Nhạt nhẽo Việt hóa phim Hàn

04/08/2011 08:33 GMT+7 | Truyền hình thực tế

Dự kiến tháng 8 này, có 2 phim Hàn Việt hóa được lên sóng: Người đẹp lỡ thì, Người mẫu, nhưng vì cả hai phim đều quá nổi tiếng nên khán giả (có lẽ) vừa trông đợi vừa... lo lắng!

Đã có rất nhiều phim nước ngoài được Việt hóa, nhưng sự thành công, với khán giả, thì hầu như chưa thấy bao giờ. Thế nên, khi Người đẹp lỡ thì - Việt hóa từ Tôi là Kim Sam Soon, Người mẫu (giữ lại tên của phim Hàn), đây là một trong những phim Hàn đầu tiên lên sóng truyền hình VN và tạo ấn tượng mạnh mẽ với người xem, dù được làm bởi những đạo diễn có tên tuổi và có kinh nghiệm trong việc Việt hóa (Võ Tấn Bình, Nguyễn Minh Chung), dù quy tụ những diễn viên có thâm niên lẫn các gương mặt sáng giá (Thanh Thủy, Ngọc Trinh, Phương Thanh, Thanh Hằng, Bình Minh, Minh Cường, Dương Mỹ Linh...)..., vẫn khó tránh khỏi nỗi hoài nghi!

Giống hàng nhái

Đạo diễn Minh Cao (từng Việt hóa Anh em nhà bác sĩ) tâm sự: “Dù gọi Việt hóa nghe sang trọng, nhưng hình thức thì giống... hàng nhái, điều đó ít nhiều cũng làm giảm hứng thú”. Không chỉ vậy, “tâm lý người làm phim Việt hóa, theo tôi, còn sợ đủ thứ, nào là văn hóa, kỹ thuật, con người, kinh phí, thời gian… đều không được đầu tư như họ, rồi sợ lối mòn… nên càng khó mà làm hay được”.

“Việt hóa những bộ phim nổi tiếng là phải chấp nhận bị mất đi 50% tính hấp dẫn, bởi cốt truyện, số phận nhân vật đã được biết rồi. Vấn đề còn lại là cố gắng trau chuốt diễn xuất của diễn viên, lấy diễn viên làm nền tảng”, đạo diễn Nguyễn Minh Chung

Có lẽ vì thế nên khi xem những bộ phim Việt hóa (chủ yếu từ phim Hàn), người xem nếu không khó chịu từ sự xa lạ trong lối sống, tính cách… của các nhân vật thì cũng bực mình vì diễn xuất của diễn viên, ngán ngẩm trước những tình huống lê thê, mạch phim rời rạc… (dễ thấy ở các phim Có lẽ nào ta yêu nhau, Ngôi nhà hạnh phúc…).

Và lâu nay, nếu phim không hay, bị chê thì đa phần đều được giải thích rằng vì những yếu tố khách quan (kinh phí, kỹ thuật…)! Biết thế là “ngụy biện”, nhưng đó là “thực tế của phim truyền hình Việt nói chung chứ không riêng gì phim Việt hóa”, nhiều đạo diễn cùng nhìn nhận. Bởi, vừa chạy đua với thời gian (nhiều phim vừa viết lại kịch bản, vừa chỉnh sửa vừa quay) cho kịp tiến độ phát sóng, vừa bị hạn chế bởi những thiếu thốn bối cảnh, trường quay… nên “nhiều khi mình muốn hay - thêm thời gian để trau chuốt, muốn đẹp - thêm ít tiền để phù hợp bối cảnh… cũng không làm được”, đạo diễn Minh Cao ngậm ngùi.

Vì, thông thường kịch bản còn được duyệt lại bởi nhà sản xuất, và bao giờ cũng vậy, nếu thấy cảnh quay nào tốn kém quá, đơn vị đầu tư đều thay bối cảnh cho nhẹ tiền đi. (Chẳng hạn trong phim Anh em nhà bác sĩ, phim truyền hình Việt làm sao có thể quay được cảnh dùng máy bay để mang quả tim về thay cho bệnh nhân như phim Hàn, mà không quay được cảnh này thì phải đổi luôn cả bộ phận được thay, kéo theo nhiều hụt hẫng khác!).


 

Bình Minh và Thanh Hằng trong Người mẫu phiên bản Việt - Ảnh: Đỗ Tuấn


Hại nhiều hơn lợi

Rõ ràng là như thế, vì dấu ấn về sự thành công của những bộ phim nổi tiếng ấy quá lớn. Thêm nữa, xem một bộ phim mà nội dung đã biết trước thì dường như không còn sự hấp dẫn! Nên những người Việt hóa, hoặc sẽ chăm chút cho diễn viên, tập trung những yếu tố liên quan đến phong tục tập quán, tính cách con người khi Việt hóa (như Nguyễn Minh Chung), hoặc “làm khác đi những tình tiết, những cảnh quay đã quá ấn tượng của họ, chỉ giữ lại đường dây câu chuyện (như đạo diễn Minh Cao)… Với đạo diễn Võ Tấn Bình, anh không quan tâm nhiều đến yếu tố văn hóa, mà quan trọng là “nếu không phát huy được thì ráng giữ cái hay của người ta và cố gắng phát huy nét riêng của mình, hoặc xóa đi những yếu điểm của người ta để thay thế bằng những cái hay của mình”.

Dẫu vậy, với những gì đã được xem, trên các diễn đàn về phim ảnh, khán giả đều cho rằng hầu hết các phim Việt hóa chẳng khác nào… bắt chước phim nước ngoài. Trong khi, việc làm lại và bắt chước là hoàn toàn khác nhau. Xem phim mà chỉ vin vào cảm xúc cũ, những dấu ấn cũ, chẳng thích thú với các tình huống gây cười được sáng tạo, cũng không ứa nước mắt trước những nỗi niềm cần được sẻ chia… của các nhân vật thì làm sao giữ được khán giả!

Dù biết còn muôn vàn khó khăn, nhưng trong tình hình thiếu trầm trọng kịch bản hay, các nhà sản xuất đành tìm đến những phim nước ngoài. Song, nếu như họ đừng dựa vào hào quang phim cũ để “câu rating”, mà mạnh dạn Việt hóa những kịch bản phim chưa từng phát sóng ở VN thì hiệu quả đã khác, đạo diễn Nguyễn Minh Chung khẳng định.

Theo Thanh Niên

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm