(TT&VH) - 20 đạo diễn, nhà sản xuất phim Việt Nam đã tham dự lớp tập huấn “Xây dựng dự án và tổ chức sản xuất phim” khai mạc sáng qua (17/3) tại Hà Nội do Cục Điện ảnh, Cục Hợp tác Quốc tế (Bộ VH,TT&DL) phối hợp với Văn phòng khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Tổ chức quốc tế Pháp ngữ tổ chức. Một lần nữa, vấn đề chuyên nghiệp hóa tổ chức sản xuất phim lại được đặt ra…
Phải nói rằng, hơn 50 năm nay, không cần tới việc xây dựng dự án, tìm kiếm nguồn tài trợ hay một người nắm vị trí nhà sản xuất, thì hàng trăm bộ phim Việt Nam của các hãng phim Nhà nước vẫn ra đời với sự bao cấp/tài trợ của Nhà nước. Tuy nhiên, trong giai đoạn mới, cùng với sự ra đời của các hãng phim tư nhân, khâu tổ chức sản xuất phim ngày càng đòi hỏi sự chuyên nghiệp. Nữ đạo diễn Phạm Nhuệ Giang (Hãng phim Truyện VN) - chủ nhân Cánh diều vàng Đạo diễn xuất sắc nhất phim truyền hình video với phim Khoan nói lời yêu thương - cho biết, chị đang có một dự án phim sắp sửa thực hiện. Nhưng vì không có nhà sản xuất đúng nghĩa, một đạo diễn như chị, ngoài việc lo tìm một kịch bản cho tốt, lại phải tìm kiếm nguồn tài trợ từ bên ngoài để có được một bộ phim tốt. Từ trước tới nay, trong các đoàn phim Nhà nước có chức danh “chủ nhiệm phim” - một người có nhiệm vụ lo cơm áo, gạo tiền cho cả đoàn phim, giám sát tiến độ làm việc... - cũng gần với vai trò của một “nhà sản xuất”. Tuy nhiên, trên thực tế, những “chủ nhiệm phim” này không bao giờ làm tròn bổn phận của mình. Thông thường, các đạo diễn được cầm một khoản tiền ra trường quay và tự xoay xở. Đạo diễn Hà Sơn - người vẫn đang trăn trở với dự án phim Trung úy (vì thiếu 20.000 USD cho phần hòa âm như TT&VH đã phản ánh), từng than vãn rằng, “chủ nhiệm” đã không lo nổi cho anh em trong đoàn... cái bánh mì! Bà Nguyễn Thị Hồng Ngát - Giám đốc Hãng phim Hội Điện ảnh - thì cho rằng: “Mấy chục năm, điện ảnh trông đợi ngân sách Nhà nước. Cách tổ chức sản xuất hiện nay vẫn nhỏ lẻ, kiểu “nông nghiệp, lạc hậu”. Tôi đã có mấy tháng ròng đi thực tế cùng với đoàn phim, cũng thấy chuyện này, chuyện kia... Quan trọng là phải “cởi mở” đầu óc của những người tham gia sản xuất phim. Nhà sản xuất đóng vai trò chính, nhưng những người cộng sự cũng phải có trình độ hiểu biết tương đương. Để tổ chức sản xuất chuyên nghiệp, phải có nhà sản xuất chuyên nghiệp, chuyên nghiệp trong nhiều lĩnh vực, từ xin nguồn vốn, tổ chức sản xuất, đến bao quát cả chuyện phát hành kể cả ở trong và ngoài nước. Trong khi hiện nay, các khâu này đang bị xé lẻ. Nếu xin nguồn vốn Nhà nước, thì chúng tôi chỉ tham gia khâu sản xuất, còn khâu phát hành được giao cho một đơn vị khác. Hãng phim Hội Điện ảnh, nếu được giao khâu phát hành, chắc chắn chúng tôi sẽ làm tốt. Vì là con của mình thì mình sẽ săn sóc hơn nhiều, bất kể nguồn vốn ở đâu. Thực tế, hãng cũng đã từng đảm nhận khâu phát hành Em muốn làm người nổi tiếng rất tưng bừng...”. Sự vận hành của các hãng phim tư nhân cho thấy rõ rằng không có nhà sản xuất (là người chọn kịch bản, trình bày với nhà đầu tư...), thì không thể làm gì được.
Thiếu rạp
Theo tôi, để điện ảnh
chuyên nghiệp, phải có thị trường. Nói nôm na, muốn buôn bán phải có chợ
để bán hàng hóa.
Thị trường rạp chiếu là
quan trọng nhất. Hiện giờ, phim làm ra, chỉ có 30 phòng chiếu, hãng
phim không thể xoay xở.
Tính đến chuyện xây
dựng thị trường, chắc chắn sẽ có hàng chục, hàng trăm nhà sản xuất cùng
nhảy vào làm...”. (Nghệ sĩ Phước Sang - Giám đốc Hãng phim Phước Sang) |
Hoàng Lê