Phim "Gia sư nữ quái": Chỉ có cười và cười!

26/05/2012 14:03 GMT+7 | Phim

(TT&VH) - Trong lời phát biểu trước khi buổi chiếu ra mắt báo giới vào đêm 24/5 tại TP.HCM, đạo diễn Lê Bảo Trung nói rằng cái đích chính mà phim Gia sư nữ quái muốn hướng đến là tiếng cười cho khán giả tuổi mới lớn, nên chẳng “nghệ thuật gì ghê gớm”. Xem xong phim, có lẽ phần lớn khán giả sẽ thấy đạo diễn này nói đúng.

Cùng với Dành cho tháng Sáu (ĐD: Nguyễn Hữu Tuấn), Gia sư nữ quái có tham vọng mở ra kỳ phim Hè, dành cho sinh viên học sinh, vốn còn bỏ ngỏ của điện ảnh Việt Nam. Chính vì vậy mà cốt truyện của nó khá đơn giản, trẻ trung, thông điệp hay ý tưởng của kịch bản chỉ còn là cái cớ.


Cảnh trong phim Gia sư nữ quái.

Ảnh hưởng Châu Tình Trì

Đạo diễn Lê Bảo Trung nói rằng mình thần tượng Châu Tinh Trì - diễn viên, đạo diễn, nhà sản xuất phim biệt tài và có sức ảnh hưởng rộng rãi của Hong Kong - nên mấy phim gần đây của anh đều rõ nét “chất Châu Tinh Trì”. Trong phim Nhật ký Bạch Tuyết, đó là những cảnh như: khi Bạch Tuyết cất tiếng ca thì mấy chú lùn bị thổi tung lên trời xanh; khi bà hiệu trưởng ĐH MAT hét, hàng micro trước mặt phải ngã rạp… Trong Gia sư nữ quái cũng vậy, cảnh hai tân sinh viên đánh nhau bằng chổi và cái xúc rác; cảnh Má Mập la hét như bão tố trên sân thượng…

Có một khởi đầu khá tốt, Gia sư nữ quái dễ khiến người xem nghĩ rằng mình đang đối diện với câu chuyện hơi siêu thực, đầy chất tưởng tượng - một phong cách ít khi gặp của điện ảnh Việt. Trường đoạn Minh (Isaac thủ vai) và Trí (Trấn Thành) đến đăng ký vào nội trú, nơi có một ký tú xá khổng lồ, nhưng bị từ chối vì hết chỗ; hay như trường đoạn hai tân sinh viên này đạp xe đi tìm nhà trọ… đã tạo ra được sự lôi cuốn bằng tiết tấu nhanh, cắt cúp gọn gàng, hứa hẹn một nhập cuộc thú vị.

Khoan hãy bàn đến thông điệp và ý nghĩa của tiếng cười, một điểm sáng của Gia sư nữ quái là ngay từ đầu, đạo diễn đã thể hiện được điều mình muốn: tiếng cười. Nhập vào các tình huống được chủ đích cường điệu hóa, khán giả trẻ (dù buổi chiếu ra mắt báo giới, thường có đông giới làm nghề - đa phần “chai lì” cảm xúc) đã bật cười một cách hào hứng. Có lẽ, chính sự cường điệu hóa này đã làm cho sự ảnh hưởng của Lê Bảo Trung với Châu Tinh Trì chẳng còn đáng để ý, nó giống như mượn cớ để làm phim.

Thông điệp của tiếng cười?

Xem xong phim này, có thể nhận ra 3 câu chuyện được kể thông qua 3 tuyến nhân vật khác nhau. Đầu tiên, đó là hai chàng sinh viên lạc quan Minh và Trí với giấc mơ đoạt giải thưởng 100 triệu đồng cho đồ án ký túc xá 10 sao. Tiếp theo, đó là cô tiểu thư hư hỏng Huỳnh Mai (ca sĩ Bảo Thy), suốt ngày chỉ thích tụ tập chơi bời, đua xe, không chịu học. Cuối cùng, đó là giấc mơ “thô bạo” về việc học của đại ca Huỳnh Tài (Chí Tài) và hai đàn em kỳ khôi Tàu Hũ (Hoàng Sơn), Bánh Lọt (danh hài Hoài Linh) - họ vốn mù chữ. Một cấu trúc chẳng có gì phức tạp, vì ba câu chuyện này (đương nhiên) phải có quan hệ với nhau, thế nhưng chưa được kể một cách mượt mà, nên càng về sau, khán giả hơi băn khoăn vì không biết đâu là tuyến chính của phim. Thông điệp của bộ phim (vốn cần thiết với đối tượng khán giả teen) trở nên mờ nhạt và hơi gượng. Nhất là thông điệp chính: Huỳnh Mai chỉ hứa chăm học khi mẹ và cha của mình (đại ca Huỳnh Tài) bị giang hồ chém chết.

Hai vai chính của Bảo Thy và Isaac rõ ràng bị “lép vế” so với hai vai thứ chính do Hoài Linh và Hoàng Sơn đảm trách. Việc chọn Hoài Linh, Chí Tài, Hoàng Sơn, Bảo Thy, Trấn Thành… vào những vai quan trọng trong phim rõ ràng nhà sản xuất muốn bán được nhiều vé hơn, vì những nghệ sĩ này có sức hút riêng của mình. Thế nhưng, đặc điểm chung trong diễn xuất của họ là diễn cương, trên phông nền cường điệu hóa, nên thành ra “phần ai nấy diễn”, thật khó để tiết chế. Giá như bộ ba Hoài Linh, Chí Tài, Hoàng Sơn giảm tông nhiều hơn nữa thì các tuyến, đặc biệt tuyến chính của Bảo Thy và Isaac, sẽ rõ nét hơn, phim sẽ đi đúng trọng tâm hơn. Gần về cuối phim, người xem có cảm tưởng như mình đang theo dõi câu chuyện của Tàu Hũ, Bánh Lọt và Huỳnh Tài, điều này làm cho thông điệp của phim càng thêm mờ.

Từng thành công về mặt doanh thu với Đẻ mướn, Võ lâm truyền kỳ…, Lê Bảo Trung cũng có thể yên tâm với Gia sư nữ quái, vì tiếng cười mà phim đem đến cho khán giả tuổi teen. Đặc biệt là khán giả tại TP.HCM (góp đa phần doanh thu), vốn bị xem là dễ tính, bởi bản thân họ đã có quá nhiều chọn lựa, nên nhiều khi đi xem phim chỉ để cười và cười mà thôi.

Phim khởi chiếu ngày 1/6/2012 tại các rạp trên toàn quốc.

VĂN BẢY

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm