàng len vào trong từng sợi tóc... Tôi vẫn hay ngồi vắt vẻo trên những chạc ba của cây mà ngóng đợi dáng mẹ lặng lẽ trở về trong bóng chiều thưa, cuối con đường chênh vênh thấp thoáng…
Con đường nhãn giữ lại những dấu chân lấm bùn lam lũ của người dân quê, tiễn người đi xa, đón người trở về bằng một màu xanh yêu thương của nhãn. Sau này lớn lên, đi xa, tôi mới hiểu đó đơn thuần không chỉ là một con đường nhãn, mà là nỗi nhớ, là mảnh hồn làng, hồn quê chẳng bao giờ quên được. Hương nhãn mỗi mùa lại rạo rực, xôn xao trong lồng ngực, gọi về bao khát khao, ước ao, lại muốn được quay về tuổi thơ mà thả bộ đôi chân trần trên con đường xứ nhãn quê hương.
Ai chưa bao giờ nếm thử hương vị ngọt ngào và đằm thắm ấy, xin một lần ghé thăm Phố Hiến quê tôi. Ở đó có những nụ cười hiền hậu của những con người gắn bó sâu nặng với đất quê hương. Và bạn sẽ cảm nhận được sự thảo thơm từ những gì yêu thương, ấm nồng từ tình đất, tình người nơi đây.
Lương Đình Khoa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất