29/12/2022 08:41 GMT+7 | Giải trí
Sẽ rất khó để gọi tên một tác phẩm "bom tấn truyền hình Việt Nam" của năm 2022. Tuy nhiên, vẫn có một số bộ phim tạm coi là điểm sáng của năm, để lại dấu ấn và thiện cảm với khán giả.
Về cơ bản, đó chủ yếu là các phim xưa (lấy bối cảnh xã hội cũ) và một vài tác phẩm đề tài tình yêu, tuổi trẻ.
Điểm sáng của tuổi trẻ
Phát sóng giờ vàng VTV năm 2022 vẫn có đủ loại từ phim hình sự, hôn nhân gia đình, tình mẫu tử, tình phụ tử, tình yêu... Nhưng nổi bật nhất phải kể đến những tác phẩm chủ đề tình yêu, tuổi trẻ như 11 tháng 5 ngày, Ga-ra hạnh phúc, Lối về miền hoa, Anh có phải đàn ông không…
Trong đó, 11 tháng 5 ngày do bộ đôi Lê Đỗ Ngọc Linh và Nguyễn Đức Hiếu đồng đạo diễn, xoay quanh hành trình lập nghiệp của những bạn trẻ thành phố với không ít gian nan. Không gây ấn tượng ngay từ những tập mở màn, nhưng càng phát sóng phim càng khiến khán giả bất ngờ cả về nội dung và diễn xuất. Cặp đôi Thanh Sơn - Khả Ngân kết hợp ăn ý trong phim. Màn "tung hứng" của Trung Ruồi - Lương Thanh cũng góp sắc màu thú vị, hài hước cho phim. Tinh thần trẻ trung, lạc quan mà tác phẩm truyền tải đã giữ chân người xem đến những tập cuối cùng.
Trong khi đó, Ga-ra hạnh phúc (đạo diễn Bùi Quốc Việt) là tác phẩm truyền hình được khán giả yêu thích năm 2022 bởi sự gần gũi, hài hước, trẻ trung. Không có quá nhiều "drama", Ga-ra hạnh phúc kể về những người trẻ không hoàn hảo, mỗi người có một bí mật quá khứ hay những sai lầm không muốn nhắc tới. Hành trình họ đương đầu khó khăn, sống với thực tại, hàn gắn tổn thương đã gửi gắm nhiều thông điệp ý nghĩa về cuộc sống, tình yêu và tuổi trẻ. Trong phim, một Bảo Anh gây ấn tượng với một nhân vật mới lạnh lùng ít nói, Quỳnh Kool khác biệt khi đóng vai cô gái độc lập mạnh mẽ, hay Duy Hưng hài hước với những câu nói thành "hot trend"… đều để lại dấu ấn thú vị trong lòng khán giả.
Xoay quanh hành trình khởi nghiệp của các bạn trẻ ở nông thôn, Lối về miền hoa (đạo diễn Vũ Minh Trí) khá giản dị, mộc mạc, nhưng cũng là món ăn tinh thần thú vị cho khán giả truyền hình 2022. Trong đó, các diễn viên trẻ Trọng Lân, Đức Anh, Mạnh Quân, Anh Đào đã kể những câu chuyện "dở khóc dở cười", nông nổi nhưng cũng đầy nhiệt huyết tuổi trẻ.
Còn tác phẩm Anh có phải đàn ông không của đạo diễn Trịnh Lê Phong, do Nhan Phúc Vinh, Hà Việt Dũng, Tuấn Tú đóng chính, lại mang đến một góc nhìn mới mẻ và hóm hỉnh về phái mạnh.
Cùng khai thác yếu tố hài hước, truyền tải thông điệp sống và yêu của những người trẻ hôm nay, những tác phẩm này nối dài thêm danh sách những phim đề tài giới trẻ, vốn là một trong những dòng phim thế mạnh của Trung tâm sản xuất phim truyền hình (VFC), Đài THVN.
Trailer phim “11 tháng 5 ngày”
"Đặc sản" phim xưa gây tiếng vang
Cùng với đó, màn ảnh nhỏ năm 2022 tiếp tục khẳng định sức hút của dòng phim xưa - "đặc sản" của phim truyền hình phía Nam - với loạt tác phẩm gây tiếng vang như Duyên kiếp, Rồi 30 năm sau, Hồng nhan, Lỗi đạo cang thường, Nghiệp sinh tử (phần 2)… Trong đó, Duyên kiếp do Chu Thiện đạo diễn và Rồi 30 năm sau của đạo diễn Nguyễn Quang Minh cùng được chuyển thể từ những vở cải lương từng gây nức lòng công chúng một thời gian dài.
Duyên kiếp tạo hiệu ứng khá tốt trên mạng xã hội, nhất là các trích đoạn liên quan bộ ba nhân vật do Bạch Công Khanh - Ngô Phương Anh - Trương Mỹ Nhân đảm trách. Tác phẩm dẫn đầu Top 10 bộ phim và chương trình giải trí được yêu thích nhất cả nước thời điểm phát sóng, với rating (tỷ suất người xem) đạt 4.1%. Rồi 30 năm sau cũng "làm mưa làm gió" màn ảnh nhỏ với rating có thời điểm cán mốc 5.0%.
Một trong những lý do khiến phim xưa vẫn còn ăn khách bởi đa phần các tác phẩm được chuyển thể hoặc lấy cảm hứng từ các vở cải lương, tác phẩm văn học, tuồng tích nổi tiếng… nên đã có sẵn câu chuyện thu hút, giàu tính nhân văn. Dù là những chuyện cũ, nhưng phim xưa đem đến cho người xem nhiều cảm xúc, sự suy ngẫm về cuộc sống, tình yêu, phận người, nhất là thân phận người phụ nữ. Cùng với đó, màu sắc hoài niệm với những giá trị về văn hóa, lịch sử đã góp phần duy trì sức hấp dẫn của những tác phẩm này.
Thiếu "bom tấn" truyền hình
Dẫu có một số điểm sáng của năm, nhưng phải thừa nhận 2022 hoàn toàn vắng bóng tác phẩm thực sự "làm mưa làm gió" màn ảnh nhỏ. Không ít phim đề tài gia đình lên sóng giờ vàng, nhưng không có tác phẩm nào được chú ý nhiều như các "bom tấn": Sống chung với mẹ chồng, Về nhà đi con, Gạo nếp gạo tẻ, Hoa hồng trên ngực trái, Hương vị tình thân, Hướng dương ngược nắng… Không ít dự án phim hình sự ra mắt nhưng chưa đủ sức tạo sóng như Người phán xử. Và cũng chưa có tác phẩm nào thực sự đột phá. Trong số 10 phim truyền hình được tìm kiếm nhiều nhất trên Google Việt Nam năm qua không có bất cứ cái tên nào của Việt Nam.
Có lượng khán giả riêng, còn sức hút và được đầu tư nhiều nhưng "đặc sản" ăn quá nhiều cũng sẽ gây nhàm chán. Không phải phim nào có đề tài gia đình, giới trẻ hay phim xưa cũng tạo sức hút.
Phó Giám đốc VFC - đạo diễn Khải Anh - cho biết, để giữ chân khán giả, Trung tâm sản xuất Phim truyền hình luôn đặt ra những tiêu chí làm mới dàn diễn viên và cả đạo diễn. "Chúng tôi đặt họ vào những thử thách mới với thể loại mới để họ tìm được nguồn năng lượng mới, tích cực hơn. Cả đạo diễn, diễn viên đều được thử thách, biến hóa, tìm được điều mới mẻ, sáng tạo trong công việc, có như vậy, phim VFC mới giữ được chân khán giả" - anh nói.
Bùi Quốc Việt - đạo diễn phim Ga-ra hạnh phúc cho biết, anh muốn Bảo Anh, Quỳnh Kool, Duy Hưng… có vai diễn với màu sắc hoàn toàn khác trước. Cùng với đó, anh cố gắng đưa những trải nghiệm, cảm nhận của giới trẻ vào phim để đem lại sự tươi trẻ, đầy sức sống cho tác phẩm.
Tìm được góc khai thác và cách làm mới mẻ là áp lực của những người làm phim xưa. Chưa kể, như chia sẻ của Nguyễn Quang Minh - đạo diễn phim Hồng nhan, khi thực hiện đoàn phim rất hạn chế về bối cảnh. "Những cảnh quay ngoại hay nội đều phải set up lại, tốn khá nhiều kinh phí và thời gian. Thời gian quay thì lâu hơn phim có bối cảnh hiện đại và tất cả bối cảnh phải đi xa thành phố" - anh cho biết.
Trong khi đó, trang phục và diễn xuất là băn khoăn của các diễn viên đóng phim xưa. Dương Cẩm Lynh khi đóng vai Oanh của Lỗi đạo cang thường phải đầu tư khá nhiều cho trang phục. Còn Huy Khánh vai Hội đồng Đàng thì vướng "thử thách khó nhằn" là phải diễn chậm, thoại chậm hơn so với các phim hiện đại. Tương tự, Đàm Phương Linh vai Hạnh, thừa nhận phải chú ý và tiết chế ngôn từ cho phù hợp với bối cảnh và thời gian nội dụng phim đề cập đến.
Nhìn lại, điều quan trọng nhất vẫn phải kể đến là phim truyền hình thiếu những kịch bản hấp dẫn, đột phá. Phim có kịch bản thuần Việt gây sốt còn quá hiếm. Trong khi đó, việc chuyển thể kịch bản sân khấu hoặc kịch bản nước ngoài như cách làm hiện tại cũng chưa thực sự đem lại kết quả đáng mong đợi. Đây là thách thức đối với những người làm phim truyền hình Việt trong bối cảnh phải cạnh tranh với những series phim đình đám thế giới mà khán giả hiện giờ quá dễ dàng tiếp cận.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất