Phim câm - nhớ một thời hoàng kim

28/02/2012 10:35 GMT+7 | Phim

(TT&VH) - Việc The Artist giành một lèo 5 giải Oscar, đã không khỏi khiến người ta phải nhớ lại thời kỳ hoàng kim của phim câm, khi mà trình độ công nghệ chưa cho phép nhân loại tạo nên các bộ phim "nói" như hiện nay, nhưng các đạo diễn và diễn viên tài ba vẫn có thể cho ra đời những tác phẩm bất hủ.

Một bộ phim câm, theo định nghĩa chung, là phim không có âm thanh thu trực tiếp kèm với phim và hoàn toàn không có lời thoại giữa các diễn viên.Ý tưởng kết hợp âm thanh với hình ảnh xưa cũ như chính môn nghệ thuật điện ảnh vậy. Nhưng thời kỳ đầu, người ta đã không thể làm được việc này do những rào cản về kỹ thuật.

Tạo chuẩn mực cho ngành công nghiệp điện ảnh

Bộ phim câm đầu tiên được cho là do Eadweard Muybridge sản xuất, trong khoảng thời gian từ năm 1877 - 1880. Phim có cốt truyện đầu tiên do Louis Le Prince tạo ra vào năm 1888, dài vỏn vẹn có 2 giây, ghi lại cảnh người ta đi dạo tại các khu vườn ở phố Oakwood, với tựa đề Roundhay Garden Scene. Nghệ thuật phim câm chỉ thực sự trưởng thành trong giai đoạn 1894-1929.

Chất lượng hình ảnh của phim câm, đặc biệt là các phim sản xuất trong những năm 1920, thường rất cao. Tuy nhiên có những hiểu lầm rằng những phim câm là dạng nguyên thủy và khó có thể xem được theo tiêu chuẩn hiện đại. Sự hiểu lầm này là kết quả từ việc phim câm thường bị chiếu lại sai tốc độ và chất lượng của chúng suy giảm theo thời gian. Nhiều phim câm hiện chỉ còn là các bản sao thứ 2, thậm chí là thứ 3, với phim gốc đã không được lưu giữ cẩn thận và bị hư hỏng. Ngoài ra, nhiều phim còn bị kiểm duyệt, cắt bỏ nhiều cảnh, dẫn tới việc chúng có vẻ như đã bị biên tập một cách vụng về.

Một cảnh trích từ The Birth Of A Nation, tác phẩm ăn khách nhất thời kỳ đỉnh cao của phim câm.
Các diễn viên phim câm thường nhấn mạnh vào ngôn ngữ hình thể và biểu cảm trên gương mặt để khán giả có thể hiểu cảm xúc trong phim. Thời kỳ đầu của phim câm, các diễn viên thường diễn như kịch. Nguyên nhân do không ít diễn viên điện ảnh thời kỳ đầu đã chuyển từ diễn kịch sang và họ vẫn giữ nguyên thói quen nghề nghiệp. Việc phim ảnh quá giống sân khấu đã khiến đạo diễn Mỹ Marshall Neilan phát cáu và tuyên bố hồi năm 1917 rằng: "Những con người từ sân khấu chuyển sang điện ảnh càng biến đi sớm thì điện ảnh càng được lợi".

Từ những năm 1914, khán giả Mỹ đã bắt đầu thích lối diễn xuất tự nhiên hơn. Và đó là cơ sở để các đạo diễn khuyến khích việc diễn xuất tự nhiên trong phim. Các diễn viên thời đó như Mary Pickford, Eleonora Duse, Janet Gaynor , Priscilla Dean, Lillian Gish và Greta Garbo đã nổi tiếng vì diễn hết sức tự nhiên. Tới giữa những năm 1920, diễn xuất tự nhiên trở thành chuẩn mực của nhiều phim câm Mỹ, dù không phải mọi diễn viên và đạo diễn đều ủng hộ lối làm phim này.

Cho tới tận năm 1927, phim sử dụng nghệ thuật diễn xuất biểu hiện, như Metropolis, vẫn ra đời. Một số khán giả thích lối diễn khoa trương này vì các giá trị giải thoát của nó. Ngoài Mỹ, các nước khác cũng thậm chí còn chậm hơn nhiều trong việc chấp nhận lối diễn xuất tự nhiên. Họ chỉ làm điều đó khi nhận ra rằng sự thành công của một bộ phim dựa nhiều vào bối cảnh, không khí trong phim, kịch bản, trình độ của đạo diễn và nhất là tài năng diễn xuất của các diễn viên.

Để lại nhiều ảnh hưởng dù thời gian tồn tại ngắn

Khi các phim câm ngày càng tăng cường thời lượng, những người đọc nội dung phim đã dần dần bị thay thế. Do phim câm không có âm thanh song hành, các đoạn lời thoại thường được đính kèm trong phim để đảm bảo tính liền mạch. Viết lời thoại trên phim trở thành một nghề chuyên nghiệp trong ngành công nghiệp phim câm và các nghệ sĩ này thường được phân biệt so với những tác giả kịch bản, người viết nên cả câu chuyện.

Việc chiếu phim câm thường đi kèm với nhạc sống, bắt đầu bằng việc một nghệ sĩ piano chơi nhạc trong buổi chiếu phim của anh em nhà Lumiere vào ngày 28/12/1895 ở Paris. Ngay từ đầu, âm nhạc đã được xem là yếu tố cần thiết trong phim câm, đóng góp lớn cho bầu không khí trong phim và truyền cảm xúc tới cho khán giả. Các nhạc công đôi khi còn được thuê tới phim trường và chơi tại chỗ để truyền cảm hứng cho các diễn viên.

Các rạp chiếu phim ở những thị trấn nhỏ và các khu lân cận thường có một nghệ sĩ piano.

Bắt đầu từ giữa những năm 1910, một số rạp chiếu phim ở thành phố lớn thường sử dụng thêm nghệ sĩ chơi đàn ống để bù đắp khoảng trống nằm giữa một nghệ sĩ piano và một dàn nhạc. Các loại đàn ống khi đó có thể tạo nên nhiều hiệu ứng đặc biệt và đàn ống như loại "Mighty Wurlitzer" có thể mô phỏng một số âm thanh trong dàn nhạc như tiếng trống bass, tiếng vó ngựa phi, tiếng sấm rền.

Một số nước đã tìm ra nhiều cách sáng tạo để mang âm thanh vào phim câm. Các rạp phim của Brazil trước đây thường chiếu phim với các ca sĩ hát trực tiếp phía sau sân khấu. Tại Nhật Bản, các bộ phim không chỉ có nhạc sống mà còn có benshi, một người đọc nội dung phim và giả giọng các nhân vật.  Benshi trở thành yếu tố trung tâm cho phim Nhật và là lý do để mãi tới năm 1930, loại phim này mới tàn lụi ở Nhật Bản.

Cho tới khi người ta quy định chuẩn phim ảnh là 24 hình/giây, các phim quay trong giai đoạn 1926 và 1930 có đủ loại tốc độ khung hình, từ 12 - 26 khung hình/giây, tùy thuộc vào năm quay phim và quan điểm của mỗi studio. Nhiều phim câm tiêu chuẩn thường được quay với tốc độ 16 khung hình/giây, do ảnh hưởng từ lối làm phim của anh em Lumière. Nhưng thực tế thì ngành công nghiệp này không có tiêu chuẩn nào.

Không phải phim câm nào cũng chỉ có 2 màu đen trắng. Do không có tiến trình xử lý màu tự nhiên, người ta thường nhuộm màu phim câm để tạo nên hiệu ứng về tâm trạng cho phim, giống như âm nhạc. Màu xanh da trời thường được dùng trong các cảnh đêm. Màu vàng và hổ phách tả sự kiện diễn ra ban ngày. Màu đỏ cho thấy có một vụ cháy đang diễn ra và màu xanh lá mang tới bầu không khí bí hiểm. Tô màu vào phim thường được xem là một mánh thu hút khán giả và hay xuất hiện trong các phim viễn tưởng ở châu Âu, nhất là phim do Georges Melies đạo diễn.

Ở thời kỳ đỉnh cao, nhiều phim câm cũng đã trở thành bom tấn và mang về không ít doanh thu cho những người làm ra nó. Đơn cử như The Birth Of A Nation, một tựa phim câm sản xuất năm 1915 đã thu về 10 triệu USD. Hay như The Big Parade, phim câm sản xuất năm 1925 đã mang về số tiền 6,4 triệu USD và Ben Hur sản xuất năm 1925 cũng thu được tới 5,5 triệu USD.

Năm 1927, The Jazz Singer của Warner Brothers sản xuất đã trở thành phim nói đầu tiên trình làng. Sau sự kiện này, phim "nói" dần chiếm ưu thế và chỉ sau một thập kỷ, hoạt động sản xuất phim câm đã gần như tắt hẳn, qua đó đánh dấu việc nghệ thuật điện ảnh đã bước lên một tầm cao mới.

Tường Linh (Tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm