Phim hoạt hình Việt Nam có dễ bước ra thế giới? (kỳ 2 & hết): Tự tin nhưng 'đơn độc'

21/10/2022 19:00 GMT+7 | Văn hoá

Các nhà làm phim đến từ các công ty tư nhân tự tin về năng lực sản xuất và tin tưởng vào những cơ hội hợp tác quốc tế của hoạt hình Việt Nam. Tuy nhiên, đôi khi họ cảm thấy “đơn độc” trên hành trình đưa phim ra thế giới và mong có được sự hỗ trợ tốt hơn về mặt chính sách từ Nhà nước.

Phim hoạt hình Việt Nam có dễ bước ra thế giới? (kỳ 1): Quyền được mơ ước

Phim hoạt hình Việt Nam có dễ bước ra thế giới? (kỳ 1): Quyền được mơ ước

Hoạt hình Việt Nam có tiềm năng, nhưng thiếu những phim dài chiếu rạp và những nhà làm phim hoạt hình tên tuổi.

Đó là những ghi nhận từ cuộc tọa đàm Phim hoạt hình Việt Nam - Năng lực sản xuất và xu hướng hợp tác quốc tế do Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam tổ chức ngày 18/10 vừa qua tại Hà Nội.

Nhiều lợi thế, không thua kém quốc tế

Đánh giá về năng lực sản xuất phim hoạt hình tại Việt Nam, những nhà làm phim trẻ tỏ ra khá lạc quan. Nhà sáng lập và giám đốc điều hành Công ty Sconnect -anh Tạ Mạnh Hoàng - cho biết, có thể nhìn thấy ở Việt Nam có những lợi thế rất lớn như có nguồn lực dồi dào, người Việt Nam có khả năng thẩm mỹ tốt và khi vận dụng tốt về nguồn lực thì ngành phim hoạt hình rất phát triển.

Chẳng hạn, Sconnect hiện có gần 1.000 nhân sự, mục tiếp theo mà công ty hướng tới là dùng đến 3.000 nhân sự, cùng những đòn bẩy về công nghệ, các nền tảng mạng xã hội phát triển, và đưa bản sắc văn hóa Việt Nam ra thế giới.

Chú thích ảnh
Đại diện các công ty sản xuất phim hoạt hình Việt Nam tham gia thảo luận trong tọa đàm

“Muốn thể hiện đầy đủ những bản sắc văn hóa riêng biệt của Việt Nam trong phim hoạt hình ra toàn thế giới, chúng ta cần phải làm sao để mọi người tiếp cận với nó và chấp nhận trước đã. Đặc biệt, chúng tôi cũng cần phải cân bằng những giá trị nghệ thuật, nhu cầu của khán giả và xu hướng phát triển, nghĩa là cần có những bước đi cụ thể trong xây dựng thương hiệu văn hóa” - anh Tạ Minh Hoàng chia sẻ.

Chị Lê Quỳnh Như - người sáng lập và quản lý DeeDee Animation Studio - khẳng định trình độ, kỹ năng của họa sĩ hoạt hình Việt Nam không thua kém thế giới. “Chúng ta hoàn toàn có thể làm ra các bộ phim chiếu rạp 90 phút nếu muốn. Có thể mọi người chưa nhìn thấy được tiềm năng từ phim hoạt hình nhưng lâu nay, chúng tôi là đồng sản xuất với các đơn vị lớn như Disney, Warner Bross… và nhận thấy họa sĩ của chúng ta giỏi không thua kém thế giới. Rất nhiều khách hàng khen ngợi sự sáng tạo của họa sĩ Việt Nam. Vì vậy, phải khẳng định rằng nguồn lực của chúng ta rất dồi dào có thể tiến xa hơn nữa ra nước ngoài".

Anh Nguyễn Hoàng Anh - CEO của Freaky Motion - đồng ý rằng, năng lực chung của người Việt Nam là rất giỏi không thua kém bất kì một nước nào, thậm chí chúng ta còn có những ưu điểm nổi bật hơn đó là sự chăm chỉ, nỗ lực.

Cần kết nối và hỗ trợ

Điều mà những nhà làm phim trẻ ở những đơn vị tư nhân mong muốn là sự hỗ trợ của Nhà nước trong việc kết nối, tạo điều kiện và những chính sách về thuế. Như chia sẻ của anh Tạ Mạnh Hoàng, khi tham dự những sự kiện quốc tế, anh nhận thấy các nước trên thế giới, đặc biệt là Hàn Quốc, ngành công nghiệp điện ảnh của họ rất phát triển vì có sự kết nối giữa các doanh nghiệp và được chính phủ Hàn Quốc tạo điều kiện, hỗ trợ tổ chức các sự kiện đưa các doanh nghiệp ra toàn thế giới.

Chú thích ảnh
Chị Lê Quỳnh Như - người sáng lập và quản lý DeeDee Animation Studio

Doanh nghiệp làm sản phẩm và họ được giúp đỡ trong việc bán ra thị trường nước ngoài. Khi tổ chức sự kiện cũng có người làm việc trong chính phủ trực tiếp tham gia, từ đó, tạo được sự uy tín và quan hệ gần gũi hơn với bạn bè quốc tế. “Để làm ra được một bộ phim hoạt hình chiếu rạp dài 90 phút, chúng tôi phải bỏ công sức rất nhiều, và chúng tôi rất mong có sự hỗ trợ về thị trường, truyền thông, kết nối…” - anh nói.

Founder của Sun Wolf Animation Studio -anh Đình Kiều Tuấn Anh - cũng đồng tình cho rằng, để làm một bộ phim công chiếu tại rạp, đưa ra thị trường thế giới chúng ta cần rất nhiều nguồn lực từ nhân lực, kinh phí, thị trường… Các doanh nghiệp vẫn đang làm và theo đuổi lĩnh vực này được hơn 10 năm dù khó khăn, nhưng nếu có những hoạt động xúc tiến, hỗ trợ từ Nhà nước và sự hợp tác giữa các doanh nghiệp thì sẽ đi nhanh hơn, sẽ mang lại được doanh thu cũng như quảng bá hình ảnh Việt Nam vươn tầm thế giới.

CEO của Freaky Motion thì cho rằng: “Chìa khóa quan trọng nhất để thành công là vẫn là văn hóa, cách hành xử và sự đoàn kết giữa các doanh nghiệp với nhau, giữa các doanh nghiệp và các hiệp hội điện ảnh”.

Trong khi, chị Lê Quỳnh Như thì cho rằng: “Chúng tôi vẫn hợp tác quốc tế nhưng trên danh nghĩa doanh nghiệp tư nhân nên đôi khi chúng tôi cảm thấy rất “đơn độc”. Chúng tôi mong được ra ngoài quốc tế với danh nghĩa là đơn vị của hoạt hình Việt Nam”.

Cuối cùng, để không còn đơn độc trên con đường phát triển, lan tỏa hình ảnh, khẳng định vị trí của hoạt hình Việt Nam ra thế giới, theo TS Ngô Phương Lan - Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam - vẫn cần nhiều hơn nữa sự chung tay hỗ trợ, dẫn dắt có tầm nhìn tổng thể, dài hơi.

Tiểu Phong

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm