12/07/2023 17:58 GMT+7 | Văn hoá
Trong đề án Huế - Kinh đô áo dài vừa được Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế ký quyết định triển khai, chúng tôi đồng tình với các nội dung đã đặt ra. Với góc độ là những người nghiên cứu thực nghiệm, chúng tôi xin góp thêm một số ý kiến nhỏ nhằm giúp đề án đạt kết quả tốt hơn nữa.
Theo đề án, hiện nay ở Huế có rất nhiều nhà may, nghệ nhân may áo dài, đây là điều vô cùng thuận lợi cho việc bảo tồn và phát huy giá trị của nghề may. Nhưng cũng như Huế, ở Hà Nội, TP.HCM hoặc các tỉnh, thành phố khác, đội ngũ nhà may, nghệ nhân may áo dài cũng khá đông đảo. Nhưng với các kỹ thuật may áo dài truyền thống, tức áo ngũ thân, thì đa phần các nhà may, các nghệ nhân làm nghề may không hoặc ít nắm bắt được.
Nguyên liệu và đội ngũ nghệ nhân may áo dài truyền thống
Đây là một trở ngại rất lớn không chỉ ở Huế, mà với cả nghề may áo dài của Việt Nam, bởi nét đẹp tinh tế nằm ẩn sâu trong kỹ thuật của người thợ. Do đó, để bảo tồn nghề may, phát triển nghề may áo dài truyền thống, tỉnh Thừa Thiên - Huế cần nắm bắt thông tin, nghiên cứu, chọn lựa các nghệ nhân có tay nghề cao, nắm bắt kỹ thuật may tốt, sau đó có cơ chế chính sách để các nghệ nhân truyền dạy nghề may cho thế hệ kế cận.
Tôi xin lưu ý là nghề may và kỹ thuật may áo ngũ thân truyền thống chứ không phải áo dài hiện đại. Còn việc phát triển, cách tân áo dài là thuộc phạm vi, lĩnh vực của các nhà thiết kế, những người làm công việc sáng tạo.
Cũng giống với vấn đề nghệ nhân/nguồn nhân lực may, nguyên vật liệu phục vụ may áo ngũ thân là một vấn đề hết sức khó khăn. Hiện nay, nguồn nguyên vật liệu để phù hợp may áo ngũ thân chủ yếu là nhập khẩu, nguồn trong nước ít, chất lượng chưa đảm bảo và giá thành rất cao. Chính điều này đã làm cho giá thành sản phẩm cao, áo ngũ thân khó đáp ứng được nhu cầu của người mặc, đặc biệt là giới trẻ (học sinh, sinh viên).
Để tháo gỡ vấn đề này, ngoài các doanh nghiệp may mặc lớn, thì các cơ quan quản lý nhà nước tỉnh Thừa Thiên - Huế cần có biện pháp thúc đẩy hỗ trợ cá nhân, doanh nghiệp (cả Nhà nước và tư nhân) nghiên cứu cho ra đời những sản phẩm vải, nguyên liệu phù hợp, đảm bảo cung cấp cho ngành may áo dài và áo ngũ thân truyền thống.
Ví dụ với nghề dệt: Hiện nay, nhiều xưởng dệt trong cả nước đang hoạt động, nhưng không phải loại vải sẵn có của họ đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật để may áo ngũ thân, hoặc áo dài đẹp. Có những xưởng dệt, nghệ nhân nắm bắt được quy trình, loại vải đáp ứng may (không nhiều), nhưng giá thành lại cao. Tháo gỡ vấn đề này, cần có sự hỗ trợ của Nhà nước trong công tác nghiên cứu, đầu tư ban đầu cho ngành dệt nói riêng và nguyên phụ liệu nói chung, nhằm bảo tồn và phát triển bền vững, tránh phụ thuộc vào nguồn cung ứng từ ngoài nước. Tạo ra những loại vải, nguyên phụ liệu mang đặc trưng của Huế.
Hiện nay, áo dài hiện đại của phụ nữ phần lớn đang sử dụng nguyên liệu ngoại nhập, nhiều chất liệu không phù hợp với khí hậu, chính vì vậy tính ứng dụng của loại trang phục này cũng bị hạn chế, khó mặc thường xuyên. Nếu chúng ta đầu tư nghiên cứu cho ra đời các sản phẩm phù hợp khí hậu, thuận tiện xử lý kỹ thuật may áo dài, giúp giá thành sản phẩm hạ và tạo việc làm cho nhiều người lao động, nhiều người sẽ có cơ hội tiếp cận áo dài đẹp.
Ban hành tiêu chuẩn choáo ngũ thân truyền thống
Như chúng ta đã biết, trong một thời gian dài, từ nửa đầu thế kỷ 20, do biến thiên của lịch sử, việc may, mặc áo ngũ thân đã bị mai một, nên nó đã mất đi hình dạng ban đầu và trở thành tên chung làáo dài.
Áo dài là sản phẩm hiện đại, không còn giữ được những chuẩn mực ban đầu và có nhiều kiểu dáng khác nhau, chỉ còn giữ lại được 2 tà áo. Mỗi một lần có những vấn đề liên quan tới cách may, mặc, sử dụng áo dài hiện đại thì sự tranh luận của xã hội khó đến hồi kết. Nhiều nhà thiết kế khẳng định trên truyền thông rằng họ thiết kế áo dài truyền thống, nhưng hình dáng áo của họ lại thêm thắt, khác xa với chiếc áo ngũ thân truyền thống.
Sự lẫn lộn áo truyền thống và áo hiện đại đã khiến xã hội phải đau đầu nhận dạng, khách quốc tế phải dè chừng, không hiểu đâu là áo dài của Việt Nam. Chính vì lý do trên, các cơ quan chức năng của tỉnh Thừa Thiên - Huế cần ban hành bộ nhận diện áo ngũ thân truyền thống Huế, để từ đó các nhà may, nhà thiết kế bám sát, cách tân sáng tạo trên những hình mẫu chuẩn mực.
Thời gian qua, ngành văn hóa của tỉnh Thừa Thiên - Huế đã nỗ lực quảng bá giá trị của áo dài ngũ thân truyền thống thời Nguyễn, điều này tác động tích cực tới các du khách đến với Huế. Dịch vụ cho thuê trang phục áo ngũ thân, có người còn gọi là cổ phục, nở rộ. Đây là tín hiệu hết sức tích cực, phản ánh hiệu quả của đề án Huế - Kinh đô áo dài. Không những tạo công ăn việc làm cho nhiều người, còn tạo ra một sản phẩm phục vụ du lịch hết sức độc đáo, giúp quảng bá hình ảnh Huế, hình ảnh Việt Nam rộng rãi.
Nhưng đáng buồn thay, chúng ta dễ dàng thấy những hình ảnh du khách mặc luộm thuộm, áo trong dài hơn áo ngoài, nam mặc lẫn đồ của nữ, nữ mặc đồ của nam, vạt áo dài đến mắt cá chân, khăn đóng nam chụp lên đầu méo mó, nhiều bộ xanh đỏ, tím vàng hoa cả mắt, có nhiều chị em chụp khăn lên đầu lụp xụp, khuôn mặt rũ rượi… Đây là những hình ảnh đáng buồn cho những người yêu áo dài truyền thống.
Vì vậy, nhằm đảm bảo thương hiệu Huế - Kinh đô áo dài, các cơ quan quản lý cần có những hoạt động tuyên truyền, tập huấn, quảng bá cho những người làm nghề và hoạt động dịch vụ du lịch cũng như hoạt động dịch vụ may, cho thuê áo dài. Để họ hiểuhơn ý nghĩa, thẩm mỹ của áo dài, của tà áo ngũ thân để cùng đồng hành và góp sức quảng bá.
Thi thiết kế, cách tân áo ngũ thân
Nhằm phát huy các giá trị áo ngũ thân, song song với công tác bảo tồn nghề may, cách sử dụng, tỉnh Thừa Thiên - Huế cần thường xuyên tổ chức các cuộc thi thiết kế áo dài hiện đại.
Cuộc thi này không nhằm mục tiêu phá bỏ cái cũ để thiết lập kiểu dáng trang phục mới, mà tìm ra những nghệ nhân - nhà thiết kế có những phương án tiếp thu tinh hoa của áo truyền thống, bồi đắp thêm cho chiếc áo dài trở nên đặc sắc, mang lại giá trị văn hóa mới. Đồng thời khắc phục được những nhược điểm mà trang phục cũ còn hạn chế, đặc biệt là giải pháp ứng dụng áo dài truyền thống trong đời sống đương thời, phù hợp với khí hậu và con người hiện nay.
Áo ngũ thân truyền thống và áo dài hiện đại có một đặc điểm khá thú vị đối với các nghệ nhân, nhà thiết kế, đó là dễ sử dụng các kỹ thuật in, vẽ, thêu, đính… để bộ trang phục trở nên mới mẻ và sinh động. Đặc biệt, áo dài là mảnh đất màu mỡ cho các nhà thiết kế, sáng tạo thành những tác phẩm nghệ thuật trên sàn diễn thời trang và sân khấu.
Chính vì lẽ đó, những hoạt động thời trang gắn với áo dài là mảng nghệ thuật thị giác đặc trưng của Việt Nam. Tại Huế, cần thường xuyên tổ chức các không gian, sự kiện gắn với thiết kế sáng tạo áo dài mang các chủ đề khác nhau. Hoạt động này không chỉ thu hút các họa sĩ, nhà thiết kế thời trang trong nước, mà cần tìm cách thu hút các nhà thiết kế chuyên nghiệp của nước ngoài cùng tham gia.
Không chỉ dừng lại ở các nghệ sĩ chuyên nghiệp, các không gian sáng tạo áo dài cần tạo điều kiện để du khách cùng tham gia trải nghiệm, tạo ra một sản phẩm du lịch độc đáo, đặc trưng của Huế - Kinh đô áo dài.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất