Phim 'Thương nhớ ở ai' diễn viên không mặc nội y: Thương nhớ không chỉ ở... cái yếm!

14/11/2017 07:13 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Phát sóng được 4 tập, phim Thương nhớ ở ai đang gây ra một cuộc tranh dữ dội, khi một số nữ diễn viên chỉ diện áo yếm và để hở da thịt một cách táo bạo trên sóng truyền hình.

Trong cuộc tranh cãi ấy, một luồng ý kiến cho rằng cách ăn mặc này là phản cảm. Và, một bộ phận khán giả khác lại khẳng định: cách ăn mặc như vậy đã phản ánh khá chân thực trang phục của phụ nữ Việt Nam trong thập niên 1950.

Hấp dẫn trong tranh cãi

Dường như đã lâu lắm mới có một bộ phim Việt không phát sóng ở khung giờ vàng VTV gây sự chú ý của nhiều khán giả trong nước như Thương nhớ ở ai. Lên sóng tập đầu tiên lúc 14h20 ngày 4/11, đến nay bộ phim nhận được rất nhiều phản hồi tích cực từ người xem, còn những trích đoạn của bộ phim được rất nhiều khán giả chia sẻ. Trên fanpage phim Thương nhớ ở ai, 100 khán giả đánh giá về bộ phim thì có 93 người đánh giá “5 sao”.

Xoay quanh đề tài thân phận người phụ nữ thời hậu chiến ở làng quê Bắc Bộ trong thời kỳ những năm 1954 – 1975, bối cảnh phim Thương nhớ ở ai là làng Đông, một làng quê Bắc Bộ điển hình. Trải qua hai cuộc kháng chiến, ngôi làng vắng bóng đàn ông, chỉ còn những người đàn bà góa ngày ngày tụ tập ở bến nước đầu làng. Những định kiến hủ tục hà khắc của xã hội, xóm làng khiến cho các nhân vật như Nhân, Hơn, hay Hạnh vừa phải chịu nỗi đau mất mát người thân, vừa phải chôn giấu khát khao, mưu cầu hạnh phúc cho riêng mình.

Chú thích ảnh
Diễn viên Trương Phương đảm nhiệm vai bà cán bộ xã Tí Hin ăn mặc gợi trong phim “Thương nhớ ở ai”

Thương nhớ ở ai được hai đạo diễn Lưu Trọng Ninh và Bùi Thọ Thịnh làm mới so với tiểu thuyết gốc Bến không chồng của nhà văn Dương Hướng. Những nhân vật như Đột (Jimmy Khánh), Quất (Thiện Tùng), Nương (Thanh Hương), Nhân (Ngọc Anh), Hơn (Hồng Kim Hạnh), Vạn (Lâm Vissay), Hạnh (Trà My)… được sáng tạo thêm để khắc họa rõ nét hơn thân phận người phụ nữ cũng như đời sống nông thôn những năm 50, 60 của thế kỷ XX.

Bối cảnh, diễn xuất của các diễn viên, âm nhạc... của bộ phim cũng gây thiện cảm với khán giả bởi sự gần gũi, khiến người xem cảm nhận sự mộc mạc, quen thuộc mà họ từng chứng kiến hoặc được nghe qua lời kể của ông bà, cha mẹ. Bởi thế mà Thương nhớ ở ai nhận được quá nhiều lời khen ngợi ngay khi phát sóng những tập đầu.

Nhưng, không thể phủ nhận, cùng với những yếu tố ấy, Thương nhớ ở ai còn đang "đốt nóng" các diễn đàn với những ý kiến trái chiều về trang phục và lời thoại trong phim. Như đã nói, những cảnh các nhân vật nữ diện chiếc áo yếm mỏng manh, để lộ liễu hình dáng khuôn ngực xuất hiện ngày càng nhiều trên sóng truyền hình. Bên cạnh đó, lời thoại quá táo bạo với các tính từ, động từ mạnh như “thây lẩy”, “cắt”, “hau háu”... trong bộ phim cũng bị cho là không phù hợp – khi một số khán giả nhắc tới việc phim được phát sóng trên đài truyền hình quốc gia và có đối tượng khán giả ở đủ các độ tuổi.

Trích đoạn phim gây nhiều tranh cãi trong "Thương nhớ ở ai":

Chân thực hay phản cảm?

Trong cuộc tranh luận ấy, những khán giả khó tính vẫn bày tỏ sự hoài nghi về cái gọi là “tôn trọng tính chân thực của xã hội thời đó”. Như những câu hỏi được đặt ra, liệu có cần chân thực tới mức để các diễn viên “khoe vòng 1 thây lẩy trên sóng truyền hình quốc gia”? Nên chăng, trên phim trang phục cần xử lý khéo léo, tránh phản cảm? Chân thực, hay đây là tình tiết được ê kíp cố ý đưa vào để... “câu view”?

Theo chia sẻ của đạo diễn Bùi Thọ Thịnh, câu chuyện phim Thương nhớ ở ai diễn ra vào khoảng những năm 1954 đến những năm 60 và 70, bởi vậy bối cảnh trong phim mang đặc trưng của làng quê Việt Nam thời kỳ ấy. Gắn với bối cảnh là trang phục trong phim, để thể hiện không khí của những năm 50, ê kíp đã mất nhiều công để sưu tầm những bộ trang phục áo cánh, áo tứ thân, áo the, yếm, khăn đội đầu… từ những làng nghề.

Trước ý kiến bàn luận của khán giả, nữ diễn viên Trương Phương – người đảm nhiệm vai bà cán bộ xã Tí Hin - chia sẻ với Thể thao & Văn hóa (TTXVN):  “Rõ ràng là chúng tôi có mặc nội y mà, chẳng phải áo yếm là nội y thời xưa của tất cả các thiếu nữ hay sao.

"Chúng tôi làm phim thời xưa nên tôn trọng lịch sử đấy chứ. Từng chi tiết nhỏ trong phim như cái áo sờn màu ra sao, cái xe đạp, bát đĩa... và mọi thứ đều được ê kíp họa sĩ, phục trang cẩn thận, chuẩn bị kỹ lưỡng cho đúng thời bấy giờ" – cô bộc bạch thêm – "Vậy không có lý gì trang phục nội y lại đi ngược với bối cảnh chung”.

Theo lời Phương, chỉ cần khán giả có suy nghĩ là đang xem một bộ phim thời xưa và đứng vào hoàn cảnh của bộ phim thì sẽ không cho rằng hình ảnh đó phản cảm. “Chuyện đó hết sức bình thường mà. Phụ nữ thời nay, thời xưa đều có người này người kia khác nhau, không thể chê vì vòng 1 của tôi “khủng” mà nhận xét là... phản cảm. Tôi nghĩ, chúng ta nên có cái nhìn thoáng hơn với phim ảnh. Cái gì là sự thật thì hãy để nó là sự thật” - nữ diễn viên bày tỏ.

Thương nhớ ở ai gồm 34 tập được phát sóng vào 14h20 thứ bảy, chủ nhật hàng tuần, bắt đầu từ ngày 4/11
'Thương nhớ ở ai': Đạo diễn nói gì về nữ diễn viên mặc áo yếm không nội y trên truyền hình?

'Thương nhớ ở ai': Đạo diễn nói gì về nữ diễn viên mặc áo yếm không nội y trên truyền hình?

Phim Thương nhớ ở ai gây tranh cãi bởi một số diễn viên nữ chỉ diện chiếc áo yếm mỏng manh, để lộ hình dáng khuôn ngực đầy đặn. Đạo diễn Bùi Thọ Thịnh nói gì về trang phục của nữ diễn viên trong phim?

Tiểu Phong

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm