13/09/2013 13:23 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Trong cùng một thời điểm, nhiều phim (Trò đời, Ngọn cỏ gió đùa) và nhiều dự án chuyển thể kịch bản phim từ các tác phẩm văn học đầu thế kỷ 20 được công bố. Phải chăng các nhà làm phim bí đề tài, phải quay về “lục lọi” quá khứ?
Thực ra, không phải tới bây giờ, mà vào giai đoạn 1989-1995, đã có rất nhiều bộ phim chuyển thể kịch bản từ các tác phẩm lớn của văn học Việt Nam ra đời.
Sự trở lại của một dòng phim
Trong vòng hai năm 1989-1990 một loạt phim video xuất hiện như: Gánh hàng hoa, Nửa chừng xuân, Số đỏ, Lan và Điệp, Bỉ vỏ... chuyển thể từ tác phẩm của các nhà văn: Nhất Linh, Khái Hưng, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan, Nguyên Hồng, Hồ Biểu Chánh.
Vào năm 2010, phim Lều chõng chuyển thể từ tác phẩm của nhà văn Ngô Tất Tố ra mắt. Mới đây nhất là: Trò đời, Ngọn cỏ gió đùa… Và tất nhiên, hiện còn nhiều dự án nữa đang được ấp ủ.
Cảnh phim Trò đời.
Bộ phim Trò đời là một trong số những dự án trọng điểm của Trung tâm Sản xuất Phim truyền hình – Đài Truyền hình VN (VFC) năm nay. Số tiền đầu tư cho 1 tập phim Trò đời là 330 triệu đồng, cao hơn mức thông thường. Nếu thành công VFC sẽ tiếp tục theo đuổi đề tài lịch sử.
Hãng phim Hội Điện ảnh Việt Nam sau hợp tác làm phim Trò đời với VFC, tiếp tục chuyển thể tác phẩm của nhà văn Nguyên Hồng, Nhất Linh, Khái Hưng. Hiện hãng đang chuyển soạn kịch bản kết hợp Thời thơ ấu và Bỉ vỏ của cố nhà văn Nguyên Hồng.
Các hãng tư nhân cũng không bỏ qua cơ hội. Tháng 7, đạo diễn Hà Sơn công bố ông đã chuyển thể tiểu thuyết Gánh hàng hoa (của Khái Hưng và Nhất Linh) cho hãng phim Đông A và sẽ tiếp tục chuyển thể 7 tiểu thuyết văn học Việt Nam đầu thế kỷ 20.
Những bộ phim làm trong giai đoạn này đều có xu hướng kết hợp nhiều tác phẩm vào một kịch bản phim. Như Trò đời, dù chọn tác phẩm Số đỏ làm trung tâm nhưng vẫn phải thêm Cơm thầy cơm cô, Kỹ nghệ lấy Tây, Làm đĩ. Lý do là vì hiện nay có một quy luật bất thành văn, phim truyền hình dài ít nhất phải 30 tập trở lên, để còn thu quảng cáo. 10 tập đầu là thời gian doanh nghiệp nghe ngóng, nếu thấy dư luận tốt, từ tập 20 trở đi họ mới đặt sóng quảng cáo. Nếu phim ít tập, đồng nghĩa với việc ít cơ hội thu quảng cáo.
“Món nợ” quá khứ, “món ngon” của khán giả
Các nhà làm phim yêu mến dòng văn học Việt Nam đầu thế kỷ 20 ngoài nhìn thấy một “mỏ” đề tài, còn thấy “món nợ lịch sử", không đưa lên màn ảnh là có lỗi với tiền nhân (Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần, Phó Giám đốc Hãng phim Hội Điện ảnh Việt Nam). |
Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần, Phó Giám đốc Hãng phim Hội Điện ảnh Việt Nam cho biết, các nhà làm phim yêu mến dòng văn học này ngoài nhìn thấy một “mỏ” đề tài, còn thấy “món nợ lịch sử", không đưa lên màn ảnh là có lỗi với tiền nhân.
Không phải ai "bí" đề tài cũng dám làm phim dựa trên dòng văn học này. Hầu hết những người làm đều xuất phát từ tình yêu với văn học Việt Nam, có vốn hiểu biết nhất định. Đạo diễn Hà Sơn coi văn học 1930-1945 là “chốn địa đàng”, là “kho báu” gợi cho ông cảm hứng dạt dào khi chuyển thể kịch bản. Đạo diễn Hồ Ngọc Xum đặc biệt đồng cảm với văn chương của Hồ Biểu Chánh.
Ngoài ra, làm phim về quá khứ luôn là thách thức lớn. Đạo diễn Nhuệ Giang cho biết: “Bối cảnh xưa giờ làm gì còn, lại thiếu trường quay nên đoàn làm phim phải vận dụng hết trí tuệ, huy động mọi sự giúp đỡ. Nếu không có tình yêu dành cho các tác phẩm của nhà văn Vũ Trọng Phụng chúng tôi đã không thể hoàn thành Trò đời”.
Ngọc Diệp
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất