Phân biệt bệnh lý đục thủy tinh thể (cườm đá) và glaucoma (cườm nước)

25/03/2021 19:00 GMT+7 | Bạn cần biết

(Thethaovanhoa.vn) - Theo số liệu từ Bộ Y tế cũng cho thấy, 70% trường hợp mù lòa tại Việt Nam có liên quan đến đục thủy tinh thể, điều đáng nói là 30% trong số đó không biết bản thân bị bệnh hoặc bệnh có thể chữa khỏi. Ngoài ra, bệnh lý glaucoma (cườm nước) cũng là nguyên nhân gây mù lòa đứng thứ 2 sau bệnh đục thủy tinh thể. Vì vậy, chúng ta nên biết cách phòng ngừa và điều trị khi phát hiện 2 bệnh lý này để chữa trị kịp thời.

Bệnh lý đục thủy tinh thể (cườm đá, cườm khô) là căn bệnh thường gặp ở người lớn tuổi. Thủy tinh thể là một dạng thấu kính trong suốt, 2 mặt lồi. Thủy tinh thể là thành phần quan trọng giúp cho ánh sáng đi qua, giúp ánh sáng hội tụ đúng vào võng mạc. Hiện nay có rất nhiều nguyên nhân có thể gây ra bệnh đục thủy tinh thể như: Môi trường, lối sống, chế độ dinh dưỡng, di truyền, chấn thương… Tuy nhiên, đục thủy tinh thể do tuổi tác chiếm tới 99%. Hiện tượng đục thuỷ tinh thể hầu hết đều xuất hiện sau độ tuổi 60.

Chú thích ảnh

Bệnh lý glaucoma (cườm nước) là bệnh về mắt gây mù lòa do làm tổn thương thần kinh thị giác. Tổn thương xảy ra thường là hậu quả của gia tăng áp lực trong mắt, hay còn gọi là tăng nhãn áp.

Các dấu hiệu để phân biệt hai bệnh lý này gồm các nội dung sau:

1. Bệnh lý đục thủy tinh thể

Giảm thị lực.

Đục thể thuỷ tinh làm tăng khả năng hội tụ của nó. Đây là lý do tại sao một số người già bị đục thủy tinh thể đọc báo lại không cần đeo kính.

Ở một số bệnh nhân khác lại có những triệu chứng nghe lạ tai như ngoài sáng thì nhìn kém nhưng vào trong nhà, trong bóng râm thì nhìn lại tốt hơn.

Ngoài ra còn có một số triệu chứng khác như mắt nhìn có chấm đen, ruồi bay trước mắt cũng có thể là dấu hiệu bệnh đục thủy tinh thể.

2. Bệnh lý glaucoma (cườm nước)

Người bị bệnh Glaucoma có thể không có triệu chứng. Diễn biến âm thầm và kéo dài, nhiều trường hợp chỉ phát hiện khi thấy khoảng không gian nhìn của mình bị thu hẹp lại, nhìn mờ hoặc bệnh nhân đi thăm khám định kỳ mới được phát hiện. Tuy vậy, cũng có những trường hợp triệu chứng xảy ra rầm rộ hơn, bao gồm:

- Đau mắt, nặng mắt hoặc nhức mắt.

- Có những trường hợp đỏ mắt.

- Thị lực giảm (nhìn mờ).

- Một số bệnh nhân tăng nhãn áp nhìn thấy cầu vồng hoặc quầng sáng xung quanh đèn sáng.

- Bệnh nhân cũng có thể bị buồn nôn và nôn.

Nếu chúng ta phát hiện những dấu hiệu đã nêu như trên, đặc biệt là người lớn tuổi hãy đến gặp bác sĩ nhãn khoa để thăm khám và điều trị ngay.

Điều Dưỡng Trần Tuấn Anh (Bệnh Viện Mắt Sài Gòn Cần Thơ)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm