Miền biển Phú Yên và chuyện biển Đông: Hỗ trợ ngư dân là nhiệm vụ thiêng liêng

31/05/2014 16:13 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Nói về biển đảo, không thể không đến miền Trung. Trò chuyện với Thể thao & Văn hóa, ông Phạm Đình Cự, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, khẳng định ý nghĩa của biển trong tâm thức người dân nơi đây, nơi con người thực sự sống với biển và chiến đấu cùng biển.

Trong tình hình biển Đông hôm nay thì ngư dân cũng thành chiến sĩ, các tín đồ Phật tử cũng hội tụ để cầu nguyện cho hòa bình cho biển Đông. Đó là chuyện ở Phú Yên những ngày này.

Khi ngư dân cũng là chiến sĩ

* Biển đảo là chủ đề cả nước đang hướng về. Phú Yên cũng là một địa phương ven biển. Ý nghĩa của biển, đảo trong tâm thức và đời sống hằng ngày của người dân Phú Yên ra sao, thưa ông?

- Người Phú Yên là dân ven biển, sinh ra và lớn lên trong bầu không khí biển, đặc sản là những món hải sản lấy lên từ lòng biển, vui chơi giải trí gắn với biển. UBND tỉnh và nhiều cơ quan nhà nước quan trọng cũng đặt ở đường Độc Lập, một con đường đẹp bên bờ biển. Nói vậy để thấy biển vô cùng quý giá và thân thuộc trong tâm thức người Phú Yên. Càng thiêng liêng hơn khi biển, đảo của Tổ quốc đang đứng trước sự đe dọa từ nước ngoài, khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.


Ông Phạm Đình Cự, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên trong cuộc gặp với Thể thao & Văn hóa

Người dân Phú Yên luôn quan tâm đến vấn đề biển Đông. Gần đây nhất, sáng 28/5, tại Tổ Đình Bảo Tịnh (thành phố Tuy Hòa), Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Phú Yên đã mở đại lễ cầu nguyện hòa bình cho biển Đông, phản đối việc Trung Quốc đặt giàn khoan. Sự kiện quy tụ hơn 1.000 tăng, ni, phật tử Phú Yên và nhiều lãnh đạo Ban Dân vận Tỉnh ủy, Ban Tôn giáo tỉnh và UBND thành phố Tuy Hòa.

Cũng sau lễ cầu nguyện, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh cùng tăng, ni, phật tử Phú Yên cùng chung lòng gửi đến Trung ương Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam và Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông điệp về hòa bình biển Đông, khẳng định nhân dân Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền và lợi ích chính đáng của mình. Đồng thời, nhân dân Việt Nam mong muốn sống trong hòa bình, hữu nghị. Đây cũng là thông điệp mà tín đồ Phật giáo Việt Nam muốn gửi đến nhân dân các quốc gia yêu chuộng hòa bình trên thế giới.

* Ngư dân Phú Yên hiện có những tàu đánh cá xa bờ ở các ngư trường thuộc vùng biển Trường Sa, Hoàng Sa của Tổ quốc. Tỉnh có hoạt động gì hỗ trợ bà con ngư dân trong thời gian này?

- Đúng hơn là ngư dân không chỉ làm nhiệm vụ đánh bắt cá phục vụ ngành kinh tế thủy sản. Hiện tại, có thể nói ngư dân cũng là chiến sĩ. Bởi theo Nghị định số 30/2012/NĐ-CP của Chính phủ, các địa phương ven biển cần huy động nhân lực, tàu thuyền và phương tiện dân sự bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Vì thế, hỗ trợ dân là nhiệm vụ thiêng liêng của không chỉ chính quyền mà cả xã hội. Riêng tỉnh Phú Yên đã giao 30 thuyền chính thức và 11 thuyền dự phòng có công suất trên 90CV thực hiện nhiệm vụ này. Lường trước ngư dân sẽ có những rủi ro, mất mát về người và tài sản, chúng tôi mong Chính phủ xem xét trợ cấp cho ngư dân trực tiếp đấu tranh bảo vệ chủ quyền.

Ngoài ra, tỉnh vẫn kêu gọi xã hội ủng hộ về mặt tài chính cho ngư dân. Mới đây, hôm 28/5, tỉnh nhận 500 triệu đồng từ doanh nghiệp tài trợ cho chương trình “Chung sức bảo vệ chủ quyền biển Đông”. Trong đó, 300 triệu đồng hỗ trợ những ngư dân chịu thiệt hại trong mùa khai thác cá ở biển Đông trong năm nay, 100 triệu đồng tài trợ chi phí chữa bệnh cho ngư dân bám biển gặp nạn, 100 triệu đồng tài trợ học bổng cho con em ngư dân có hoàn cảnh khó khăn học giỏi.


Đèo Cả, thắng cảnh đẹp của núi nằm ngay sát biển Phú Yên, nhìn từ trên cao.

Khát vọng từ Đèo Cả “đẹp nhất Việt Nam”

* Phú Yên vốn có đường bờ biển dài 189km và nhiều bãi biển đẹp thuận lợi cho du lịch. Nhưng lâu nay, tỉnh gặp bất lợi vì địa thế bị kẹp giữa hai ngọn đèo lớn hiểm trở là Đèo Cả và Cù Mông. Chính vì thế, dự án xây hầm đường bộ qua Đèo Cả (công trình trọng điểm quốc gia, dự kiến thông xe vào năm 2017) quan trọng với tỉnh đến mức nào, thưa ông?

- Đúng như bạn nói, đây là con đèo hiểm trở nhất miền Trung. Bởi vậy, dự án hầm đường bộ Đèo Cả nối 2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa không chỉ là hy vọng mà còn là khát vọng của chúng tôi. Dự án là công trình trọng điểm quốc gia có tổng mức đầu tư 15.603 tỷ đồng với tổng chiều dài 13,4 km. Trong đó, hầm Đèo Cả dài 4 km, hầm Cổ Mã dài 500m được thiết kế là đường cao tốc 80 km/giờ, gồm 2 làn xe, mỗi làn rộng 3,5 m.

Dự kiến đến cuối năm 2016, dự án hầm đường bộ Đèo Cả sẽ hoàn thành và thông xe vào đầu năm 2017. Hầm đường bộ đi vào hoạt động sẽ rút ngắn được khoảng cách hơn 8 km giữa hai tỉnh Phú Yên - Khánh Hòa, giảm thời gian đi lại cũng như nạn tắc nghẽn giao thông, tạo động lực phát triển kinh tế xã hội cho 2 tỉnh.

Quy mô của dự án là rất lớn, có tính bước ngoặt đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân. Nhiều địa phương khác cũng nhờ những hầm đường bộ quy mô mà trở nên dễ dàng thông thương, phát triển du lịch và kinh tế, không những thế còn kéo các địa phương lân cận xích lại gần nhau hơn. Lợi ích của những công trình này là không thể đo đếm được.

* Đèo Cả dù nguy hiểm nhưng cũng là một trong số ít những con đèo đẹp và hùng vĩ nhất Việt Nam. Tỉnh có kế hoạch gì để khai thác vẻ đẹp thiên nhiên này?

- Đúng vậy, ngoài những hiểm trở và bất lợi thì không thể phủ nhận cảnh quan Đèo Cả tuyệt đẹp mà chưa thực sự được khai thác làm du lịch, trở thành điểm đến thưởng ngoạn thường xuyên của người dân xa gần. Đó là điều đáng tiếc. Thế nhưng, không phải là hoàn toàn không có, những ai từng đi xe khách từ phía Nam ra Phú Yên qua Đèo Cả đều từng qua nơi đây, chứng kiến cả vẻ đẹp lẫn sự hiểm trở của nó. Đèo Cả cũng nổi tiếng như một thắng cảnh chứ không chỉ là điểm nối giao thông.

Con đèo quanh co uốn khúc, một bên là biển, một bên là vách núi đá, trên cao là bầu trời miền Trung xanh ngắt. Đi trên đường đèo, ta có thể ngắm nhìn phong cảnh tuyệt đẹp của vịnh Vũng Rô - di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, mũi Điện là điểm đón bình minh sớm nhất trên lãnh thổ Việt Nam, và cả những hòn đảo nhỏ ngoài khơi xa.

Phong cảnh “sơn thủy hữu tình” không chỉ hiện diện ở Đèo Cả mà đã trở thành một nét đặc trưng của vùng đất Phú Yên. Chúng tôi có bờ biển dài 189 km, có hàng chục bãi tắm trên bờ cát trắng. Chính các bãi tắm cũng mang nét đẹp hài hòa giữa núi non và biển cả. Bên những rặng phi lao và rừng dừa là những bãi cát thoai thoải, biển trong xanh và lặng sóng. Phú Yên là vậy, cuộc sống gắn với biển và đá. Đá từ núi trở thành cả một nét văn hóa riêng với những Gành Đá Đĩa, Núi Đá Bia, những di sản con người kiến tạo từ đá…

Hạ Huyền (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm