Phía sau chỉ số hạnh phúc: Người Việt Nam hài lòng thế nào?

30/06/2012 12:50 GMT+7

Sự hài lòng - một khái niệm hẹp hơn hạnh phúc - thường được khảo sát như một trong ba chỉ số chính khi nghiên cứu về hạnh phúc. Những nghiên cứu mới nhất về yếu tố này ở Việt Nam cho thấy người dân chủ yếu hài lòng về gia đình, con cái và mức độ hài lòng cũng dựa trên những tiêu chí rất cụ thể của mức sống, điều kiện sống.



Một cảnh bình thường trong đời sống hằng ngày của người Việt Nam - Ảnh: Thuận Thắng

Một khảo sát trong khuôn khổ đề án của Đại học Quốc gia Hà Nội về “Sự hài lòng về cuộc sống” tại bốn tỉnh, thành phố là Hải Dương, Hà Nội, Bình Dương và TP.HCM trên 2.400 gia đình (năm 2011) cho thấy nhiều thông tin đáng lưu tâm về mức độ hài lòng của người Việt Nam trong cuộc sống. (Nghiên cứu sử dụng thang đo Likert cho điểm 5 bậc, trong đó 1 điểm là hoàn toàn không hài lòng, 5 điểm là hoàn toàn hài lòng).

Dân thành phố hạnh phúc hơn

Khảo sát cho thấy TP.HCM và Bình Dương là hai địa bàn mà những người được hỏi đánh giá mức độ hài lòng về hôn nhân thấp hơn so với Hà Nội và Hải Dương. Về giới tính, nam giới có xu hướng hài lòng về hôn nhân cao hơn so với nữ giới (4,5 so với 4,3). Có 68% nam giới được hỏi đánh giá hôn nhân hoàn toàn đáp ứng mong đợi của họ, trong khi tỉ lệ này ở nữ giới là 59%. Trong khi có 3,4% nữ giới cho rằng hôn nhân hoàn toàn không đáp ứng mong đợi của họ thì tỉ lệ này ở nam giới chỉ là 0,5%.

Mức độ hài lòng về hôn nhân của người dân đô thị được đánh giá cao hơn ở nông thôn. Về nghề nghiệp, công chức là nhóm có xu hướng hài lòng về hôn nhân cao nhất so với các nhóm khác: điểm số hài lòng của nhóm công chức cao hơn các nhóm như tiểu thủ công nghiệp, y dược, lao động tự do, không có việc làm. Tỉ lệ thuận với tình trạng và mức sống, nhóm có xu hướng hài lòng thấp nhất với hôn nhân là những người lao động tự do, thất nghiệp.

Sự hài lòng về con cái

Chăm lo về sức khỏe và học tập của con cái là những yếu tố được hầu hết gia đình quan tâm. Mức độ hài lòng về sức khỏe của con cao hơn mức độ hài lòng đối với học vấn của con (điểm trung bình 4,3 so với 3,9). Tỉ lệ người được hỏi đánh giá họ hoàn toàn hài lòng về sức khỏe của con (5 điểm) là 52,2% và đánh giá mức độ hài lòng ở thang điểm 4 là 28,3%. Như vậy có đến trên 80,5% số người được hỏi đánh giá sự hài lòng về sức khỏe của con ở thang điểm cao nhất.

Chỉ có 0,9% số người được hỏi cho rằng họ “hoàn toàn không hài lòng” về sức khỏe của con cái. Ở những gia đình có hoàn cảnh kinh tế khá giả thì tỉ lệ đánh giá “hoàn toàn hài lòng” cao hơn so với những gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn hơn. Theo đó, 72% những gia đình giàu hoàn toàn hài lòng về sức khỏe của con, con số này ở người nghèo và rất nghèo là 44,6% và 41,2%.

Đáng chú ý là so với các khía cạnh khác liên quan đến hôn nhân và con cái, sự hài lòng về học vấn của con có điểm trung bình khá thấp. Khi phân tích tần suất các mức độ hài lòng về học vấn của con, số liệu cho thấy tỉ lệ những người đánh giá điểm số hài lòng về học vấn của con ở mức cao nhất chỉ chiếm 38,6%.

Tỉ lệ những người đánh giá mức độ hài lòng ở mức trung bình (3 điểm) chiếm tỉ lệ khá cao: 23,5%. Các gia đình ở đô thị vẫn có mức độ hoàn toàn hài lòng về học vấn của con cao hơn gia đình ở nông thôn (48% và 36%). Tương tự, có sự khác biệt về sự hài lòng với học vấn của con theo mức sống, gia đình khá giả có sự hài lòng về học vấn của con cao hơn hai lần so với gia đình rất nghèo (43,3% và 20%).

Những phân tích ban đầu từ kết quả nghiên cứu của đề án này cho thấy mức độ hài lòng với các khía cạnh của đời sống gia đình (gồm hôn nhân, con cái, mối quan hệ với con cái) của người dân ở cả miền Bắc và Nam cao hơn so với các khía cạnh khác như hài lòng về kinh tế, nghề nghiệp, thu nhập hay điều kiện môi trường sống của họ.

Theo Tuổi trẻ


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm