Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội: Bảo tồn văn hoá là tri ân tổ tiên

05/02/2013 07:53 GMT+7 | Văn hoá


(Thethaovanhoa.vn) - “Quy mô Hà Nội ngày càng mở rộng, đất lành thủ đô được người dân khắp mọi miền hội tụ… Thủ đô luôn đón nhận và chia sẻ những thành quả, nhưng cạnh đó để bảo vệ quyền lợi cho chính người dân và bảo tồn nét đẹp văn hoá nghìn năm thì không thể phát triển quá nóng, mà cần có quy hoạch, có lộ trình cụ thể. Bởi vậy, các cấp lãnh đạo thành phố đã gấp rút triển khai kế hoạch xây dựng Quy ước văn hóa về xây dựng người Hà Nội văn minh, thanh lịch. Việc này, không những “đi tắt đón đầu” giữ gìn hồn cốt cho Hà Nội trong tương lai mà còn góp phần tri ân với tổ tiên đã có công gây dựng” - bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã trải lòng với phóng viên nhân dịp đầu Xuân năm mới 2013.

Năm qua, Hà Nội đã khởi động việc xây dựng quy ước này và vì thế đã được báo TT&VH nhận định là 1 trong 10 sự kiện văn hóa tiêu biểu nhất năm.

Địa phương đầu tiên xây dựng Quy hoạch phát triển văn hóa

*  Thưa bà, năm 2012, Hà Nội được đánh giá là địa phương đầu tiên trong cả nước xây dựng được Quy hoạch phát triển văn hóa địa phương đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Nhân dịp đầu Xuân, bà có thể giới thiệu những điểm nhấn chính của quy hoạch này?

- Hà Nội là đơn vị đầu tiên làm Quy hoạch văn hoá, theo đó, thành phố tập trung vào 5 lĩnh vực: Đời sống tư tưởng, di sản, văn học - nghệ thuật, giao lưu văn hóa nước ngoài, xây dựng thể chế và thiết chế.

Ngoài việc đặt ra các mục tiêu cụ thể, có sự lượng hóa cao thì quy hoạch còn tập trung đưa ra các giải pháp bảo tồn và phát huy văn hóa Hà Nội trong thời gian tới, chú trọng nâng cao nhận thức tư tưởng, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; tăng cường nguồn nhân lực, cơ sở vật chất cho hoạt động văn hóa và sẽ triển khai hàng loạt công trình, dự án văn hoá tiêu biểu.

Tổng Giám đốc TTXVN Nguyễn Đức Lợi và bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội lên trao Giải thưởng Lớn - Vì tình yêu Hà Nội cho nghệ sĩ guitar Văn Vượng

* Hà Nội đang cần phải quy hoạch thêm rất nhiều công trình văn hóa, tuy nhiên, việc khai thác, phát huy các công trình hiện có cũng rất quan trọng. Trở lại với Bảo tàng Hà Nội. Năm qua có nhiều ý kiến cho rằng, bảo tàng quan trọng này chưa phát huy được hiệu quả. Tuy nhiên, trong thực tế, thì Hà Nội vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. Xin bà cho biết về những việc sẽ phải làm cho Bảo tàng Hà Nội?

- Đây là công trình được đầu tư với số tiền lớn, tọa lạc trên khu đất 5,4ha, với quy mô bốn tầng nổi, hai tầng hầm, kiến trúc hiện đại như kim tự tháp ngược, mở cửa vào dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Tuy công trình đã đưa vào sử dụng từ tháng 10/2010 nhưng phải đến tháng 9/2011, TP Hà Nội mới có thể phê duyệt được phương án trưng bày. Việc sắp xếp, trưng bày các hiện vật phải đến năm 2014 mới có thể hoàn thành.

Như vậy, Bảo tàng Hà Nội sẽ phải cần thêm ít nhất hai năm nữa mới có thể hoàn thành các nội dung trưng bày để sẵn sàng đón khách vào tham quan một công trình bảo tàng trọn vẹn cả về kiến trúc và hiện vật.

Với một công trình lớn như Bảo tàng Hà Nội, lại áp dụng kỹ thuật cao và chưa bao giờ có mẫu thiết kế nên quá trình đầu tư không thể tránh khỏi những thiếu sót và hư hỏng như thời gian qua. Hiện mới có 60.000 hiện vật đang được trưng bày tại bảo tàng, phục vụ nhu cầu tham quan, du lịch của du khách và người dân thủ đô.

“Chạm” đúng vào nỗi bức xúc về ứng xử

* Vấn đề xây dựng văn hóa thực chất là xây dựng con người. Để xây dựng văn hóa Hà Nội thành công, cần xây dựng con người Hà Nội “văn minh, thanh lịch”. Xin bà cho biết, ý tưởng, kế hoạch xây dựng Quy ước văn hóa về văn minh thanh lịch bắt nguồn từ đâu?

“Xét cả về giá trị văn hóa lịch sử và giá trị sử dụng, Văn Miếu - Quốc Tử Giám là nơi mà mỗi công dân thủ đô nên đến ít nhất một lần trong đời, để có thể thấm nhuần và tự hào về truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo của các bậc tiền bối đi trước gửi gắm lại trong đó” (Phát biểu của bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội).

- Hiện nay, những giá trị văn hóa truyền thống của Hà Nội đang có nguy cơ xuống cấp, khiến Hà Nội – biểu tượng của bề dày lịch sử văn hóa truyền thống Việt đang bị xâm hại cả về “thể trạng” lẫn “tinh thần”. Chính những điều đó đã làm Hà Nội hiện nay đang mất dần hình ảnh trong lòng người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế. Tôi nói trước tiên với tư cách cá nhân, với cái tâm của người công dân thủ đô đã bao nhiêu năm gắn bó với mảnh đất nghìn năm văn hiến này, sau là với trách nhiệm của người quản lý thành phố thì đều không cho phép biểu tượng nghìn năm văn hiến của một đất nước bị xuống cấp và tha hóa.

Nhìn văn hoá ngày càng xuống cấp thì người lãnh đạo phải biết đau lòng và càng không cho phép xao nhãng, hời hợt với những thành quả bao đời của cha ông. Bởi vậy, các cấp lãnh đạo thành phố đã gấp rút triển khai kế hoạch về xây dựng Quy ước văn hóa về xây dựng người Hà Nội văn minh, thanh lịch. Việc này cũng góp phần tri ân với tổ tiên đã có công gây dựng.

* Và theo nhận định của bà thì mức độ ủng hộ của dư luận cả nước nói chung và nhân dân TP Hà Nội ra sao đối với quy ước này?

- Cuộc bàn tròn “Xây dựng hệ thống quy tắc ứng xử nhằm xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” đã diễn ra trong thời gian qua với sự tham dự của hàng trăm nhà khoa học, văn hoá đã “chạm” đúng vào nỗi bức xúc về ứng xử trong xã hội hiện đại. Điều đó cho thấy Quy ước văn hóa xây dựng người Hà Nội văn minh, thanh lịch đã và sẽ luôn nhận được sự quan tâm của dư luận. Từ đây, những người làm văn hóa thủ đô có thể tự tin xây dựng hệ thống quy tắc ứng xử cho người Hà Nội.

Sau 9 tháng triển khai thực hiện, Chương trình 04-CT/TU của Thành ủy Hà Nội đã đi vào đời sống người dân với sự tham gia tích cực của tất cả các sở, ban ngành, địa phương. Hiện giờ có thể nói, người dân Hà Nội đã thực sự quan tâm tới các vấn đề đặt ra trong cuộc vận động này, nhiều người còn coi đây là việc gắn chặt với cuộc sống của mình. Tuy nhiên, để tất cả các gia đình hiểu được ý nghĩa tích cực của cuộc vận động vẫn không dễ dàng.

Hồn cốt người Hà Nội - nét đặc trưng điều chỉnh ý thức người nhập cư

*  Có một vấn đề văn hóa thường gây tranh cãi đó là chuyện người Hà Nội gốc và người các địa phương khác mới sinh sống ở Hà Nội một hai đời, và cả những người mới nhập cư, hoặc đang tạm trú. Theo bà trách nhiệm của mỗi người đối với việc xây dựng văn hóa Hà Nội như thế nào?

- Nhân dân chính là chủ thể của văn hóa. Bởi vậy, không ai có thể bảo vệ, gìn giữ các giá trị văn hóa, các di tích lịch sử tốt hơn người dân. Chính bản thân mỗi người khi đã khoác lên mình tấm áo người Việt Nam nói chung và công dân Hà Nội nói riêng thì đều phải thấy được trách nhiệm, quyền lợi của mình với những giá trị văn hóa truyền thống đó. Mình là chủ thể, mình bảo vệ tốt thì bản thân mình, con cháu mình sẽ được sống trong một môi trường lành mạnh, trong một nề nếp văn hóa mà nó sẽ là cái nền để nâng cái tâm và cái tầm của chủ thể đang hiện hữu xung quanh nó.

Bởi vậy, không cần phải làm những việc to tát vĩ đại mới thể hiện tinh thần trách nhiệm với thủ đô, mà mỗi người dân chỉ cần làm những hành động nhỏ mà thiết thực nhất trong cuộc sống hằng ngày của mình.

* Nói gì thì nói, ta cũng không thể phủ nhận những sự mai một trong văn hóa Hà Nội thời gian qua, mà biểu hiện dễ nhận biết nhất là nề nếp, lối sống, sinh hoạt. Theo bà, nguyên nhân của tình trạng đó? Và liệu có giải pháp gì để cải thiện trong nay mai?

- Nói về sự “đổ vỡ” của văn hóa truyền thống người Hà Nội, có ba nguyên nhân cơ bản, đầu tiên phải kể đến là ảnh hưởng của yếu tố xã hội: Giữa văn hoá truyền thống và văn hoá hiện nay có một hố ngăn cách, hay một sự “đứt gãy”. Hai là, chúng ta vẫn chưa làm tốt được vai trò truyền tải tất cả những giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp cho lớp người sau và đó là điều rất đáng tiếc. Ba là, do sự nhập cư ồ ạt vào Hà Nội khiến môi trường sống quá tải, thiếu kiểm soát cũng gây nên hàng loạt những hệ luỵ, những hậu quả tiêu cực.

Văn hoá thanh lịch của người Hà Nội và nhiều yếu tố truyền thống khác vốn đã bị tổn hại sau mấy chục năm thực hiện “văn hoá mới”, nay phần nào bị đổ vỡ. 

Từ xa xưa mỗi làng có hương ước và người dân đều phải tuân theo. Thời nay, cộng đồng dân cư được mở rộng song vẫn phải coi hương ước là nguyên tắc chung và được bổ sung cho phù hợp thời đại. Ở mỗi địa phương, người dân bản địa sẽ quyết định được ý thức của dân vãng lai. Do vậy, hồn cốt người Hà Nội là nét đặc trưng, sẽ điều chỉnh ý thức của người dân khác đến thủ đô.

* Bà ăn Tết ở Hà Nội như thế nào? Địa điểm bà muốn lui tới trong ngày Tết?

- Văn Miếu - Quốc Tử Giám là khu di tích lịch sử - văn hóa đặc biệt quan trọng, nằm giữa thủ đô, là biểu tượng muôn đời của văn hiến và trí tuệ Việt. Với bề dày 1.000 năm, nơi đây đã đào tạo nên hàng ngàn các bậc đại khoa, hiền tài cho đất nước.

Bởi vậy, mỗi dịp năm mới, tôi luôn ghé qua nơi thiêng liêng này để cầu an lành, may mắn, phước lộc cho thủ đô ngày càng có nhiều người con hiếu học hơn nữa, ngày càng có những tấm gương về tinh thần tôn sư trọng đạo, về đạo lý “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”.

Và đặc biệt hơn nữa, Hà Nội hiện nay đang đứng trước một thách thức vô cùng lớn trong công cuộc tái thiết và quy hoạch thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Để thực hiện tốt được điều này, thủ đô phải cần sự chung tay góp sức của hiền tài trong cả nước, phải hội tụ được đầu óc của những con người tinh túy nhất, có như thế mới có thể xây dựng được bộ mặt thủ đô xứng tầm là biểu tượng của Việt Nam. Cái Tết ở Hà Nội luôn đặc sắc, mỗi năm sẽ có một điều thú vị và tôi luôn cảm nhận được sự vui tươi, đầm ấm.


Nên đưa giải văn hóa ứng xử vào giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội

PV: Bà đánh giá như thế nào về giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội trong việc xây dựng văn hóa Hà Nội?

- Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc: giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội được trao hằng năm đã kịp thời tôn vinh những tác giả, tác phẩm, công trình có những đóng góp xuất sắc cho  Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến. Đây là hoạt động góp phần cùng Hà Nội phát hiện, khẳng định, cổ vũ động viên kịp thời những tác giả, tác phẩm, ý tưởng, việc làm cống hiến xây dựng văn hoá thủ đô. “Vì tình yêu Hà Nội”, tôi tin tưởng rằng, với những gì được phát hiện và khẳng định qua giải thưởng Bùi Xuân Phái, TP Hà Nội sẽ có thêm những nguồn lực văn hóa quan trọng để xây dựng và phát triển thủ đô.

Tới đây giải thưởng nên đưa thêm văn hóa ứng xử vào trong hệ thống giải thưởng như một hạng mục mới: Giải Văn hóa ứng xử - Vì tình yêu Hà Nội, bên cạnh Giải thưởng Lớn và các giải Tác phẩm, Ý tưởng, Việc làm.


Nguyễn Văn Cảnh (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm