Phim "Thành nhà Hồ": Như một cơ duyên

04/07/2011 07:31 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH Cuối tuần) - Kèm theo bộ hồ sơ Thành nhà Hồ ứng cử danh hiệu Di sản văn hóa thế giới dày cả ngàn trang, có một bộ phim được xem là một trong những cứ liệu quan trọng, với sức mạnh lay động các vị giám khảo trước giờ bỏ phiếu....

Đạo diễn Trần Cẩm chắp tay trước chính điện thờ Trần Khát Chân, cách không xa bốn bức tường đá của Thành nhà Hồ. Đầu nhang đỏ rực. Khói trắng ngoằn ngoèo đưa mùi trầm nóng xộc thẳng vào mũi. Canh canh, tiếng đồng tiền xoay tròn reo trong lòng chiếc đĩa sứ cũ. “Tôi khấn vị danh tướng mà mình mang họ, thỉnh cầu ngài giúp đỡ nhóm làm phim về Thành nhà Hồ thành công. Nhưng, ba lần xin âm dương đều không được”, ông nhớ lại.

“Tôi quay sang cậu quay phim và bảo, chắc cụ giận vì tao cùng họ mà lại xin cho người đã giết cụ. Thôi thì, mày xin đi. Tiền gieo và quẻ thẻ ấy được. Tự dưng, cả nhóm làm phim thấy lòng thư thái”, đạo diễn của nhiều bộ phim tư liệu đoạt Cánh diều Vàng nói.

Trần Khát Chân chính là vị danh tướng đã lập công lớn cho nhà Trần, cũng là người tương truyền đã xây con đường thẳng tắp dẫn tới tòa thành đá nhà Hồ. Nhưng ông, với tất cả lòng hoài cổ hướng về nhà Trần, đã tổ chức cuộc mưu sát Hồ Quý Ly. Cuộc mưu sát không thành, ông cùng hơn 370 người đều bị giết, tịch thu gia sản. Về sau, các triều đều có sắc phong cho Trần Khát Chân làm Thượng đẳng phúc thần.

“Cũng nghĩ cụ sẽ giận, nhưng thực sự việc làm phim về di sản là việc nước nên tôi cứ cố xin”, ông Cẩm nói giọng trầm tư. “Thời gian làm bộ phim về Thành nhà Hồ, tôi càng hiểu vì sao Hồ Quý Ly thật lớn. Tiếc cho ông vì rất nhiều người trung với nhà Trần mà chống lại ông”.


Cổng chính của Thành nhà Hồ

Di sản của vương triều đổi mới

“Chỉ trong 7 năm mà nhà Hồ xây được tòa thành to như thế. Trong khi, đất nước tính đến lúc đó hàng nghìn năm rồi, qua cả hai vương triều lớn nhất lịch sử phong kiến là Lý - Trần cũng chỉ xây thành quách bằng mái ngói, gỗ gạch. Suốt hai vương triều vĩ đại tới 400 năm mà vật liệu xây dựng chưa có gì bằng đá”.

“Mỗi lần đi quay, tôi xoa tay lên tòa thành. Có khối đá 70 tấn, dài 16 mét mà miết tay chạy suốt không có một lần vấp. Chưa kể trên mặt tường đá còn 2 mét tường gạch”, ông nói. Tất nhiên, phần tường gạch do thời gian đã không còn nữa. Còn lại giờ chỉ còn những khối đá lớn, sức người không tài nào phá được. Ở nhiều nơi, một số dấu vết bằng đá, chẳng hạn như Quảng Ninh, đã bị phá đi nung vôi cả.

Tòa hoàng thành bằng đá của kinh thành Tây Đô được xây dựng bằng kỹ thuật đá lớn, kỳ tích đột khởi của việc xây dựng thành lũy Việt Nam. Đồng thời còn chứng tỏ sự giao thoa các giá trị văn hóa Việt Nam và các giá trị văn hóa Đông Á. Nó cũng là nơi duy nhất phản ảnh văn hóa, lịch sử văn minh Việt Nam cuối TK 14 đầu TK 15 khi Vương triều Hồ đang đẩy mạnh việc cách tân hướng đất nước tới cuộc sống văn minh hơn, nhiều lợi ích cho nhân dân hơn.

(PGS-TS Tống Trung Tín, Viện trưởng Viện Khảo cổ học)

Ông Cẩm không giấu giếm chuyện mình đã từng bán tín bán nghi về khả năng đạt danh hiệu của di sản này. “Cảm giác đầu tiên của tôi là sự đơn điệu của bốn bức tường. Trừ cổng chính to hơn hẳn, ba cổng còn lại khác nhau không đáng kể. Nếu không phải dân địa phương, nhìn vào khuôn hình chắc chắn không phân biệt nổi. Bất giác, tôi quay sang nói với anh Tín (PGS Tống Trung Tín, Viện trưởng Viện Khảo cổ - NV) em sợ là không được vì thành đơn điệu quá”.

Nhưng những chứng cứ mà các nhà khảo cổ cung cấp khiến ông ngày một ngưỡng mộ Hồ Quý Ly hơn. “Các nhà khoa học nhìn thấy sự thay đổi công nghệ của một vương triều. Từ gỗ, gạch chuyển sang đá, lại ở quy mô lớn”, ông tâm đắc. “Thứ nữa là sự cải cách lớn của nhà Hồ - triều đại đại cách mạng với những chính sách mới về hạn điền, tiền giấy… Là một vương triều mới lên giữa tan hoang, nhà Hồ chọn con đường cải cách triệt để. Chỉ 7 năm thôi mà đánh đổ cả 400 năm của những vật liệu đơn giản, thô sơ thời Lý - Trần”.

Và “linh khí quốc gia”

Nhóm làm phim làm việc trong thời điểm không thuận lợi. “Chúng tôi nhận “lệnh xuất phát” từ cuối tháng 3 dương lịch, hạn nộp phim là 15/4. Nhưng năm rồi, sau Tết Nguyên đán là trời xầm xì, xấu kinh khủng”, ông Cẩm cho biết. Tiết trời xấu kéo dài, đến mức, ông Cẩm và PGS Tống Trung Tín hẹn nhau cùng xem thời tiết, và bất cứ lúc nào thời tiết khá lên là phải đi Thanh Hóa ngay.

“Tôi chờ suốt tuần mà cảm giác như cả tháng. Hà Nội sụt sùi, còn trong kia, anh em báo ra trời cũng xấu thảm thiết. Rồi đến ngày Hà Nội hơi hửng một chút, hửng sáng lên chút thôi chứ cũng chưa có nắng, tôi cùng mấy anh em quay phim quyết định đi. Vào đến nơi, tôi điện cho anh Tín vào theo. Trời vẫn không có nắng, hơi tối nhưng cũng đã sáng hơn chút so với thời tiết những ngày trước. Tôi quyết định quay. Đến chiều ngày thứ hai, trời hơi hửng lên một chút rồi lại quay lại cảnh sáng mờ mờ”.

“Khi chúng tôi đóng máy cảnh cuối cùng thì mưa như trút. Và cứ mưa như thế liên tiếp cho đến ngày chúng tôi đáo hạn nộp phim. Mọi người ở Thanh Hóa bảo những ngày quay phim của chúng tôi là những ngày thời tiết đẹp nhất từ sau Tết đến tháng 3 âm lịch. Và chút nắng hiếm hoi đã được tận dụng”.

“Nhưng chính khí trời đó lại mang cho các cảnh quay phong vị thật đặc biệt. Tất cả như được phủ bằng một bầu khí bảng lảng, thoáng xanh. Thần thái ấy rất hợp với sự chậm rãi, uy nghiêm của tòa thành đá xám. Cộng với thảm lúa non, đàn cò trắng, chúng tôi có những thước phim hoài cổ, như những bức tranh thủy mặc vậy. Cả tôi và anh Tín sau này đều rất hài lòng với hơi hướng đó”.

Nhưng nếu chỉ có thế thôi thì phim cũng chưa có điểm nhấn, mà điểm nhấn hình vô cùng quan trọng. “Bộ hồ sơ đầy đủ theo yêu cầu của UNESCO có thể dày đến cả ngàn trang. Trong khi đâu phải chỉ chúng ta, còn biết bao hồ sơ của các nước khác. Do đó, việc giám khảo đọc kỹ lưỡng hồ sơ rất khó. Họ sẽ dựa nhiều vào phim gửi kèm theo hồ sơ. Một hình ảnh đắt sẽ có giá hơn cả chục trang viết”, ông Cẩm phân tích.

Nhưng hình ảnh rất khó đắt khi bốn bức tường dễ gợi cảm giác đơn điệu, còn tư liệu của các nhà khảo cổ lại là ảnh chứ không phải phim. Nhưng ảnh, có nghĩa là tĩnh. Cũng chỉ có ảnh khai quật từ thời PGS Tống Trung Tín còn rất trẻ, cách đây đã 10 năm. “Tôi sục nát cả kho tư liệu của Đài truyền hình Việt Nam để tìm những hình ảnh liên quan đến Thành nhà Hồ trong vòng 10 năm. Và rồi điều kỳ diệu đã đến. Đài truyền hình có chừng chục phút phim tư liệu quay cách chục năm khi chuyên gia Nhật Bản sang nghiên cứu Thành nhà Hồ”.

“Hồi đó, các chuyên gia Nhật đã thuê đài đi quay tư liệu. Những thước phim đó cũng chưa sử dụng lần nào. Sự có mặt, kết luận nghiên cứu của họ nâng thêm vị thế của tòa thành trước các thành viên hội đồng thẩm định hồ sơ. Nó lại khớp góc quay, góc chụp hoàn hảo với những tấm ảnh anh Tín cung cấp cho tôi. Những khu vực đó, giờ đã được lấp lại, chờ khi nào có điều kiện lại tiếp tục nghiên cứu”, ông Cẩm nói, giọng nhẹ nhõm.

Ít người biết, ông Cẩm cũng chính là đạo diễn của bộ phim trong hồ sơ di sản Hoàng thành Thăng Long. Bộ phim đó chỉ được thực hiện trong 20 ngày. Và để dựng cho kịp, ông Cẩm đã phải bỏ hơn tỷ đồng để mua một bộ máy dựng phim về nhà. “Có thế, phim mới kịp tiến độ. Tôi cũng chẳng nghĩ đến tiền thù lao là bao. Làm xong, trời mưa như trút, tôi phóng xe máy đi nộp cho anh Tín rồi về nhà ngủ vùi cả ngày. Bây giờ, cũng trên bàn dựng ấy, tôi làm phim Thành nhà Hồ. Âu cũng là cơ duyên”.

“Hoàng thành ngợp trong khối thông tin khổng lồ bao nhiêu, thì Thành nhà Hồ lại khiến tôi thấy lo lắng bấy nhiêu vì khó quay sao cho đa dạng. Nhưng điều chung nhất, chúng gợi cho tôi nghĩ đến điều gì đó như linh khí quốc gia. Chính cảm giác về trách nhiệm đó đã khiến tôi cùng đồng nghiệp lao đi đến cùng trong cuộc “hộ công” cho di sản”.

Thành nhà Hồ thể hiện và cung cấp chứng cứ về quyết định thực hiện các hoạt động cải cách để xây dựng một đất nước hùng mạnh hơn, sáng tạo những đặc trưng văn hóa mới trên nền tảng các giá trị truyền thống.

Đứng trước một Đại Việt suy thoái, Hồ Quý Ly đã quyết đoán thể nghiệm một mô hình nhà nước mới lấy Nho giáo thực hành làm bệ đỡ. Việc chuyển đô và xây dựng kinh đô mới chính là thể hiện quyết tâm cách tân táo bạo và vô cùng quyết liệt của vương triều Hồ. Tại Thành nhà Hồ, Hồ Quý Ly đã ban hành những chính sách hạn điền, hạn nô, thi cử, phát triển buôn bán, cải cách thuế khóa.

Đã tìm thấy 294 ký tự chữ Hán trên gạch ghi tên các địa phương Thanh Hóa và cả nước - một hiện tượng chưa từng thấy trong lịch sử sản xuất vật liệu xây dựng Việt Nam. Cùng tòa thành đá hùng vĩ, di tích thành là sự chung sức, chung lòng, góp công, góp của cho việc xây dựng một vương triều mới, một thời đại mới.

Trong lịch sử các kinh đô của đất nước, từ Cổ Loa (TK3 TCN), Đại La (TK10), Thăng Long (TK11-14), Thăng Long (TK15-18), Hoàng Đế (TK cuối 18), kinh thành Huế (TK19) - tất cả các tòa thành này đều xây dựng bằng đất, bằng gạch, không có tòa thành nào bằng đá. Nếu có sử dụng đá thì chỉ là vào những vị trí xung yếu nhất như chân tường thành và mép cửa.

Mặc dù đá được sử dụng nhiều trong lịch sử kiến trúc thế giới nhưng chưa có kinh đô nào ở Đông Nam Á và Đông Á lại có vòng thành xây dựng bằng đá lớn như Thành nhà Hồ. Đi theo nó là cả một dây chuyền công nghệ công phu, phức tạp - khai thác đá, chế tác đá, nâng và vận chuyển đá, nâng và sắp xếp các khối đá từ 10-26 tấn từ mặt đất lên cao hàng chục mét, sử dụng các loại đá khác nhau.

(Trích hồ sơ di sản)

Ngữ Yên

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm