(Thethaovanhoa.vn) -
Câu chuyện về hậu cung của vua Thổ Nhĩ Kỳ Suleiman Đại đế (1494-1566) trong loạt phim truyền hình ăn khách mang tựa đề The Sultan's Harem, đang thu hút khán giả ở thế giới Arab và cả những nước từng nằm trong sự thống trị của đế chế Ottoman (1299-1923). “Loạt phim này thực sự là một hiện tượng. Phim chiếm được tỷ lệ khán giả theo dõi cao nhất từ trước tới nay trên OSN” - bà Khulud Abu Hommos, Phó giám đốc điều hành của mạng lưới truyền hình OSN (Thổ Nhĩ Kỳ) cho biết.
Khơi dậy niềm tự hào về lịch sử Hồi giáo
The Sultan's Harem được lồng tiếng Arab, với nội dung kể về vua Suleiman đã phá vỡ truyền thống vốn có của đế quốc, khi cưới Roxelana, chỉ là một phi tần trong hậu cung và phong bà làm Hurrem Sultan. Phim còn đề cập tới những âm mưu trong triều đình, về quyền lực lớn tập trung quanh Hurrem Sultan, về việc con trai của bà là Selim II lên kế vị ngai vàng vào năm 1566.
Phim đã mê hoặc khán giả truyền hình ở thế giới Arab và các nước thuộc vùng Balkan trong suốt hơn 2 năm qua. Đến nay, đã có hơn 300 tập phim đến với khán giả màn ảnh nhỏ.
Cảnh trong loạt phim truyền hình The Sultan's Harem
“Phim giống như một câu chuyện cổ tích, hòa trộn nhiều chi tiết lãng mạn với lịch sử và có cả yếu tố chính trị. Trong thế giới Arab, khi tất thảy mọi người đều đang nản lòng với tình hình chính trị hiện nay, loạt phim này đã mang lại cho khán giả niềm tự hào về lịch sử Hồi giáo. Nó mô tả những nhà lãnh đạo Hồi giáo một cách chính xác và thẳng thắn” - bà Hommos cho biết.
Michel Naufal, chuyên gia về các mối quan hệ Arab - Thổ Nhĩ Kỳ, khẳng định “sự hòa hợp với quá khứ” chính là yếu tố tạo nên sức hấp dẫn của loạt phim.
Người ta vẫn nhớ đến những cuộc đàn áp, sự ngược đãi vào những năm cuối cùng của đế chế Ottoman, trước khi đế chế này sụp đổ sau Thế chiến I. Tuy nhiên, khi xem loạt phim, khán giả đã phát hiện được các khía cạnh tốt đẹp của đế chế, nơi những người vô thần và các cộng đồng tôn giáo cùng chung sống” - ông Naufal nói.
Các bộ trang phục đẹp mắt trong loạt phim hiện đang trở thành mốt ở nhiều nước Arab. “Không ít chị em đã mua các món đồ trang sức giống của các nữ diễn viên trong phim. Nhiều người còn yêu cầu tôi làm tóc giống các diễn viên” - Maro Dheini, chủ một salon làm tóc ở Dubai, cho biết.
Qua mặt cả chương trình giải trí phương Tây Phim không chỉ mê hoặc khán giả Arab mà cả với khán giả tới từ các nước vùng Balkan, vốn đã trải qua cuộc đấu tranh gần 500 năm mới giành được độc lập từ đế chế Ottoman.
Croatia là lãnh thổ đầu tiên ở vùng Balkans thoát khỏi sự thống trị của Thổ Nhĩ Kỳ đầu thế kỷ 17. Ở nước này, phim đã thu hút tới 21% lượng khán giả truyền hình. Sức lôi cuốn của loạt phim còn thúc đẩy nỗ lực xây dựng lại cây cầu gỗ có niên đại từ thế kỷ 16, mang tên vua Suleiman, nằm ở thành phố Osijek. Năm 1521, Suleiman xâm chiếm Belgrade (Serbia). Các sử gia bản địa nói rằng vị vua này đã buộc hơn 2.000 gia đình Serbia tới làm việc ở Thổ Nhĩ Kỳ.
"Trong phim, các mối quan hệ của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ với người dân bản địa được mô tả tinh tế và ôn hòa hơn, không giống với những gì sử sách đã ghi lại” - giáo sư lịch sử Ema Miljkovic nhận xét. Tuy nhiên, khán giả dường như không quan tâm tới những lời phàn nàn rằng phim không phản ánh đúng lịch sử. Biểu hiện là tỷ lệ người xem khá cao kể trên, dù phim đã được phát lại tới lần thứ 3 ở nước này.
Phim không chỉ ăn khách ở Croatia mà còn được ưa chuộng ở Albania và nhiều nước Balkan khác. Nó luôn đánh bại các chương trình phương Tây ăn khách hoặc các chương trình giải trí nội địa, nổi tiếng về tỷ lệ khán giả theo dõi. Nhiều đài truyền hình tư nhân và nhà nước đã liên tục phát lại loạt phim này.
“Khán giả có sự đồng cảm với nhân vật trong phim và có sự tương đồng về văn hóa, bởi nhiều nước từng trải qua hàng trăm năm thống trị của đế chế Ottoman” - nhà phê bình điện ảnh, truyền hình Vuk Perovic nhận xét về sự thành công của loạt phim.
Vị quân vương ưu tú của thế giới Arab
Suleiman I trở thành một vị vua lỗi lạc của châu Âu vào thế kỷ 16, là người tạo dựng nên sự vinh quang tột đỉnh của nền quân sự, chính trị và kinh tế thuộc đế quốc Ottoman. Ông phát động 13 cuộc chiến tranh và thường thân chinh cầm quân ra chiến trường. Dưới triều đại ông, Hải quân Ottoman làm chủ phần lớn các vùng biển từ Địa Trung Hải tới Hồng Hải và Vịnh Ba Tư. Suleiman đích thân cải tổ lại luật pháp về xã hội, giáo dục, thuế má và tạo ra hình phạt đối với kẻ phạm tội. Bộ luật của ông (được gọi là Kanun) được triều đình Ottoman áp dụng trong nhiều thế kỷ sau đó. Không chỉ là một thi sĩ, ông còn là một nhà bảo trợ lớn của nền nghệ thuật. Ông đã góp phần quan trọng trong việc tạo nên một thời kỳ vàng son của nền mỹ thuật, văn học và kiến trúc của đế quốc Ottoman. |
VIỆT LÂM (tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa