19/02/2013 14:29 GMT+7 | V-League
(Thethaovanhoa.vn) - Đã 2 ngày nay, Kubheka Philani (cầu thủ mà đồng đội và cả giới truyền thông vẫn quen gọi là “Phi”-PV) đã không còn tập cùng đội một B.BD nữa. Anh bị điều chuyển xuống tuyến 2 là đội hạng Nhất TDC.BD, vì “lãnh đạo quyết thế, để đảm bảo không gian chơi bóng ở B.BD cho các tân binh là cầu thủ người nước ngoài vừa gia nhập đội bóng”, lời một đồng đội của “Phi”.
Philani (phải) được xem là một trong những ngoại binh xuất sắc nhất trong lịch sử V-League. Ảnh: Quang Nhựt
Nếu sân cỏ V-League mùa giải 2013 thiếu vắng chàng cầu thủ Zulu có cái chân trái cực khéo này (Philani người Zulu, dân tộc của anh chiếm 14% dân số Nam Phi) thì đấy thực sự là một mất mát khó thể đong đếm được bằng ngôn từ. Tại sao?!
Cuộc sống khắc nghiệt
Philani sinh năm 1979, tính đến thời điểm hiện tại, anh vừa bước qua tuổi 34, cái tuổi quá già so với một cầu thủ người bản địa chinh chiến ở V-League. Ngay cả những đồng đội cũ của Philani ở B.BD như Trường Giang, Văn Hải… cũng phải giải nghệ không lâu sau khi ngưỡng cửa hàng “băm” ập đến. Hoặc nữa, Quang Trãi (lớn hơn Philani 2 tuổi) vừa mới từ giã sự nghiệp thi đấu (hạng Nhất) hồi năm ngoái… Nếu có ngoại lệ, có lẽ là Minh Phương (SHB.ĐN), nhưng nghe nói năm sinh thật sự của cầu thủ này hình như không phải là 1980 như trên giấy tờ.
Vẫn chuyện tuổi tác, đồng nghiệp ngoại quốc của Philani là Gaston Merlo vừa mới kiếm được bản hợp đồng đắt giá với đội bóng bên bờ sông Hàn; trước đó, Francois Endene (cựu cầu thủ Thể Công và HN.T&T) khi cập bến N.SG đã bước sang ngưỡng tuổi… 39; trung vệ Cristiano Roland cũng ở tuổi ngoài “băm” hiện vẫn thuộc biên chế HN.T&T…
Và Philani, cũng như những người thực sự hiểu anh, 34 tuổi vẫn là quá sớm để chàng cầu thủ người Zulu nói lời chia tay sàn diễn đỉnh cao. Tuy nhiên, đời sống bóng đá vốn lắm khúc cua và bản thân “Phi” cũng không nghĩ rằng mình lại rơi vào nghịch cảnh như hiện tại.
Nói là nghịch cảnh, bởi Philani đã và đang được xem như là một trong những ngoại binh hay nhất trong lịch sử V-League suốt 12 năm qua. Đấy không là nhận định cảm tính theo kiểu một phía, mà là thống kê của những con số, những thừa nhận (của đồng đội, đồng nghiệp, đội ngũ HLV và cả giới truyền thông, các khán giả trung thành ở Thủ Dầu Một…) và tất nhiên, cả những cảm xúc thăng hoa mà cựu tuyển thủ U20 Nam Phi đem lại, sau ngót gần chục năm chinh chiến ở V-League, cũng như khi Philani cùng B.BD bơi ra đấu trường châu lục (các mùa giải AFC Cup 2008 và 2009-PV). Nói tóm lại, “Phi” là số một, là không thể thay thế ở Thủ Dầu Một.
Cùng thời với Philani, có lẽ chỉ còn Kesley Huỳnh Alves, tiền đạo đồng đội của anh đã đến B.BD trước “Phi” một mùa giải, hiện vẫn đang được trọng dụng. Không hẳn vì Kesley Huỳnh Alves trẻ hơn Philani (2 tuổi), cũng không vì cầu thủ này ở một đẳng cấp khác chàng trai Zulu. Có lẽ đơn thuần vì Kesley Huỳnh Alves được đặc cách ra sân trong tư thế một cầu thủ nội (Kesley đã nhập tịch Việt Nam cách đây vài năm). Và nữa, đây là một trong những bản hợp đồng đắt giá nhất về với đất Thủ ở mùa giải năm nay. Tất nhiên, trong phạm vi bài báo, chúng tôi sẽ không đi sâu vào những so sánh đại loại thế, bởi “Phi” quá khác biệt.
Tại sao một cầu thủ đẳng cấp như thế và hiện vẫn còn đủ năng lực chinh phục đỉnh cao, chinh phục những cột mốc như Philani lại bị gạt ra khỏi kế hoạch của B.BD ở mùa bóng mới?! Vì lý do tế nhị, HLV Cho Yoon Hwan không tiện phát biểu, nhưng chắc chắn một điều rằng, phàm là người huấn luyện, ông Cho không thể không muốn sử dụng một cầu thủ tài năng, một ngôi sao và nói không quá, một huyền thoại ở Thủ Dầu Một như Philani. Đấy là câu chuyện của cơ chế vốn dĩ rất dị biệt ở làng bóng đá Việt cấp CLB, khi người ta cần có sự dịch chuyển như thế, mà mục đích không vì chuyên môn hay thành tích.
Hay câu chuyện thời thế?
Gần chục năm chơi bóng tại Việt Nam trong chỉ một màu áo là B.BD, Philani đã nếm trải đủ những thăng trầm. Nhưng về cơ bản, với việc sở hữu một cựu cầu thủ Orlando Pirates (CLB dự giải chuyên nghiệp Nam Phi) và tuyển thủ U20 Nam Phi như Philani, đội bóng đất Thủ gặt hái nhiều thành công hơn mong đợi. Này nhé, 2 chức vô địch V-League, cùng 2 lần á quân, các lần vào chung kết Cúp QG và cả bán kết AFC Cup (2009)…
Chưa một lần chạm ngưỡng các danh hiệu xuất sắc nhất dành cho một cầu thủ ngoại, nhưng với Philani, đó chỉ là chuyện phù phiếm. Cuộc sống của anh là những cống hiến không mệt mỏi ở đất Thủ và cho cả V-League.
Với Philani và những ngoại binh ở đẳng cấp tương đương, bóng đá Việt Nam đã được lợi rất nhiều. Từ việc giao thoa, học hỏi và trau dồi kinh nghiệm chơi bóng giữa cầu thủ người bản địa và “Phi”, đến phong cách sống, ý thức chuyên nghiệp…, Philani thực sự là một tấm gương tốt. Cuộc sống bên ngoài sân cỏ, có thể tưởng tượng được không, với chừng ấy thời gian chơi bóng ở V-League, Philani chưa từng một lần dính scandal. Luôn thi đấu đầy nhiệt huyết, nhưng “Phi” cũng chưa từng phải nhận thẻ đỏ, chưa từng có ý chơi xấu hay cài đối phương phải nhận thẻ. Philani xứng đáng được xem là biểu tượng ở B.BD.
Nhưng cơ chế và thời thế thường đánh cặp với nhau, ít nhất trong địa hạt bóng đá Việt Nam cấp CLB. Có câu: “Thời thế tạo anh hùng”. Philani đã từng là người hùng và hiện vẫn là người hùng trong mắt đại bộ phận giới bóng banh liên quan đến B.BD, nhưng rõ ràng, như đã nhắc ở trên, con người và là cầu thủ bóng đá không thể trường tồn, không thể vĩnh cửu. Người trong cuộc chia sẻ rằng, Philani phải đi để nhường chỗ cho những Sunday, Aniekan hay Vicent…, những bản hợp đồng đắt giá vừa chuyển đến Thủ Dầu Một…
Người hâm mộ, nhà tổ chức và thậm chí cả V-League tiếc “Phi”, nhưng đó không phải là chuyện của… lãnh đạo B.BD. Chắc chắn rồi! Thông tin cho biết, lãnh đạo đội bóng đất Thủ hiện vẫn để “Phi” trong chế độ chờ, phỏng khi B.BD phải điều chỉnh nhân sự vào phút cuối, nhưng danh sách tham dự mùa giải 2013 hẳn đã chốt rồi.
Đó có thể xem là rào cản, là bức tường, thậm chí là dấu chấm hết cho sự nghiệp thi đấu lẫy lừng và cả khát vọng cống hiến của cầu thủ người Zulu duy nhất từng sống và ăn cơm Việt chừng gần một thập niên qua. Khi phải đối diện với hoàn cảnh này, có lẽ Philani sẽ có chút tiếc nuối. Giá như ngày đó, một ngày mới đây thôi…
Cần nhắc lại, thời điểm B.BD đụng Adelaide (CLB thuộc giải Ngoại hạng Australia) ở AFC Cup, Bruce Djite, cầu thủ từng có thời gian chơi bóng cho FC Twente (Hà Lan), từng rỉ tai muốn Philani trở thành một phần của đội bóng xứ chuột túi, nhưng “Phi” đã lắc đầu; cũng thời gian ấy, một đồng nghiệp khác là Nathan Burn đã, dành lời khen ngợi cho “Phi” và muốn kéo anh về SK Brann (Na Uy, đội bóng cũ của Nathan), nhưng Philani đã lắc đầu. Đơn giản, bởi Philani yêu đất Thủ và yêu con người ở đây mất rồi! Tất cả những điều đó phần nào nói lên đẳng cấp chơi bóng thượng thừa của cầu thủ này.
Tuy nhiên…
TÙY PHONG
Thể thao & Văn hóa
• “Những cầu thủ như Philani thực sự là của hiếm ở V-League và đáng ra, anh phải được ghi nhận công lao cho những đóng góp to lớn của mình với cả nền bóng đá bản địa. Nhưng đã không có một dòng nào tri ân, thậm chí ngay lúc này, Philani đã bị đẩy xuống đội bóng chiếu dưới TDC.BD. Philani không đáng bị đối xử thiếu tôn trọng thế, bởi tôi biết anh ấy còn nhiều động lực, nhiều khát vọng cống hiến lắm lắm. Philani muốn tiếp tục chơi bóng đỉnh cao, bởi chỉ có V-League mới xứng tầm với anh”, thủ môn Nguyễn Thế Anh, đồng nghiệp và là đồng đội của của Philani trong nhiều năm, chia sẻ. • 7 mùa bóng khoác áo B.BD (từ V-League 2006-PV), Philani đã ghi trên dưới 60 bàn thắng theo đủ mọi cách khác nhau cho đội bóng đất Thủ trên mọi đấu trường. Các con số thống kê cho thấy, Philani là một trong những chân sút xuất sắc nhất trong lịch sử V-League, là chân chuyền thượng thặng và là một đồng đội miễn chê về tinh thần tập thể. Trong rất nhiều tình huống, nhiều thời điểm của trận đấu, Philani sẵn sàng lùi về tận sâu phần sân nhà để tham gia phòng ngự và tổ chức lên bóng. Những cầu thủ trên hàng công của B.BD như Anh Đức, Vũ Phong, Tăng Tuấn… đều phải thừa nhận rằng, họ được hưởng lợi rất nhiều khi thi đấu cùng Philani. • Được xem như một trong những ngôi sao ngoại binh hàng đầu V-League, nhưng Philani chưa bao giờ là cầu thủ lĩnh lương cao nhất, ở B.BD cũng như trong làng bóng đá Việt Nam cấp CLB. Tuy nhiên, có thể “Phi” đã là người dành dụm được nhiều nhất, bởi phần lớn lương thưởng mà anh nhận được đều được chuyển về cho gia đình ở quê nhà Soweto. “Quê tôi nghèo lắm, với rất nhiều các khu ổ chuột đặc thù của Phi châu. Gia đình tôi tất nhiên cũng chẳng khá giả gì và đó là lý do, là động lực để tôi đến với bóng đá. Tôi biết ơn cuộc sống đã đem lại những cơ hội và Việt Nam là nơi đem lại những trải nghiệm tuyệt vời”, Philani tâm sự. |
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất