Nổ thiên thạch ở Nga: Cú hích cho công nghệ chống "đá trời"

19/02/2013 07:20 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Trong hàng thập kỷ, các nhà khoa học đã săm soi trong vũ trụ để phát hiện các vật thể có khả năng tàn phá hành tinh của chúng ta. Nhưng những lời cảnh báo của họ về việc thiếu công cụ cần thiết giúp phát hiện các mối đe dọa từ vũ trụ lại hay bị xem nhẹ và thậm chí những kẻ nghi ngờ còn cất lời chế nhạo.

Những lời chế nhạo đã tan biến trong ngày 15/2 vừa qua, khi một thiên thạch lớn lao xuống vùng Siberia của Nga, phát nổ và khiến cả ngàn người bị thương.

Nỗ lực âm thầm theo dõi "đá trời"

Sự cố này đã đột nhiên mang lại sức sống mới cho các nỗ lực triển khai những biện pháp ứng phó với nguy cơ bị thiên thạch tấn công. "Có phải là ngu ngốc lắm không nếu chúng ta bị quét sạch khỏi Trái đất này chỉ bởi ta đã không gắng sức tìm kiếm hiểm họa" - Edward Lu, một cựu phi hành gia Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) và là quản trị viên cao cấp của Google, người lãnh đạo nỗ lực phát hiện thiên thạch của công ty nói - "Đây là một lời cảnh báo từ không gian. Chúng ta phải chú ý tới những gì diễn ra ngoài kia".

Eward Lu, người đang lãnh đạo nỗ lực tìm kiếm thiên thạch nguy hiểm của Google

Nhân loại đã nhận thức về mối đe dọa của thiên thạch từ khá sớm, khi các nhà khoa học phát hiện ra hàng trăm "vết sẹo" - những miệng hố thiên thạch - trên hành tinh chúng ta, cho thấy rằng thi thoảng các thiên thạch vẫn góp phần định hình lại hành tinh Trái đất.

Các phát hiện gồm “Hố va chạm Barringer” ở Arizona cho thấy nơi đây từng bị một thiên thạch lớn va phải. Ngoài ra, một miệng hố thiên thạch rộng tới hơn 160 km nằm ngay dưới bán đảo Yucatan ở Mexico là bằng chứng về việc 65 triệu năm trước, một thiên thạch khổng lồ đã lao xuống Trái đất và tạo nên những thay đổi khủng khiếp chấm dứt sự thống trị của loài khủng long.

Một số người Mỹ hiện vẫn còn nghi ngờ về mối đe dọa thiên thạch và họ sẽ vui mừng nếu thấy tiền thuế được chi tiêu vào các vấn đề thiết thực hơn trên Trái đất. Nhưng nhiều nhà khoa học đã xem xét vấn đề này tin rằng các biện pháp tìm kiếm thiên thạch sẽ giống như việc mua bảo hiểm, nhằm tránh việc rủi ro do thiên thạch mang tới có thể gây hại nghiêm trọng tới cuộc sống và tài sản của nhân loại.

Bắt đầu từ những năm 1980 và 1990, các nhà thiên văn đã sử dụng kính viễn vọng hướng lên bầu trời để tìm kiếm các thiên thạch có khả năng giết người. Họ bắt đầu biết về một số vụ thiên thạch bay sượt Trái đất và tính toán để thấy rằng nhiều mối đe dọa khác vẫn còn tiềm tàng, chưa được phát hiện.

Năm 1996, Không lực Mỹ đã lặng lẽ theo dõi không gian để giám sát các thiên thạch nguy hiểm. Đó là lần đầu tiên một chính phủ giám sát nguy cơ từ thiên thạch.

NASA sau đó đã nhận lấy vai chính trong cuộc tìm kiếm thiên thạch nguy hiểm. Năm 2007, NASA ra báo cáo ước tính có 20.000 thiên thạch và sao chổi với quỹ đạo đủ gần Trái đất để có thể hình thành va chạm với sức tàn phá nhiều thành phố hoặc toàn bộ sự sống.

Ngày nay, dù ngân sách eo hẹp, NASA vẫn hỗ trợ một lượng nhỏ kính viễn vọng ở Tây Nam Mỹ và ở Hawaii. Các hệ thống kính này đã phát hiện hơn 95% các vật thể bay gần Trái đất mà nhân loại ghi nhận được cho tới nay.

Chế mắt thần theo dõi thiên thạch

Các nhà thiên văn thế giới vẫn nói rằng hiện không có thiên thạch hoặc sao chổi nào có khả năng đe dọa lớn tới hành tinh của chúng ta. Nhưng NASA đã ước tính rằng mới chỉ có khoảng 10% những mối nguy hiểm lớn được phát hiện cho tới nay.

Giới khoa học Mỹ đã vận động rất mạnh để Chính phủ Mỹ bỏ tiền xây dựng một kính viễn vọng mạnh có khả năng bay vòng quanh quỹ đạo của Mặt trời và từ đây nhìn sâu vào Thái dương hệ. Nhờ hệ thống kính này, người ta sẽ có khả năng tìm thấy các khối thiên thạch lớn hơn.

Miệng hố thiên thạch Berringer ở Arizona

Nhưng khi Mỹ đang chìm vào 2 cuộc chiến tranh và còn có nhiều ưu tiên hơn, ý định này đã không bao giờ thành hiện thực. Năm ngoái, Edward đã cùng một đội các nhà nghiên cứu về không gian đẩy mạnh nỗ lực săn lùng thiên thạch. Kế hoạch của họ là triển khai một kính viễn vọng mang tên Sentinel, có thể tìm được 90% các thiên thạch có đường kính từ 120 mét trở lên có khả năng gây nguy hiểm tới Trái đất. Họ cũng muốn phát hiện các thiên thạch với đường kính nhỏ tới 30 mét. Những thiên thạch này lớn hơn nhiều thiên thạch đã lao xuống Nga và hiển nhiên Sentinel sẽ khó lòng có thể phát hiện được các thiên thạch cỡ nhỏ như thế.

Tháng 10 năm ngoái, Quỹ B612 của Lu đã ký hợp đồng với công ty Ball Aerospace để tạo ra các cảm biến thử nghiệm cho Sentinel. Kính viễn vọng không gian này sẽ được phóng lên vào năm 2017 hay 2018.

Trong một cuộc phỏng vấn, Lu nói rằng chi phí chung của sứ mạng Sentinel đã lên tới 450 triệu USD, gồm việc phóng kính viễn vọng này lên không gian, tiền bảo hiểm và phí điều hành. Nhóm đã thu hút tiền vốn từ người dân để xây kính viễn vọng nên sẽ còn xa mới có thể đạt được mục đích.

Tuy nhiên Lu bày tỏ tin tưởng vụ thiên thạch lao xuống Nga sẽ khiến người ta xem Quỹ B612 như giải pháp chống đỡ mối đe dọa từ thiên thạch và sẽ bắt đầu bơm tiền cho nhóm.

Đổ bộ lên thiên thạch để tìm hiểu

Và B612 chỉ là một trong nhiều người chơi tại lĩnh vực phát hiện thiên thạch. Tháng 4 năm ngoái, công ty Planetary Resources đã công bố kế hoạch khai khoáng trên các thiên thạch bay gần với Trái đất. Kế hoạch đầu tư mạo hiểm của công ty đã thu hút một số tên tuổi lớn như các quản trị viên Larry Page và Eric Schmidt của tập đoàn Google.

Ngoài việc thu lợi từ thiên thạch, công ty cũng có kế hoạch phát triển các kính viễn vọng có khả năng phát hiện các thiên thạch bay tới gần và có thể đe dọa Trái đất.

James Green, giám đốc bộ phận khoa học hành tinh tại NASA nói rằng cơ quan này cũng đang chuẩn bị cho một nhiệm vụ phóng tàu vũ trụ tới thiên thạch trong năm 2016 và tới năm 2033 nó sẽ trở lại Trái đất, mang theo các mẫu thử lấy từ thiên thạch, phục vụ việc phân tích chi tiết.

Thông tin thu được sẽ giúp các nhà khoa học hiểu được kỹ càng về sự hình thành của các mối đe dọa tới từ thiên thạch. "Nếu bạn chuẩn bị bảo vệ hành tinh này, trước tiên bạn phải biết rõ về kẻ thù đã" - Green nói - "Bạn phải tới gần và quan sát nó một cách trực tiếp".

Tường Linh (Theo NY Times)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm