30/11/2016 19:42 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Nếu ai đó đã từng một đôi lần bước chân vào sân bóng, co chân sút bóng sẽ thấy vừa rất dễ mà cũng khó vô cùng. Bởi lẽ sút thì bóng sẽ bay, nhưng bay đi đâu về đâu theo ý mình mong muốn thì mới là chuyện đáng bàn. Phim Sút của đạo diễn Việt Max hẳn nhiên cũng vậy, chừng như đang cố gắng bay kiểu “lá vàng rơi” đến góc hẹp nào đó, khát khao tìm kiếm đường vào khung – thành – trái - tim của khán giả Việt.
Dù vậy, cũng cần phải nhìn nhận rõ là Sút chẳng hề có ý định phô diễn về kỹ thuật đá bóng, mặc cho câu chuyện bóng đá hiện diện xuyên suốt từ đầu đến cuối phim. Đạo diễn Việt Max đã chọn sân bóng phủi, với những hậu trường phức cảm và phức tạp của những tín đồ túc cầu giáo trong sự vây bủa ở đời sống “cơm áo” thường nhật, cứ thế kể chuyện phim.Từ đá phủi, cá độ, mua tỷ số…
Vì kinh phí sản xuất thấp (ước lượng chừng 8- 9 tỷ đồng), đoàn phim đã chọn bóng đá sân mini của giải phong trào để tiện việc ghi hình, nhằm tìm kiếm sự chân thật cho tình huống câu chuyện và cách thể hiện bằng hình ảnh, hạn chế bị phơi lộ trong mọi dàn dựng đủ đầy liên quan nếu ở sân bóng lớn. Đây là cách tính toán hợp lý, bởi quay bóng đá đã khó, quay phim bóng đá càng khó hơn.
“Diễn viên cũng là một trở ngại lớn, chọn những diễn viên có bề ngoài gai góc, diễn tốt và biết đá bóng là vấn đề nan giải khi thực hiện... Nói chung khó khăn khi thực hiện phim này là vô vàn, từ kịch bản, đến tìm kiếm ê-kíp, diễn viên phù hợp, rồi tập luyện đá bóng...”, đạo diễn Việt Max đã trả lời Thể thao & Văn hóa như vậy.
Cảnh chơi bóng trong phim "Sút"
Và chính nhờ hướng câu chuyện phim vào giải phong trào, đôi khi đồng nghĩa với sự dễ dãi, phim đã đi vào được chuyện đá phủi, cá độ, dàn xếp tỷ số… Nhìn rộng ra, đây không chỉ là vấn nạn của bóng đá phong trào, nghiệp dư, mà còn của bóng đá chuyên nghiệp. Nó không chỉ làm bóp méo kết quả, trình độ, mà còn bào mòn niềm tin, sự ủng hộ của người hâm mộ.
Trong phim Sút, vì đá phủi và dàn xếp tỷ số mà Cường (Hà Hiền thủ vai) gián tiếp giết chết em ruột của mình, dẫn đến mặc cảm tội lỗi với tình thương yêu và sự tin tưởng của những người thân xung quanh, và cả đánh mất chính mình. Biến cố bi thương này đã làm cho Cường phải sống chui rúc, không dám nghĩ gì đến bóng đá - vốn dĩ là niềm đam mê cả đời đeo đuổi.
Không chỉ có mình Cường, phim cũng bày ra nhiều trường hợp thân bại danh liệt vì do làm bóng đá đen, do cá độ, cờ bạc. Ở hình thức nào đó, phim cũng gián tiếp đề ra những lý do làm cho nền bóng đá Việt sa sút, làm cho khán giả có lúc quay lưng lại.
Đến xây dựng hoài bão, vun đấp ước mơ
Nếu so với phim đầu tay là Yêu, có thể nói Sút là một bước tiến đáng ghi nhận về nghề phim của Việt Max, với ngôn ngữ điện ảnh có ý có tứ hơn. Mạch phim và câu chuyện tuy giản dị, nhưng tương đối chặt chẽ, dày dặn và có cảm xúc.
Ca khúc Sút của Trọng Hiếu - Karik, với giai điệu sinh động và tươi trẻ mỗi khi được cất lên hừng hực khí thế trong mạch phim, xứng đáng trở thành một đại diện cho ước mơ về tinh thần thi đấu công bằng, đẹp mắt của bóng đá trẻ Việt Nam trước thềm FIFA U-20 World Cup tại Hàn quốc vào năm 2017. |
Nhân vật Cường trong phim đã phải bước qua tội lỗi và mặc cảm để trở lại với đam mê ở một đội bóng nghiệp dư, “cùi bắp” nhất. Câu chuyện của Cường và đội Gà Trống có thể được xem như là một ví dụ cho hoài bão bóng đá, nơi mà công việc không chỉ có màu hồng. Cường phải trả giá bằng chính mạng sống của em ruột thì mới đủ thức tỉnh, để từ đó có thể trở thành một tuyển thủ thêm tài bớt tật cho đội tuyển mình yêu.
Liệu với việc chọn cách kể phơi bày tận cùng tội lỗi của nhân vật chính, xử lý về kiểu thức tỉnh muộn màng, rồi cả với ước mơ tưởng chừng quá tầm tay với ấy cho niềm đam mê bóng đá từ một đội bóng phủi, đạo diễn Việt Max sẽ có thể “sút” ngọt ngào và quyến rũ vào trái tim của người hâm mộ Việt được không? Câu trả lời sẽ do khán giả Việt cùng quyết định.
Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất