Góc nhìn khán giả:
Tây Sơn hào kiệt - cũ kỹ!
Những năm cuối thập niên 80, đặc biệt là đầu thập kỷ 90 là thời điểm thịnh hành của thể loại phim mỳ ăn liền tại Việt Nam. Trong những ngôi sao thành danh hồi đó, Lý Hùng có lẽ là nam diễn viên được nhiều khán giả biết tới nhất. Không những tham gia vào các bộ phim video tâm lý hiện đại, anh còn đóng trong nhiều tác phẩm lịch sử/ võ thuật như: Tráng sĩ Bồ Đề, Thăng Long đệ nhất kiếm...
Nhưng đó đã là quá khứ cách đây 20 năm. Chính vì vậy khi hãng phim Lý Huỳnh cho thực hiện Tây Sơn hào kiệt với kinh phí sản xuất lên tới 12 tỷ đồng, nhiều khán giả đã tỏ ra bất ngờ lẫn nghi ngờ về sự thành công của bộ phim, đặc biệt khi bản trailer đầu tiên được tung ra.
Tây Sơn hào kiệt kể về người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ (Lý Hùng đóng), với bao chiến tích vang dội, phò Lê diệt Trịnh, chỉ dùng 10 vạn quân mà phá tan 20 vạn đại quân Thanh, giải phóng kinh thành Thăng Long. Ngoài ra, bộ phim cũng mô tả mối tình giữa ông và Ngọc Hân công chúa (do Hoa hậu Thùy Lâm đóng).
Phải khẳng định một điều rằng, làm phim lịch sử/võ thuật là điều cực kỳ khó khăn đối với nền điện ảnh Việt Nam. Khó khăn từ đủ mọi khâu, về kinh phí, phục trang, chỉ đạo võ thuật, bối cảnh, kỹ thuật, kỹ xảo, thậm chí cả tư liệu lịch sử chứ chưa nói đến kinh nghiệm lẫn tính chuyên nghiệp của những nhà làm phim. Chính vì vậy, nhiều khán giả nghi ngờ về chất lượng nội dung của Tây Sơn hào kiệt cũng là điều dễ hiểu. Và sự nghi ngờ đó đã biến thành sự thật khi bộ phim được ra mắt khán giả.
Hãy khoan nói đến những chi tiết nhỏ liên quan đến yếu tố lịch sử trong phim có đúng không, vì điện ảnh có thể hư cấu, mà hãy xét đến yếu tố nghề nghiệp. Kịch bản tuy không phải là khâu yếu kém nhưng công tác đạo diễn, dàn diễn viên, cùng phần dựng phim đã cắt nát Tây Sơn hào kiệt. Cả bộ phim giống như nhiều phân đoạn nhỏ lẻ được chắp nối vào nhau theo dòng lịch sử.
Khó trách được những diễn viên tham gia trong phim vì hành động, cách nói năng, giao tiếp thời xưa khác xa bây giờ nhưng phần lời thoại quá gượng gạo, việc chỉ đạo diễn xuất không khác gì kịch, cải lương khiến bao cố gắng của họ đổ bể. Bên cạnh đó, việc sử dụng quá nhiều cận cảnh trong lúc hội thoại càng khiến nhân vật trở nên bị phô và xơ cứng. Khán giả khó có thể “nuốt” nổi cách dàn dựng trường đoạn Nguyễn Huệ dạo chơi cùng Ngọc Hân trong vườn, bên bờ suối. Cách làm này đã cũ rích, người xem có thể nhận thấy trong những bộ phim cách đây mấy chục năm.
Không thể phủ nhận những cố gắng của đoàn làm phim trong việc tái hiện lại lịch sử hào hùng của dân tộc. Chỉ tiếc rằng, các nhà làm phim phần nào chưa thành công với bộ phim này.
Hoàng Phương
|