Phát hiện 271 tác phẩm của Picasso: Anh hùng hay kẻ cắp?

22/12/2010 07:24 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH Cuối tuần) - Việc phát hiện ra 271 tác phẩm chưa từng được biết đến của danh họa Pablo Picasso từ trong nhà xe của một người thợ điện về hưu ở vùng Alpes - Maritimes (miền Nam nước Pháp) đã gây chấn động giới nghệ thuật và nhất là gia đình Picasso. Bức màn bí mật đang được vén lên…  

Lời đề nghị… khiếm nhã?! 

Buổi sáng ngày 14/1/2010, một bức thư đóng dấu bưu điện tại Mouans - Sartoux (Alpes - Maritimes) được gửi đến Picasso Administration (PP), quận 2, thủ đô Paris, Pháp, tổ chức do Claude Picasso, 63 tuổi, con trai của cố danh họa Pablo Picasso, điều hành. Cũng sẽ bình thường như bao nhiêu lá thư khác được gửi tới đây mỗi ngày nếu như cô trợ lý Christine Pinault không đặc biệt chú ý đến dấu bưu điện vốn là một ngôi làng nằm rất gần nơi cố danh họa từng sống lúc sinh thời. Trong thư là 26 bức ảnh chụp đen trắng. Tên người gửi: Ông bà Le Guennec. Địa chỉ và số điện thoại được ghi rõ. Lời đề nghị được đưa ra: “Chúng tôi đề nghị quý ngài chứng thực để hợp thức hóa các bức họa của ông chủ Pablo Picasso”. Đáp lại bức thư là sự im lặng.  

Ngày 5/3/2010, một phong bì nữa từ chủ nhân và địa chỉ nói trên lại được gửi đến PP, với cùng yêu cầu giống lần trước, lần này kèm thêm 39 bức ảnh được ghi thứ tự từ B1 đến B39. Cũng vẫn là sự im lặng từ phía PP. 
 
Ông bà Pierre Le Guennec đứng trước nhà xe của mình ở miền Nam nước Pháp, nơi họ cất các tác phẩm “bí mật” của Pablo Picasso
 
Ngày 19/4/2010, những bức ảnh mới lại được chuyển đến văn phòng PP. Loạt ảnh này được mã hóa bằng ký tự “C”. Trong bức thư thứ ba này, người gửi có vẻ như đang mất kiên nhẫn. PP tỏ ra không vội vã lắm để sắp xếp một buổi gặp mặt trực tiếp với hai ông bà Le Guennec.  

Ngày 9/9/2010, hai vợ chồng già trên dưới 70 tuổi từ miền Nam đáp tàu hỏa lên Paris theo lịch hẹn. Sau những lời chào xã giao, người điều hành PP xin được phép xem qua các bức họa. Thật kỳ diệu, tất cả đều mới nguyên một cách không ngờ, không có bất kỳ một dấu hiệu ẩm mốc nào. Khá kín đáo, Claude Picasso ra hiệu cho cô trợ lý lấy sổ tay ra ghi chép, một dấu hiệu cho thấy đây là một vụ thật sự quan trọng. Sau khi kiểm tra một vài chi tiết trên bản gốc và đọc qua các con số (chỉ một vài chuyên viên thuộc bảo tàng Picasso mới hiểu được chúng), Claude Picasso đi đến kết luận: Những bức họa này đa phần được vẽ vào khoảng từ năm 1900 đến 1920 (bức mới nhất vào năm 1932) và đều là bản gốc. 

Ngay sau khi hai ông bà Le Guennec đi khỏi, Claude Picasso lập tức gọi cố vấn pháp lý của mình để yêu cầu tất cả các tác phẩm đó của Picasso phải được trở về đúng chỗ, là một bảo tàng quốc gia nào đó. Và như thế, họ phải ra sức ngăn chặn nếu như hai ông bà Le Guennec có ý định bán chúng đi bằng một cách nào đó sau khi xin chứng nhận nguyên tác. 

Hàng tặng hay hàng ăn cắp? 

Dư luận cho rằng Pierre Le Guennec là một kẻ cắp, còn ông thì khăng khăng toàn bộ số tranh đó là do người vợ cuối cùng của Pablo Picasso, bà Jacqueline Picasso, tặng riêng ông. 

Vào đầu thập niên 1970, Pierre Le Guennec, khi đó mới 30 tuổi, đăng tin tìm việc trên báo, với nghề thợ điện, sẵn sàng đến sửa chữa tại nhà cho bất cứ khách hàng nào có nhu cầu. Ông nhớ lại: “Điện thoại reo, và bố tôi nghe máy. Có người yêu cầu tôi đến Mougins để sửa điện”. Nơi ông đến có tên là Notre-Dame-de-Vie, nơi ở cuối cùng của hai ông bà Pablo Picasso. Khi vào nhà, chính bà Jacqueline Picasso đã dẫn Pierre vào bếp và chỉ cho ông một chiếc bếp điện mới bị cháy. Pierre đã sửa một cách nhanh chóng và lấy được cảm tình của gia chủ. Chẳng bao lâu sau, Pierre Le Guennec đã trở thành thợ điện chính thức tại ngôi nhà 35 phòng của Pablo Picasso, khi thì đến thay cầu dao, khi thì thay bóng đèn… Cứ 2-3 lần trong tuần, Pierre đến kiểm tra hệ thống điện. 

Thời gian trôi qua, anh thợ điện Pierre Le Guennec đã trở thành người thân tín của gia đình Picasso. Thế rồi, một ngày nọ, Pierre chắc chắn đó là năm 1971, bà Jacqueline Picasso nói với Pierre khi anh sắp sửa ra về: “Của anh đây!”. Vừa nói, bà vừa chìa cho Pierre một bao lớn trong đó là các bức tranh vẽ và tranh giấy dán. Khi về nhà, Pierre mở ra cho vợ xem những thứ mà bà Jacqueline Picasso vừa cho anh, trông giống như những bản phác thảo vậy. Thế rồi, Pierre xếp chúng lại, và mang cất chúng vào một chiếc bàn gỗ nằm sâu trong góc nhà xe của anh. Và tất cả đã yên vị tại đó, mãi cho đến năm 2010 này.
 
 
1 trong số 271 tác phẩm chưa được biết của Pablo Picasso mà ông Pierre Le Guennec đang có trong tay
 
Ngày 5/10/2010, cảnh sát đã đến gõ cửa nhà Le Guennec. Họ lục soát nhà, lấy các tác phẩm Picasso và dẫn hai vợ chồng Le Guennec về đồn để lấy lời khai, bởi PP đã khởi kiện Le Guennec. Giả thiết mang tính thuyết phục nhất mà cảnh sát đưa ra là “Pierre đã lấy cắp từ gia đình Pablo Picasso” bởi ông Le Guennec không có lý giải nào thỏa đáng về việc nhận món quà trên.  

Bên cạnh đó, Pablo Picasso rất kỹ lưỡng khi tặng ai đó các bức vẽ của mình, ông đều ký tên vào. Nhưng các bức vẽ đang nằm trong tay ông Le Guennec thì không có chữ ký. Picasso đã quên chăng? Cảnh sát cho rằng, sau khi “cuỗm” chúng, hai vợ chồng anh thợ điện kia đã cố giữ kín bí mật, đã cố ý sống đạm bạc để chờ thời cơ “hành động”.

Song, suy luận theo hướng khác, tại sao ông bà Le Guennec lại chủ động liên lạc với PP để xin chứng thực nguyên bản các bức họa trên? Làm vậy, chẳng khác nào họ tự nộp mình, tự chui vào hang hùm trong khi họ hoàn toàn có thể “tuồn” ra ngoài qua những tay trung gian, những tay cò hám lợi. 

Nói đến đây, hẳn không thể không nhắc đến một nhân vật quan trọng của câu chuyện, Jacqueline, người vợ đã sống với Pablo Picasso trong 20 năm cuối đời của danh họa. Bà là một người rất hào phóng. Theo nhận xét của một phóng viên lúc đó, bà rất thường tặng cho ai đó vật này vật nọ, nếu bà thấy họ dung dị và không hám lợi. Jacqueline đã tặng một bức vẽ cho đứa con trai của người tài xế, một bức tranh cho ông chủ một nhà hàng, kể cả tặng 2 triệu franc cho hai nhân viên phục vụ để họ có vốn làm ăn, rồi cả chiếc xe hơi của Picasso cũng đã được bà mang tặng một nhân viên trạm bơm xăng sau khi Picasso qua đời… 

Jacqueline rất quý mến vợ của Pierre Le Guennec, bà đã đến bệnh viện thăm Le Guennec khi họ sinh con trai vào năm 1973. Bà cũng vài lần đến thăm nhà Le Guennec và phòng khách của gia đình này vẫn còn treo nhiều bức hình kỷ niệm về bà. Trong chiếc hộp riêng của mình, bà Danielle Le Guennec vẫn còn lưu giữ cẩn thận các bức thư mà “bà chủ” đã gửi cho mình. Với những bức thư ấy, không ai có thể cáo buộc là họ đã “ăn cắp” từ gia đình Pablo Picasso. 

Le Guennec khẳng định ông hoàn toàn không biết được giá trị của 271 tác phẩm này. “Tôi luôn tự hỏi rằng, nếu như sau này biết được những người con chúng tôi đang giữ trong tay những hiện vật đó, người ta sẽ hỏi chúng lấy đâu ra. Vì thế, tôi muốn làm sáng tỏ vấn đề này khi tôi còn sống”, bà Danielle Le Guennec bày tỏ. 

Tại ngôi làng mà gia đình Le Guennec đang sinh sống, tin tức lan truyền nhanh chóng và gây hoang mang. Ông trưởng làng nói: “Gia đình Le Guennec sống rất bình thường. Ông Le Guennec được mọi người kính trọng và tin tưởng. Dạo gần đây ít gặp họ, nhưng chuyện gì đã xảy ra vậy? Tôi chưa thể phát biểu ý kiến…”. 

Nhưng nhiều người mạnh miệng hơn. Như một nghệ nhân quản lý phòng tranh ở Nice : “Nếu như ông Le Guennec không nói dối, thì khả năng lớn nhất có thể là, do bà Jacqueline Picasso, khi dọn dẹp nhà cửa đã yêu cầu anh thợ điện mang đi một kiện hàng mà chính bà cũng không biết có gì bên trong. Có thể bà sơ ý khi chỉ tưởng đó là giấy bỏ đi mà thôi!”. 

Tin hay không tin thì đây vẫn là một kho báu có thật. Có chăng chưa biết nên xếp người đưa ra ánh sáng những bức tranh này vào dạng anh hùng hay gã ăn cắp vặt. Nên vẫn cứ phải đợi xem thực hư thế nào… 

Tường Nguyễn 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm