Phim truyền hình về tỉnh

20/08/2010 07:34 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH Cuối tuần) - Từ đầu tháng Bảy đến nay, ít nhất có 3 bộ phim truyền hình tuyên bố sẽ chọn phát sóng ở các đài tỉnh chứ không phải trên sóng của hai “đại gia” HTV (Đài truyền hình TP.HCM) và VTV (Đài truyền hình Việt Nam) - một chuyện chưa từng xảy ra trước đó. Bỏ phố về quê dường như đang là một xu hướng thức thời, khi cuộc tranh giành sóng trên các kênh truyền hình đại gia vẫn còn rất nóng.

Chuyện những người tiên phong

Lâu đài tình ái - bộ phim 30 tập của hãng Phước Sang, quy tụ dàn diễn viên “hot” từ danh hài (Hoài Linh, Chí Tài) đến người đẹp (Thân Thúy Hà, Nguyễn Thị Huyền) – được khởi quay từ tháng 5/2010. Tại thời điểm bấm máy, nhà sản xuất thông báo rõ lịch chiếu nhưng lại không đưa thông tin về kênh truyền hình sẽ phát sóng! Và gần tới “giờ G”, nhà sản xuất bất ngờ thông báo: phim sẽ được phát trên 4 kênh truyền hình tỉnh là BTV1 (TH Bình Dương), 10VHF (TH Kiên Giang), HGTV (TH Hậu Giang) và LTV (Lâm Đồng). Giờ chiếu không chỉ nghiễm nhiên là giờ vàng (20h) mà phim còn được phát liền tù tì từ thứ Hai đến thứ Sáu hàng tuần chứ không cầm chừng 3 ngày/tuần như chương trình phim của các kênh lớn như HTV, VTV.


Kinh phí làm phim Lâu đài tình ái được "gom" từ 4 đài tỉnh
Không úp mở về “đầu ra”, ngay từ khi họp báo ra mắt đoàn phim, nhà sản xuất của Anh em nhà bác sĩ (kịch bản Hàn Quốc được Việt hóa), Vietcomfilm đã thông báo luôn là phim sẽ phát sóng trên đài Vĩnh Long. Ngay trong buổi họp báo này, đại diện của đài TH Vĩnh Long cũng cho biết, đài này sẽ thực hiện dự án xây phim trường trên một khu đất trước đây dành cho du lịch đồng thời đầu tư làm phim. Anh em nhà bác sĩ chính là cái bắt tay đầu tiên giữa đài TH Vĩnh Long với một nhà sản xuất phim ở TP.HCM.

Một bộ phim khác mới lên sóng từ ngày 10/8 vừa qua là Mẹ chồng nàng dâu cũng là một đơn hàng mà đài Vĩnh Long đặt với hãng phim Thiên Nam An. Được biết, ngoài ba phim “về tỉnh” đã lộ diện, một số hãng phim khác song song với việc đưa phim vào các kênh lớn thì cũng hợp tác sản xuất với đài Vĩnh Long. Từ “miệt vườn”, cái tên Vĩnh Long đang bắt đầu được nhắc đến như một vùng đất mới của địa hạt phim truyền hình đầy tiềm năng hiện nay.

Đưa phim về tỉnh, các nhà sản xuất cũng phải giải bài toán về kinh phí và lời lãi nhưng họ vẫn vững tâm bởi dù có làm với đài nào thì kinh phí cần đảm bảo vẫn là theo giá sàn hiện hành: 180 triệu/tập phim, rồi từ đó “khéo co thì ấm”. Khi hợp tác với đài tỉnh nhưng cũng thuộc diện “nhà giàu” như đài Vĩnh Long, các nhà sản xuất không lo lỗ bởi các đài này đảm bảo được phần cứng 180 triệu, được trả bằng spot quảng cáo như cách thức mà HTV đã làm từ thời kì khởi thủy của cuộc đua phim truyền hình. Nếu làm với các đài tỉnh không dư dả, nhà sản xuất buộc phải nghĩ ra chiêu khác. Phước Sang là một nhà sản xuất nhiều chiêu. Hãng này đã tính ngay đến chuyện san sẻ gánh nặng kinh phí cho các đài “nhà nghèo” bằng việc hợp tác với một lúc 4 đài, sản phẩm sẽ lên sóng đồng loạt ở cả 4 đơn vị này và họ được hưởng quyền lợi, chịu trách nhiệm ngang hàng nhau với đứa con chung. Một số nhà sản xuất khác khi lăm le dạt ra đài tỉnh còn làm một cuộc thăm dò mức độ lời lãi bằng việc mua lại phim của HTV để phát “nước hai” trên sóng của đài mà họ nhắm tới.

Theo tiết lộ của 3 nhà sản xuất tiên phong “về tỉnh” kể trên, họ đều có những kế hoạch tiếp theo với đài tỉnh. Hãng phim Phước Sang đã có thêm 2 phim nữa, gần nhất là Người đẹp Bình Dương với lịch phát sóng vào tháng Chín tới.


Anh em nhà bác sĩ mở hàng cho việc hợp tác làm phim giữa đài tỉnh và một nhà sản xuất
Về tỉnh vì hết phần ở phố

Lâu nay sóng của HTV và VTV vẫn được xem là “con đường sống” của các nhà sản xuất phim truyền hình bởi diện phủ sóng lớn, thương hiệu mạnh và có truyền thống. Tình hình phim xếp hàng lên sóng trên VTV hiện không tới mức căng thẳng như HTV bởi nhiều lí do, mà lớn nhất là sự chênh lệch giữa hai thị trường tiêu dùng (miền Bắc là khoảng 20% còn miền Nam luôn ở mức trên 30% so với cả nước). Lí do thứ yếu là việc kiểm duyệt phim giữa hai đài cũng khác hơn, VTV duyệt phim theo “gu” khán giả miền Bắc, HTV chọn phim theo tiêu chí của người Nam bộ, trong khi đó, đa số các hãng phim đều ở TP.HCM. Như vậy, vô hình trung, các nhà sản xuất phim đều hướng về HTV khiến cho đài này luôn phải đối phó với tình trạng thừa phim thiếu sóng. Biện pháp đối phó mới nhất của HTV với tình trạng “kẹt sóng” này là bắt chủ phim phải đấu thầu để phim có suất vào đài.

Nghe nói, giá sàn được đưa ra cho cuộc đấu thầu vào giờ vàng mới nhất diễn ra giữa 8 hãng phim là 1,08 tỉ đồng/tập (tính theo tỉ lệ 1,6 x 180 triệu)! Kinh hoàng hơn, kẻ thắng thầu, vốn là một đại gia về kinh doanh trường học nhưng lại là nhà sản xuất mới toe trong địa hạt phim TH, đã chiếm chỗ với mức giá lên tới 1 tỉ 584 triệu đồng (tức theo tỉ lệ 8,8 x 180 triệu)! Chưa hết, sau khi đã đấu thầu với số tiền cao không thể tưởng tượng nổi như trên, nhà sản xuất non trẻ này còn phải kí quỹ 5 tỉ đồng và cam kết mua spot quảng cáo trước cho đài. Được biết, HTV mới chỉ áp dụng việc kí quỹ với các nhà sản xuất mới nhưng nếu việc này thành công thì rất có thể HTV sẽ áp dụng cho tất cả các nhà sản xuất. Qui định mới này cũng nhằm tránh thực tế từng diễn ra trước đây, khi nhà đài đã vài lần bị “cháy quota”, nhà sản xuất đã đăng ký sóng nhưng phim không kịp sản xuất để lên sóng đúng kế hoạch. Tuy nhiên, nhiều nhà sản xuất đã tỏ ra ái ngại với chính sách này bởi theo họ thì “cách làm đó về hình thức là công bằng bởi nó tạo điều kiện bình đẳng cho cả hãng lớn cũng như hãng nhỏ, tuy nhiên, việc đấu thầu lại hoàn toàn căn cứ vào tiềm lực kinh tế chứ không căn cứ vào tiềm lực sản xuất phim, chất lượng phim”, một nhà sản xuất cho biết.

Trong khi HTV đã bãi bỏ việc chi trả kinh phí làm phim bằng lượng spot quảng cáo, thay bằng việc trả tiền tươi cho nhà sản xuất và thưởng thêm theo phần trăm nếu phim hút được nhiều quảng cáo thì các đài tỉnh mở màn chiến dịch thu hút phim về đài bằng chính chiêu cũ của HTV. Tuy nhiên, giá mỗi spot quảng cáo ở HTV khác hẳn giá ở các đài tỉnh, để thu hồi vốn (180 triệu), nếu ở HTV chỉ cần từ 6 đến 9 spot thì con số đó có thể gấp đôi thậm chí là hơn nếu ở đài tỉnh, điều này còn phụ thuộc vào uy tín – diện phủ sóng của đài tỉnh đó.

Nhưng sự hấp dẫn mới của đài tỉnh là khả năng phủ sóng của các đài này. Với sự phát triển như vũ bão của truyền hình cáp ở khu vực thành thị, người dân Thành phố thả sức xem phim trên các đài tỉnh từ Nam ra Bắc. Thế nên mới có chuyện các đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình cáp cũng tỏ ra rất “cao giá”, một đơn vị đã đưa ra giá từ 2 đến 4 tỉ đồng/năm (phí sản xuất doanh nghiệp tự lo) cho nhà sản xuất muốn mua giờ phát sóng từ 2 đến 3h chiều, dù đó chỉ là để phát sóng một chương trình về nông nghiệp chứ chưa nói đến phim! Ngược lại, nếu phim phát trên HTV, người dân ở các vùng không thuộc TP.HCM không thể xem được nếu không mắc truyền hình cáp, mà số hộ có truyền hình cáp ở nông thôn lại rất hạn chế. Bởi vậy, xét về sự phát triển của thị trường, xem ra đài tỉnh lại đang có nhiều lợi thế. Có lẽ tính tới đường xa như vậy, nên hãng Phước Sang đã nhanh tay kí hợp đồng cung cấp phim với 5 đài tỉnh, rải khắp khu vực Nam bộ đến tận Tây Nguyên (đài TH Lâm Đồng).

Cú hích từ nghị định số 54/2010/NĐ-CP của chính phủ về việc thi hành Luật Điện ảnh số 62/2006/QH11 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh 31/2009/QH12 có hiệu lực từ 7/7/2010 với việc quy định tỉ lệ thời lượng phát sóng phim Việt của mỗi đài phải đạt ít nhất 30% so với tổng số thời lượng phát sóng phim và số phim này phải được phát sóng trong khung 20-22h trong ngày góp phần tạo ra một cục diện mới trong lãnh địa sản xuất phim truyền hình. Cũng không khó dự đoán biểu đồ sự phát triển của lĩnh vực này bởi theo số liệu mới nhất mà Fipp World Magazin Trends đưa ra, từ năm 2001 đến 2010, tỉ lệ xúc tiến quảng cáo trên truyền hình của Việt Nam tăng từ 80% lên tới 481,1%! Nói một cách cụ thể hơn, một bộ phim TH, như Nhất quỷ nhì ma chẳng hạn, sau khi huề vốn đã thu về số lãi lên tới 105%; một số bộ phim khác chiếu vào giờ vàng còn thu về được 4 tỉ đồng từ quảng cáo sau khi phát sóng chỉ 2 tập!

Như vậy, các nhà sản xuất phim có cớ để lạc quan... về tỉnh.

Dương Vân Anh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm