Phiên tòa xét xử Vụ sự cố y khoa tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình: Ngày cuối của phần tranh tụng

25/01/2019 20:11 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 25/1, Tòa án nhân dân thành phố Hòa Bình (Hòa Bình) tiếp tục bước vào ngày làm việc thứ 11 xét xử sơ thẩm đối với 7 bị cáo liên quan đến tội “Vô ý làm chết người” và "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" trong sự cố y khoa đặc biệt nghiêm trọng xảy ra vào ngày 29/5/2017 tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình làm 9 bệnh nhân tử vong.

Xét xử vụ sự cố y khoa tại Bệnh viện đa khoa Hòa Bình: Dành thời gian cho các gia đình nạn nhân và người có nghĩa vụ liên quan

Xét xử vụ sự cố y khoa tại Bệnh viện đa khoa Hòa Bình: Dành thời gian cho các gia đình nạn nhân và người có nghĩa vụ liên quan

Trong 2 ngày (17, 18/1), phiên toà dành chủ yếu thời gian để hỏi gia đình các nạn nhân tử vong, bị thương về yêu cầu đền bù, khoản đền bù và chi tiết số tiền hỗ trợ đến bù.

Tại phiên tòa, Viện Kiểm sát kiến nghị Cơ quan Cảnh sát Điều tra tiến hành điều tra trách nhiệm của ông Hoàng Công Tình với cương vị của Phó Trưởng Khoa Hồi sức tích cực đã buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm.

Về nội dung kiến nghị của Viện Kiểm sát, Luật sư Ngô Thu Hằng - người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho ông Hoàng Công Tình đã nêu ra quan điểm: Ông Tình không phải chịu trách nhiệm gì đối với máy chạy thận và hệ thống nước RO. Về phụ trách chuyên môn, ông Tình không phụ trách chuyên môn tại Đơn nguyên thận nhân tạo, mà chỉ có nhiệm vụ giúp việc cho Trưởng khoa theo phân công. Do đó, không có căn cứ chứng minh ông Tình buông lỏng quản lý.

Chú thích ảnh
Các bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm   Ảnh: TTXVN

Luật sư Nguyễn Danh Huế - đại diện cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình cho rằng, hành vi chuyển nhượng thầu trái pháp luật của Thiên Sơn chính là nguyên nhân dẫn đến sự cố y khoa ngày 29/5/2017; việc Thiên Sơn chuyển nhượng thầu cho Bùi Mạnh Quốc, phía Bệnh viện không nắm được. Luật sư đề nghị Hội đồng xét xử buộc Thiên Sơn phải bồi thường toàn bộ thiệt hại từ sự cố cho Bệnh viện số tiền hơn 2 tỷ đồng và bồi thường cho các gia đình bị hại.

Đại diện Viện Kiểm sát cho rằng, hai pháp nhân phải bồi thường trong vụ án là Thiên Sơn và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình. Việc Thiên Sơn bồi thường 2 tỷ đồng cho Bệnh viện phải làm rõ ở một vụ án khác.

Luật sư Đinh Hương bảo vệ cho bị cáo Đỗ Anh Tuấn cho rằng, quan điểm của Viện kiểm sát buộc tội Tuấn chỉ mang tính suy diễn, không căn cứ theo quy định của pháp luật. Về vấn đề này, Viện Kiểm sát khẳng định, không quy kết Tuấn thực hiện trách nhiệm của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình mà Tuấn thực hiện nhiệm vụ của Thiên Sơn, trong khi Thiên Sơn thực hiện liên kết với Bệnh viện. Với cương vị là Giám đốc của Thiên Sơn ký kết hợp đồng, bị cáo Tuấn đã thiếu trách nhiệm để dẫn đến sai phạm của bị cáo Quốc.

Tại phiên tòa ngày 25/1, cả 9 gia đình nạn nhân đã xin Hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo. Riêng bị cáo Hoàng Công Lương, 9 gia đình nạn nhân đều có quan điểm chung là bị cáo không có tội nên không xin giảm án. Đối với các bị cáo Sơn, Quốc, Tuấn xin giảm án theo các tình tiết giảm nhẹ, các bị cáo khác theo quy định của pháp luật.

Luật sư Trần Hồng Phúc yêu cầu Hội đồng xét xử trả hồ sơ vụ án để xem xét vấn đề chuyển giao kỹ thuật lọc máu cho các điều dưỡng và bác sỹ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình theo Đề án 1816 với Bệnh viện Bạch Mai; đồng thời cho rằng có dấu hiệu một số điều dưỡng, bác sỹ không được đào tạo chuyển giao đúng nguyên tắc.

Trước đó, trong phiên tòa ngày 24/1, Luật sư Trần Hồng Phúc trình bày các luận điểm phản bác bản luận tội của Viện Kiểm sát đối với bị cáo Hoàng Công Lương và cho rằng bị cáo Lương không phải người ra y lệnh quyết định để chạy thận. Theo Luật sư Phúc, Viện Kiểm sát đã không nhất quán trong việc đưa ra căn cứ để buộc tội các bị cáo, chỉ áp dụng những lời khai có hại và hoàn toàn bỏ qua những lời khai có lợi cho bị cáo Lương.

Về quan điểm của Viện Kiểm sát, bị cáo Lương là người trực tiếp gây ra cái chết của 9 bệnh nhân. Vì bác sỹ Lương đã ra y lệnh khi hệ thống RO chưa được bàn giao và chỉ khi nghe bác sỹ Lương ra y lệnh, các điều dưỡng mới thực hiện bước cắm kim truyền vào người bệnh nhân. Các điều dưỡng cũng khẳng định, nếu không có y lệnh của bác sỹ Lương, họ không dám chạy máy lọc thận để đưa nguồn nước vào người bệnh nhân.

Viện Kiểm sát cũng cho rằng: Căn cứ văn bản trả lời của Sở Y tế và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, tại thời điểm xảy ra sự cố, bác sỹ Linh và Huyền không đủ điều kiện để ra y lệnh lọc máu. Về quy trình kỹ thuật nội khoa, bác sỹ chỉ được ra y lệnh khi đã được đào tạo về kỹ thuật thận nhân tạo, trong khi bị cáo Lương lại là người được đào tạo về kỹ thuật thận nhân tạo.

Trước các ý kiến bào chữa của luật sư cho rằng bị cáo Lương không phạm tội “Vô ý làm chết người”, Viện Kiểm sát khẳng định, qua nghiên cứu hồ sơ vụ án và quá trình điều tra, cơ quan công tố đã chứng minh được đường đi của chất florua trong hệ thống lọc nước RO phục vụ chạy thận -  Kiểm sát viên Bùi Thu Hằng đánh giá.

Ngày 28/1, Phiên tòa cho các bị cáo nói lời sau cùng trước khi bước vào nghị án.

TTXVN/Vũ Hà

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm