02h00 ngày 10/10, Pháp – Romania: Cuộc chiến bên vực thẳm

09/10/2010 11:15 GMT+7 | Bóng đá Pháp

(TT&VH) - Cả Pháp và Romania đều đang trải qua một giai đoạn hết sức khó khăn, sau những thành công ở thập niên cuối thế kỷ trước. Đó là vấn đề khủng hoảng tài năng và cả bản sắc của cả 2 nền bóng đá.

*Zidane, Hagi và vấn đề bản sắc

Thời kỳ thành công của cả Pháp và Romania gắn liền với 2 tên tuổi này, 2 số 10 kiệt xuất trong lịch sử bóng đá Thế giới. Zidane hào hoa, ung dung và chậm rãi, còn Hagi thì tinh quái, quyết đoán và nhanh nhẹn . Lối chơi của họ cũng đại diện cho bản sắc chơi bóng của cả 2 đội tuyển.

ĐT Pháp - Ảnh Getty

Đó cũng là 2 thủ lĩnh những thế hệ xuất sắc của Pháp và Romania. Zidane thống lĩnh những Vieira, Petit, Barthez…, còn Hagi là đầu tàu của Dan Petrescu, Illie, Popescu…Với thế hệ vàng của Zidane, Pháp lên ngôi vô địch ở World Cup 1998 và EURO 2000. Với thế hệ vàng của Hagi, Romania liên tục có mặt ở 3 VCK World Cup 1990, 1994 và 1998 (năm 1994, họ thậm chí đã lọt vào đến tứ kết).

Hagi chia tay đội tuyển năm 2000 (một năm sau, anh cũng chia tay bóng đá), và kể từ đó đến nay, Romania chỉ một lần góp mặt ở giải đấu lớn (EURO 2008). Zidane nấn ná đến sau World Cup 2006, giúp người Pháp vào đến chung kết, nhưng kết thúc sự nghiệp đầy bi kịch (cú húc đầu với Materazzi) và kể từ đó, “Les Bleus” cũng tụt dốc không phanh dưới thời HLV Domenech.

Sự chia tay của 2 tượng đài một thời ấy đánh dấu một thời kỳ khủng hoảng tài năng và bản sắc của cả Pháp và Romania.

Lớp kế cận tồi, vì sao?

Sau Zidane, Pháp sản sinh ra rất nhiều tiền vệ tấn công được so sánh với anh (thường gọi là “tiểu Zizou”), như Ribery, Nasri, và Yoann Gourcuff. Người Romania không có thói quen so sánh, nhưng có thể coi Mutu, Chivu… là những cầu thủ thuộc lớp kế cận của Hagi, Dan Petrescu… Trình độ của các cầu thủ kế trên không quá tồi, nhưng thành tích của ĐTQG họ khoác áo thì không thể bì được với thế hệ quá khứ.

Nguyên nhân đầu tiên là sự mất đồng đều. Zidane, hay Hagi có thế nắm trong tay cây quyền trượng thủ lĩnh bởi cá tính và sự sáng tạo đặc biệt, nhưng ở từng vị trí riêng biệt, Pháp và Romania thời ấy vẫn có những cầu thủ thuộc loại hàng đầu thế giới và rất đồng đều (Vieira có thể không lấp lánh như Zidane, nhưng ở vị trí tiền vệ trung tâm, có thể coi cả 2 cùng đẳng cấp).

Sau khi thế hệ vàng rơi rụng, cả 2 đội tuyển này đều không thể xây dựng một đội ngũ có đẳng cấp đồng đều: Romania có Chivu ở hàng thủ đạt đẳng cấp thế giới, nhưng các vị trí khác đều làng nhàng (đặc biệt yếu ở tuyến giữa), còn Pháp hiện tại có quá nhiều tiền vệ công, nhưng thiếu hụt trầm trọng nhân sự ở cả hàng thủ và tuyến tiền đạo.

Với những người có đẳng cấp vượt trội so với những cầu thủ cùng thế hệ, thì họ đều không thể lớn vì không đủ bản lĩnh và cá tính. Ribery là người được cho rằng sẽ kế tục sự nghiệp của Zidane, nhưng anh không thể vượt qua cái bóng của Zizou, vì sự buông thả (scandal mua dâm, và cả scandal gây ra ở Nam Phi) và thể chất không đảm bảo (kể từ khi chuyển sang Bayern, anh liên tục dính chấn thương). Romania có Mutu sở hữu những phẩm chất đặc biệt, nhưng anh cũng là một… con nghiện, và sự nghiệp coi như đã tàn lụi.

Khó khăn hiện tại của đôi bên ở chiến dịch vòng loại chỉ là một phần của hậu quả của giai đoạn chuyển giao ấy, và nó chính là điểm đo đếm sự khác biệt giữa 2 đội tuyển. Ở thế cùng đường, Pháp đã đánh bại Bosnia nhờ những ngôi sao đẳng cấp hiếm hoi còn lại trong đội hình (Benzema, Malouda) và sự tự trọng của một đội bóng lớn, với những cầu thủ thi đấu ở những CLB hàng đầu châu Âu. Người Romania hiện tại cũng ở thế cùng đường, nhưng họa chăng chỉ có Chivu, cầu thủ duy nhất đạt đẳng cấp thế giới trong đội hình của họ hiện tại, là có được sự quật khởi của một con mãnh hổ bị thương ấy…

Dự đoán: 1-0

Phạm An


Đội hình dự kiến
Pháp: Lloris - Sagna, Gallas, Escude, Evra - L. Diarra, Toulalan, Ribery, Gourcuff, Henry – Gignac.
Romania: Coman - Mafte, Radoi, Chivu, Rat - Mara, Apostol, Ghioane, Nicu - Surdu, Marica.

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm