12/11/2012 13:59 GMT+7
(TT&VH) - 1. Việc cảnh sát giao thông sẽ áp dụng mức phạt 6 triệu đến 10 triệu đồng với ôtô và 1 triệu đồng với xe máy không sang tên đổi chủ theo Nghị định 71 đã nhận được nhiều ý kiến "trái chiều". Việc này đã thực hiện từ lâu, nay chỉ nâng mức phạt, nhưng thực tế người dân lại hết sức lo ngại.
Trước ý kiến của nhiều người, ngay cả ông Bùi Danh Liên trước khi trả lời phỏng vấn của TT&VH cũng nói rằng, ông đã cẩn thận gọi điện luật sư tham vấn, bởi những điều ông nói có thể nhận phải sự "phản ứng" của nhiều người. Ông khẳng định các nhà chức trách thực hiện hoàn toàn đúng luật và trên thế giới người ta đã thực hiện từ lâu, dù có thể bị "ném đá", ông cũng phải nêu đúng tinh thần.
Tuy nhiên, việc thực hiện luật này đã bộc lộ những khoảng trống trước đó, cần phải có thời gian để lấp đầy khoảng trống ấy. Khoảng trống được tạo ra bởi sự thực hiện pháp luật chưa nghiêm minh ở một vài khâu nào đó. Dù thế nào đi chăng nữa, cũng phải thừa nhận một thức tế rằng, trước đây, việc thực hiện xử phạt chủ phương tiện không thực hiện sang tên đổi chủ chưa được thực hiện nghiêm chỉnh. Các lỗi vi phạm này cũng được dễ dàng cho qua. Điều đó đã dẫn đến sự "nhờn luật", người dân coi nhẹ sự quan trọng của việc thay tên đổi chủ phương tiện.
Người ta có thể lí luận rằng tại người dân không tuân thủ các quy định của pháp luật. Điều đó đúng, nhưng chưa đủ. Nếu đó chỉ là hiện tượng cá biệt thì không nói làm gì, nhưng nó trở thành một vấn đề phổ biến, liên quan tới hàng triệu người trong xã hội lại là vấn đề khác. Theo ước tính của Ủy ban Pháp luật Quốc hội, có tới trên 40% phương tiện giao thông lưu hành không chính chủ. Việc hàng triệu người trong xã hội cũng "phạm luật" thì rõ ràng đây không chỉ do vấn đề ý thức cá nhân nữa, mà nó phải bắt nguồn từ nguyên nhân lớn hơn, vĩ mô hơn. Nó xuất phát từ hai hướng, đối tượng được điều chỉnh của luật và lực lượng thi hành luật.
Việc "thả rông" một thời gian dài, rồi kéo theo việc "xử nghiêm, chốt chặt" nhanh chóng không khỏi khiến người ta liên tưởng đến một câu chuyện. Chuyện quan văn quan võ khi xưa, có thằng bé ngồi trên cây thấy ông quan văn đi qua, liền đái vào đầu. Quan văn không đánh mắng gì cậu bé mà bảo xuống đây ông cho tiền. Thằng bé tưởng bở, thấy quan võ đi qua lại tiếp tục đái vào đầu ông. Quan võ liền tuốt gươm chém chết thằng bé. Chuyện xưa đọc nay, thằng bé chết vì nhờn luật, xem chừng cũng là điều đáng suy nghĩ.
2. Với người đi xe của bạn bè, người thân đều phải chứng minh được chủ phương tiện là ai, như cần có sổ hộ khẩu, giấy chứng minh hoặc giấy khai sinh. Tuy nhiên, khi mượn đăng kí mang theo thì vẫn là đăng ký mang tên người khác. Người đi phải chứng minh mối quan hệ với chủ xe, là gia đình, bố mẹ, anh em... Dù có đăng ký hợp lệ của chủ phương tiện, nhưng vẫn phải chứng mình rằng mình đi mượn chứ không phải mua mà chưa sang tên đổi chủ. Tuy nhiên, chưa có văn bản hướng dẫn quy trình chứng minh này. Đây lại là khoảng trống lớn nữa.
Để đối phó với khoảng trống đó, thực tế, người ta đã nghĩ đến rất nhiều thứ giấy tờ, thủ tục cần mang theo khi đi xe. Có những sự đối phó rất kì lạ, nhưng không phải không có lý. Với những nhà dùng chung phương tiện, có ý kiến kêu gọi gia đình đó nên ra phường photocopy sổ hộ khẩu rồi chứng thực để mỗi thành viên mang đi một bản. Khi CSGT hỏi về phương tiện là có thể chứng minh ngay quan hệ với chủ xe là anh, em, cha con hay bố mẹ.
Vì thế, cũng không có gì là lạ, nếu xảy ra trường hợp một ông bố cẩn thận ghi vào di chúc như sau: "Bố để lại cho thằng cả chiếc xe máy "kim vàng giọt lệ" từng cùng bố rong ruổi trên từng cây số nuôi các con ăn học nên người. Bố để cho thằng hai chiếc xe Kia đời 1994. Bố con ta mang bản này đi công chứng, nếu bố già yếu không lái được xe, hai con mang theo để chứng minh xe đi mượn. Khi bố nằm xuống thì hai con mang di chúc này đi thay tên đổi chủ xe ngay".
Lo lắng của người cha không phải là không có lí.
Nguyễn Gia
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất