Các công trình 1000 năm Thăng Long: chậm đến bao giờ?

13/08/2008 16:27 GMT+7 | Văn hoá

Chỉ còn hơn 2 năm nữa sẽ diễn ra Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Không còn nhiều hy vọng cho dự án lớn nhất, rầm rộ nhất và tốn nhiều giấy mực nhất là bộ phim truyện nhựa về Thái tổ Lý Công Uẩn khi các đơn vị, cá nhân liên quan tuyên bố... tạm ngừng, người dân dồn sự trông đợi vào những công trình được đưa vào kế hoạch và có vẻ khả thi hơn.

Nhưng cho đến nay, hầu hết các công trình đó vẫn đang thực hiện với tiến độ "rùa" và dừng ở giai đoạn... bàn bạc.

Cách đây đúng 1 năm tức là đầu tháng 8 năm 2007, tại cuộc giao ban báo chí do Thành ủy Hà Nội tổ chức, ông Phạm Quang Long, Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin Hà Nội đã phát biểu rằng hầu hết các công trình văn hóa kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội đều chậm so với tiến độ.

Chính ông Long tại cuộc họp đó cũng băn khoăn, việc các công trình có hoàn thành đúng vào tháng 10/2010 hay không vẫn là việc rất… khó ước đoán!

Mô hình Bảo tàng Thăng Long - công trình này đang được xây dựng

Rồi một năm trôi qua, báo chí, dư luận nhiều lần lên tiếng nhưng các công trình vẫn chứng tỏ tiến độ "rùa" của mình. Thực hiện đúng tiến độ nhất vẫn chỉ là công trình Thư viện Hà Nội, hiện đã xong phần thô và đang tiếp tục lắp những gói thiết bị đồng bộ.

Ngoài ra, khả quan hơn thì có công trình Bảo tàng Thăng Long và Tượng đài Thánh Gióng đã được các cơ quan chức năng "động chân, động tay" nhưng đều không kịp tiến độ dự tính. Mục tiêu đặt ra cho công trình tượng đài Thánh Gióng là hoàn thành vào năm 2006 nhưng tới nay mới xong đường lên, xuống tại núi Đá Chồng thuộc huyện Phù Lỗ, Sóc Sơn.

Hạng mục quan trọng nhất của tượng đài Thánh Gióng mới chỉ dừng lại ở đoạn chọn được mẫu tượng. Các cơ quan chức năng và tác giả phải hoàn chỉnh phương án thi công trước khi triển khai xây dựng.

Bảo tàng Thăng Long, công trình do Hà Nội đầu tư được coi là lớn nhất từ trước đến nay thì mới khởi công ngày 19/5/2008 (dù triển khai từ năm 2000) tại đường Phạm Hùng (Mễ Trì), dự kiến sẽ hoàn thành trước ngày 30/4/2010.

Nhưng theo các nhà chuyên môn, tới Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, cố gắng lắm chúng ta mới chỉ hoàn thành xong phần vỏ, tức là phần nhà Bảo tàng.

Còn công việc tuyển lựa, sắp xếp hiện vật thì mất khoảng 5 - 6 năm mới có thể hoàn thiện với điều kiện chúng ta đã thống nhất được về vấn đề hiện vật. Theo chúng tôi được biết, hiện nay việc trưng bày cái gì và như thế nào vẫn còn đang nằm trên bàn tranh cãi.

Một công trình nữa cũng vẫn đang ở giai đoạn… bàn bạc, đó là Tháp Ngàn năm Thăng Long (hay còn gọi là tháp Báo Thiên) - một ngọn tháp thể hiện sự trường tồn, phồn vinh ứng với ý trời và hợp với lòng người do vua Lý Thánh Tông từng xây dựng năm 1057.

Tháp Báo Thiên còn được xây dựng với mục đích ghi nhớ công lao dựng nước và giữ nước của các thế hệ cha ông, đồng thời ghi danh công sức của nhân dân, của các liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc.

Theo các nhà sử học, Tháp Báo Thiên cũ được xây dựng ở khu vực Nhà thờ Lớn hiện nay, nếu xây lại, sẽ phải xây ở một địa điểm khác. Một số ý kiến cho rằng, nên xây ở đỉnh gò Khán Sơn, thuộc công viên Bách Thảo. Lại có ý kiến cho rằng, nên xây ở khu vực Tứ Liên, Tây Hồ.

Không chỉ chưa thống nhất về địa điểm xây dựng, một vấn đề nữa khiến nhiều người còn bàn cãi là dự tính Tháp Ngàn năm Thăng Long sẽ cao 10 tầng, tượng trưng cho 10 thế kỷ hình thành và phát triển của Thăng Long - Hà Nội, nhưng lại có ý kiến phản bác lại rằng với độ cao như vậy, tòa tháp sẽ không "lại" được với các cao ốc đang được xây dựng xung quanh đó, nó sẽ lọt thỏm trong hàng chục công trình kiến trúc nhà ở, khu đô thị cao 20 - 30 tầng.

Một công trình nữa cũng nằm trong "dự kiến" chào mừng 1000 năm Thăng Long - Hà Nội là đền thờ Lý Thái Tổ. Những ý kiến ủng hộ thì cho rằng, đây sẽ là công trình ghi nhớ công lao to lớn của vua Lý Công Uẩn đã khai sinh ra Quốc đô và là nơi để nhân dân tưởng niệm, giáo dục lịch sử cho các thế hệ mai sau.

Dự kiến đền thờ Lý Thái Tổ sẽ được xây ở gần khu vực Điện Kính Thiên và mang phong cách cung điện cổ kính. Nhưng, một thành viên trong Ban chỉ đạo 1000 năm Thăng Long cho biết, vẫn còn nhiều ý kiến không đồng tình vì cho rằng, chúng ta đã có một tượng đài Lý Thái Tổ bên Hồ Gươm, việc xây dựng đền thờ nữa là điều không cần thiết.

Công trình "dự kiến" Cửa ô phía nam để tưởng nhớ những chiến công chống giặc ngoại xâm cũng chưa có được sự đồng thuận vì không tiêu biểu cho những chiến công hiển hách nhất của Thăng Long - Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung. Bên cạnh đó, nếu xây dựng cửa ô phía nam, phải xây dựng cả cửa ô phía bắc, tây, đông?…

Ngoài ra, dự kiến tu sửa thành Cổ Loa cũng đang gặp quá nhiều khó khăn vì động chạm đến vấn đề kinh phí, liên quan đến giải phóng mặt bằng vì tôn tạo lại Cổ Loa như hiện trạng ban đầu sẽ cần một diện tích lớn.

Dự kiến xây dựng một công viên văn hóa lớn xung quanh khu vực Hoàng thành, Cột cờ, Điện Kính Thiên vẫn chưa được triển khai vì trước mắt, công trình Hoàng thành vẫn còn đang dang dở. Chúng ta chưa xác định được diện tích chính xác của Hoàng thành là bao nhiêu và những hiện vật từ khai quật Hoàng thành vẫn còn ngổn ngang, đêm ngày dầm mưa dãi nắng...

Chiếc đồng hồ đếm ngược bên cạnh đền bà Kiệu vẫn đều đặn trừ đi từng ngày. Vậy mà nhiều công trình cho ngày đại lễ lớn vẫn còn đang nằm trên giấy, đang còn bàn bạc "giằng co" xem nên có tên như thế nào, nên đặt ở đâu, liệu có làm nữa hay không?

Khi chúng tôi gọi điện tới Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia 1000 năm Thăng Long - Hà Nội để hy vọng có một câu trả lời chính thức và xác đáng cho những mong muốn, thắc mắc của nhân dân thì luôn nhận được lời từ chối.

Khó khăn lắm chúng tôi mới tiếp cận được với ông Nguyễn Mạnh Cường - Chánh văn phòng Ban chỉ đạo. Ông Cường cho biết: "Chúng tôi chỉ là cơ quan giúp việc, không nắm rõ được, hiện phía Sở Kế hoạch và Đầu tư đang rà soát, lên danh sách các công trình nên chưa thể trả lời được".

Thật lạ, một cơ quan đầu mối, nắm thông tin và tình hình là Ban Chỉ đạo Quốc gia 1000 năm Thăng Long đến giờ này vẫn chưa nắm rõ được công trình nào sẽ được tiến hành, cũng như những gì thành phố đã làm trong thời gian qua! Hy vọng đó chỉ là cách thoái thác trả lời mà thôi.

Nhà thơ Bằng Việt, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Hà Nội, thành viên Ban chỉ đạo Quốc gia 1000 năm Thăng Long - Hà Nội:
 
"Nên chú trọng vào những công trình thiết thực, mang tính phúc lợi cho người dân"

Tôi nghĩ, thời gian từ nay đến ngày đại lễ không còn nhiều, vậy mà có quá nhiều công trình được xới ra. Các công trình mang tính chất trọng điểm kinh tế thì đang dần hình thành và sẽ tạo nên được diện mạo, gây ấn tượng về sự tăng trưởng của thành phố.

Nhưng các công trình văn hóa thì vẫn còn nhiều dở dang, nhiều công trình vẫn còn chưa rõ ý đồ, đang được tranh cãi về địa điểm, cũng như tên gọi, đấy là chưa kể nhiều công trình chưa thật cần thiết như đền thờ Lý Thái Tổ, cửa ô phía nam, tháp Báo Thiên…

Các công trình đưa ra là tổng thể của nhiều lĩnh vực như sân khấu, âm nhạc, điện ảnh, xuất bản, bảo tồn, kiến trúc, lịch sử... trong khi đó bộ phận tham mưu lại yếu, chưa được kiện toàn.

Hiện nay các công trình đang được tiến hành một cách chểnh mảng, không ai chịu trách nhiệm cũng như không giao cho ai làm cả, tạo ra nhiều lỗ hổng. Tôi rất buồn là cho tới thời điểm này vẫn chưa có kịch bản chính thức cho ngày đại lễ.

Tôi tâm đắc với việc xây dựng Bảo tàng Thăng Long, một bảo tàng vừa mang tính truyền thống, vừa mang tính hiện đại, giữ được nguyên trạng hiện vật là một điều rất khó. Đằng nào cũng muộn rồi, không nên ấn định thời gian để tránh tình trạng làm quấy quá cho xong, cho kịp tiến độ.

Như thế là có lỗi với lịch sử. Có thể khánh thành bảo tàng vào năm 2015 vẫn được, cốt sao là phải làm cho ra làm để có được một bảo tàng đàng hoàng, đáp ứng được mong mỏi của người dân.

Theo tôi, chúng ta nên chú trọng vào những công trình thiết thực, mang tính phúc lợi xã hội cao, chứ không nên quá chú trọng vào những công trình khánh tiết, nghi thức. Cái quan trọng là phải dựng được không khí ngày hội, tạo được sự tự hào và nâng cao mức sống cho người dân Thủ đô.

Theo VNCA

 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm