14/02/2011 08:17 GMT+7 | Phim
“Nóng” trào lưu 3D
Khảo sát một số cụm rạp lớn tại Hà Nội cho thấy hầu như tất cả các bộ phim được trình chiếu Tết này đều hút khách. Hầu hết suất chiếu của Megastar Hà Nội luôn trong tình trạng hết vé. Tại hệ thống các cụm rạp Megastar tại Hà Nội và TP.HCM, từ mùng 1 đến mùng 4 Tết, trung bình mỗi ngày có khoảng 10.000 khán giả, tăng 20% so với năm 2010. Góp phần vào con số ấn tượng này là chiến dịch hút khách vào những giờ thấp điểm trong dịp Tết của cụm rạp này. Riêng MegaStar Hà Nội đã tung ra chương trình khuyến mãi đặc biệt: chỉ với 80.000 đồng, khán giả có thể xem bao nhiêu phim tùy ý thích, không giới hạn số lượng cho cả các phim 3D lẫn 2D trước 12 giờ trưa các ngày 2,3,4/2/2011 tức 30, mùng 1 và mùng 2 Tết.
Khán giả xem phim 3D “made in Vietnam” đầu tiên trong Tết này Ảnh: Nguyễn Hoàng
Tuy vậy, tình hình doanh thu đợt Tết vừa qua đã khiến cho Cty điện ảnh Hà Nội (chủ sở hữu rạp Tháng Tám) rất lạc quan. Với nhiều suất chiếu Bóng ma học đường gần như kín chỗ, điều chưa từng xảy ra trước đây khi phòng chiếu rộng thênh thang này được nâng cấp cách đây khá lâu, quyết định ném hàng tỉ đồng cho phòng chiếu 3D được cho là đúng đắn. Tuy chất lượng phòng chiếu chưa thể sánh với MegaStar hay Platinum nhưng phòng chiếu 3D của Tháng Tám, cụm rạp thuộc Nhà nước đầu tiên tham gia thị trường chiếu phim 3D, có thể nói đã giải tỏa một phần cơn khát phim 3D của khán giả Hà Nội vốn đã tồn tại từ mùa Tết trước.
Cuộc chiến tam mã
Phim Cô dâu đại chiến: ra rạp muộn nhưng chất lượng khá hơn cả
Mùa phim Tết năm nay số lượng đầu phim chiếu tập trung hơn mọi năm. Ngoài một bộ phim hoạt hình Mỹ (Tangled), thị trường phim Tết 2011 được xem như cuộc đua tam mã của phim nội gồm: Bóng ma học đường, Cô dâu đại chiến và Thiên sứ 99 của ba hãng phim chủ lực các mùa phim Tết là Thiên Ngân, BHD và Phước Sang.
Trong số này Cô dâu đại chiến được thực hiện muộn nhất (tháng Mười) nhưng chất lượng khá hơn cả: cảnh quay đẹp, tiết tấu nhanh, diễn xuất của dàn diễn viên đẹp khá đồng đều và quan trọng là hài nhưng không quá nhảm. Thiên sứ 99 vẫn theo bước Công chúa teen và ngũ hổ tướng năm ngoái hướng đến đối tượng teen nhưng nội dung thì không có gì để nói.
Trong bộ ba nói trên, Bóng ma học đường gây chú ý nhất. Thứ nhất là bộ phim được khởi động từ giữa mùa Hè và được PR rầm rộ bất chấp những dư luận trái chiều về khả năng thực hiện một bộ phim 3D của Việt Nam chỉ vài tháng sau khi Avatar tạo nên cơn sốt phim nổi ba chiều trên toàn thế giới. Thứ hai, Bóng ma học đường được gắn mác “Phim 3D đầu tiên do Việt Nam sản xuất” nên kiểu gì cũng gây tò mò và kéo được kha khá khán giả đến rạp. Xem phim thấy bối cảnh không thật đặc biệt, cảnh quay 2D và 3D lẫn lộn, nhiều tình tiết hài khó hiểu. Tuy nhiên, so với bộ phim Tết Nhật ký Bạch Tuyết cũng do Lê Bảo Trung đạo diễn và viết kịch bản được công chiếu Tết năm ngoái thì Bóng ma học đường khá hơn nhiều. Không chọn những chủ đề vô bổ, Bóng ma học đường đã khéo léo lồng ghép những câu chuyện thời sự liên quan đến bạo lực học đường vốn rất được giới trẻ và các bậc phụ huynh quan tâm với nhiều thông điệp mang ý nghĩa giáo dục. Ngoài hiệu ứng 3D thì đây là điểm cộng đáng kể của Bóng ma học đường dù bộ phim có khá nhiều sạn.
Bộ phim 3D của Việt Nam quả nhiên đúng như dự đoán đã hút khách hơn hẳn so với hai đối thủ phim Tết còn lại. Tình hình doanh thu được nhà sản xuất cập nhật liên tục. Được biết sau 3 ngày công chiếu (26-28/1), phim này đã đạt doanh số 3,5 tỉ đồng với 47.000 lượt khán giả tới rạp, bỏ xa kỷ lục của Nụ hôn thần chết (Tết 2008) và Giải cứu thần chết (Tết 2009) với 1,5 và 2 tỉ đồng tiền bán vé sau 3 ngày công chiếu. Tính đến hết ngày mùng 4 Tết (6/2), tức là sau 12 ngày công chiếu, nhà sản xuất Bóng ma học đường cho hay bộ phim đã thu về 22 tỉ đồng từ 300.000 lượt khán giả. Như vậy trung bình mỗi ngày Bóng ma học đường thu về trên 1,8 tỉ đồng. Con số này chắc chắn sẽ còn tăng lên nữa vào những ngày tới khi ngay sau những ngày nghỉ Tết là tới lễ Valentine. Tuy nhiên, các con số doanh thu ấn tượng như vậy vẫn chưa thể khiến các nhà đầu tư xoa tay. Trên thực tế, sau 12 ngày công chiếu, doanh thu 22 tỉ đồng (trên 1 triệu đô la Mỹ) từ tiền bán vé mới chỉ bằng chi phí sản xuất. Nếu muốn hòa vốn (sau khi trừ % phát hành) thì có nghĩa bộ phim này phải thu về khoảng 40 tỉ đồng. Và nếu muốn có lãi thì ít nhất Bóng ma học đường phải thu về gấp đôi con số 22 tỉ đồng!
Cũng hút khách không kém Bóng ma học đường là Cô dâu đại chiến. Được biết sau 10 ngày công chiếu, tính đến hết mùng 4 Tết, bộ phim này đã thu hút 230.000 khán giả đến rạp với doanh thu 14,2 tỉ đồng. Đây là con số vô cùng ấn tượng với một bộ phim 2D thông thường. Trong khi đó Bóng ma học đường được trình chiếu cả bản 2D, 3D và giá vé xem bản phim 3D này cũng cao hơn phim 2D thông thường. Đó là chưa kể đến việc Cô dâu đại chiến chiếu muộn hơn Bóng ma học đường tới hai ngày. Phim Thiên sứ 99 của hãng Phước Sang rõ ràng là yếu thế hơn cả trong bộ ba phim Tết năm nay. Bằng chứng là phim chỉ thu về chưa đầy 10 tỉ đồng trong dịp Tết.
Tết đã mất thiêng?
Thực ra phim Tết doanh thu không cao mới là chuyện lạ bởi đây hiển nhiên là mùa hốt bạc lớn nhất trong năm của các nhà sản xuất khi ngày nghỉ kéo dài, khán giả không có nhiều lựa chọn, rạp chiếu phim là điểm đến quen thuộc trong những ngày Tết và người xem cũng dễ dãi hơn trong việc móc hầu bao mua vé. Tuy nhiên Tết không còn là mùa làm ăn duy nhất trong năm. Từ thực tế thị trường rạp chiếu 2010 có thể thấy phim Việt đã xuất hiện ngày càng nhiều hơn vào những thời điểm không phải Tết, cũng không rơi vào kỳ lễ lạt nào mà vẫn hút khách như thường mà đơn cử là những Để Mai tính (tháng Tư), Giao lộ định mệnh (tháng Chín) và đặc biệt là cơn sốt Cánh đồng bất tận vào tháng Mười năm ngoái.
Chọn thời điểm đưa phim ra rạp không phải là Tết để tránh đụng độ với các bộ phim Tết khác là quyết định khôn ngoan ở thời điểm này khi khán giả ở các thành phố lớn đã có thói quen đến rạp ngày càng nhiều bất chấp ở thời điểm nào. Và khi người ta đã no nê với phim ngoại, trước sự xuất hiện của một bộ phim nội hấp dẫn, được quảng bá rầm rộ thì hiển nhiên là bộ phim ấy bán được vé rồi. Hướng đến những thời điểm khác trong năm để hốt bạc đang là lựa chọn của nhiều người.
Chẳng phải ngẫu nhiên mà Nguyễn Quang Dũng, người được mệnh danh là ông vua phòng vé của nhiều mùa phim Tết, chọn cách vắng mặt ở Tết này để tập trung cho bộ phim phát hành vào mùa Hè tới là Chân dài hành động. Saigon Yo!, một phần vì chưa kịp hoàn thành hậu kỳ, một phần vì tránh “đụng hàng’ với những bộ phim nội khác vào mùa Giáng sinh và Tết. Khó nói phim Tết đã mất thiêng nhưng giờ đây “không đợi Tết cũng có thể ăn bánh chưng” nên cảnh chen lấn, thậm chí là “thi phim” để vào rạp như những năm trước đã không còn.
Hạnh Phương
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất