Phát hành phim: Đừng chờ nhà nước nữa!

01/06/2016 13:08 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Giữa thời điểm đang nóng chuyện 8 đơn vị sản xuất, phát hành phim khiếu nại Công ty CGV lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường để gây ảnh hưởng đến quyền lợi của các nhà sản xuất, phát hành khác, Bộ VHTT&DL đã tổ chức một cuộc hội thảo “gãi đúng chỗ ngứa”.

Hội thảo Giải pháp đẩy mạnh phổ biến phim tại rạp của trung tâm (công ty) phát hành phim và chiếu bóng các tỉnh, thành khu vực phía Bắc được tổ chức tại Trung tâm Chiếu phim Quốc gia (Hà Nội) sáng 31/5 hướng tới tìm giải pháp cho các rạp thuộc sự quản lý của nhà nước.

Phim Việt khó về được địa phương

Hiện nay doanh nghiệp Hàn Quốc như CGV, Lotte đã chiếm tới hơn 60% cụm rạp trên toàn quốc. 40% số rạp còn lại thuộc về BHD, Galaxy, Platinum và hệ thống rạp của nhà nước.

Theo thống kê của Cục Điện ảnh, nhà nước hiện nay sở hữu 93 rạp, trong đó có 58 rạp hoạt động, 25 rạp đã chuyển đổi mục đích sử dụng, 10 rạp đã ngừng hoạt động.

Trong số 58 rạp nhà nước đang hoạt động, thực chất chỉ có Trung tâm Chiếu phim Quốc gia hoạt động hiệu quả và có lãi, còn lại các rạp chỉ đang tồn tại. Ông Bùi Thế Lâm, Giám đốc Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng Hải Phòng cho biết: “Cách đây 16 năm, 1 rạp doanh thu 2 tỷ. 15 năm sau, được 200 triệu, sử dụng nguồn đó nuôi nhau thì không thể sống nổi”.


Trung tâm Chiếu phim Quốc gia là rạp hiếm hoi của nhà nước hoạt động hiệu quả

28 tham luận của các Trung tâm Phát hành và Chiếu bóng đến từ khắp nơi trên cả nước cho thấy họ đều gặp khó khăn chung: cơ sở vật chất xuống cấp, tụt hậu vì không có thiết bị kĩ thuật số đạt tiêu chuẩn. Nên dù cực kì “thèm khát” Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Em là bà nội của anh thời điểm hai phim này phát hành, các trung tâm này đành bó tay.

Các phòng chiếu hiện đại hiện nay đều phải có thiết bị kĩ thuật số DCP (Digital Cinema Package). Mỗi bộ phim đều có mã KDM, rạp phải thanh toán tiền bản quyền đầy đủ mới có mã KDM để mở phim. Các rạp địa phương không có thiết bị này thì nhà phát hành không chấp nhận cho chiếu, ngay cả khi họ đã phát hành “chán chê” trên đủ mọi phương tiện.

Bà Nguyễn Bích Phượng, Phó Giám đốc Công ty BHD cho biết: “Hơn ai hết, là nhà sản xuất chúng tôi rất muốn đem phim về địa phương, sẵn sàng chịu lỗ.

Nhưng từ khi chuyển sang DCP chúng tôi đành chịu. Vì khi kí hợp đồng phát hành với các đơn vị khác, họ yêu cầu nhà sản xuất phải bảo vệ bản quyền bộ phim một cách nghiêm ngặt để đảm bảo doanh thu cho họ. Hết thời gian hợp đồng với các đơn vị này, lại cung cấp cho các kênh truyền hình trả tiền, rồi các dịch vụ khác. Bây giờ cũng không thể biết các rạp ở địa phương đang ở đâu trong chuỗi phát hành này nữa”.

Tự cứu mình trước khi "trời cứu"

Tại hội thảo các địa phương đều chung một điệp khúc kêu khó. Cục trưởng Cục Điện ảnh, TS Ngô Phương Lan đã đặt câu hỏi ngược lại với địa phương: Nếu nhà nước đầu tư, liệu các trung tâm có đảm bảo làm ăn kinh doanh có lãi hay không? Bây giờ không nên trông chờ nhà nước nữa, mỗi địa phương phải tự nâng cao tính chủ động.

Trong hội thảo Trung tâm Chiếu phim Quốc gia được coi là một "điển hình tiên tiến”. Khi mô hình rạp mới xuất hiện tại Việt Nam những năm 2000, Trung tâm đã chủ động liên kết với đối tác bên ngoài, thay đổi diện mạo trung tâm, thay đổi chất lượng phục vụ. Để đến bây giờ trung tâm đón hơn 2 triệu lượt khán giả mỗi năm, chiếm 7% thị phần khán giả trên cả nước. Doanh thu của trung tâm hiện là 150 tỷ đồng/năm.

Phó Giám đốc BHD, Nguyễn Bích Phượng cho rằng các địa phương hiện nay chưa thực sự chủ động. “Làm điện ảnh phải đam mê, phải lao ra ngoài tìm hiểu xem khán giả của địa phương mình cần gì, chứ không thể đợi nhà nước. Nếu phim nào mình cũng muốn có, nhưng rạp mình kém, nhân sự yếu, một số nơi nhân viên còn muốn về ngủ trưa thì không thể làm dịch vụ được”.

Hội thảo này sẽ được tổ chức vào ngày 2/6/2016 tại TP.HCM.

Không thể “bênh” rạp nhà nước

"Hội thảo này tìm cách tháo gỡ cho các đơn vị phát hành chiếu bóng của nhà nước. Nhưng khi đã giải quyết xong vấn đề rạp rồi, thì phim đâu để chiếu? Liệu các rạp địa phương có chịu nổi giá thuê phim của các doanh nghiệp phát hành nước ngoài không? Mặt khác, chúng ta đã công nhận cơ chế thị trường, nên muốn bênh vực hệ thống phát hành và chiếu bóng của nhà nước thì không bình đẳng. Bây giờ nhà nước phải làm sao để kích thích trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp phát hành, chiếu bóng nước ngoài, khơi gợi cho họ về việc đóng góp cho xã hội. Ít nhất khi họ cho các rạp thành phố thuê 100 đồng thì cho các tỉnh chiếu vòng sau, thuê với giá 50 đồng chẳng hạn" (Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần).

Ngọc Diệp
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm