Phạm Thu Hà khẳng định bản lĩnh trong 'lãnh địa' hát thánh ca

23/12/2018 15:00 GMT+7 | Giải trí

(Thethaovanhoa.vn) - Vẫn nhớ như in những ngày thơ ấu theo mẹ đi lễ nhà thờ, những bài hát của mùa Noel được xem như suối nguồn nuôi dưỡng tình yêu âm nhạc, chắp cánh cho tiếng hát thánh thiện của Phạm Thu Hà bay cao. Cũng vì lẽ đó, với “họa mi bán cổ điển”, được biểu diễn trong đêm ca hòa nhạc mừng Giáng sinh 2018 tại Nhà thờ lớn Hà Nội chính là giấc mơ đã trở thành hiện thực…  

Phạm Thu Hà 'về với' Võ Thiện Thanh trong MV 'Vũ điệu bình minh'

Phạm Thu Hà 'về với' Võ Thiện Thanh trong MV 'Vũ điệu bình minh'

Sau 6 năm, kể từ khi đưa Phạm Thu Hà 'chào sân' thị trường âm nhạc với album Classic Meets Chillout, nhạc sĩ Võ Thiện Thanh đã "trở lại" với nữ ca sĩ trong MV 'Vũ điệu bình minh", mở đầu cho dự án Classic Meets Dance sẽ diễn ra vào mùa Hè 2019.

Mở đầu bằng Hang Belem, Phạm Thu Hà và Dàn hợp xướng Công giáo trẻ Hà Nội lập tức mang đến cảm giác trang nghiêm cho tòa thánh đường chật ních cả ngàn khán giả. Nét vui tươi nhẹ nhàng cứ thế hiển hiện rõ ràng hơn theo từng nốt nhạc, như tiếng thiên thần dịu dàng báo tin vui đến giữa mùa đông băng giá. Dường như không có ranh giới nào giữa Thánh ca và classical crossover – sở trường của Phạm Thu Hà, cho nên, không ngạc nhiên khi cô cứ thế phô bày trọn vẹn giọng soprano đẹp đẽ của mình theo một cách đơn giản và dễ dàng nhất.

Chú thích ảnh
Phạm Thu Hà

Điều đó càng được thể hiện rõ ràng hơn qua nhạc khúc kinh điển Ave Maria của F. Schubert. Có những lúc cảm giác như tiếng ca của nữ nghệ sĩ chẳng khác gì tiếng chuông ngân nga trong gió, lả lướt trên nền nhạc đệm dìu dặt của bè dây. Cũng như thế, O Holy Night lại càng trở nên hấp dẫn hơn nhiều thông qua kỹ thuật thể hiện điêu luyện, nét giai điệu cổ kính và giàu hình ảnh có thể chạm đến trái tim người nghe nay từ lần thưởng thức đầu tiên. Và đoạn cuối của ca khúc thực sự bùng nổ với những cảm xúc mênh mang cứ thế lan tỏa trong không gian.

Lần đầu tiên được chuyển soạn theo phong cách classical crossover, chùm ba ca khúc của Linh mục Hoài Đức là Mùa Đông Năm Ấy, Dâng MẹCao Cung Lên vẫn giữ được nét gần gũi và thân thuộc với người nghe. Cao Cung Lên được xem là một trong những bài thánh ca của người Việt, bằng tiếng Việt phổ biến nhất từ trước đến nay.

Chú thích ảnh

Nếu ca khúc này qua giọng hát ngọt ngào của Quang Dũng gợi lòng thành kính trong tiếng nhạc du dương êm đềm thì ở Mùa Đông Năm Ấy, Phạm Thu Hà và dàn hát bè lại gợi lên bầu không khí ấm áp và tràn ngập yêu thương cùng niềm vui đón mừng ngày sinh nhật Thiên Chúa. Đặc biệt, phần hòa giọng của hai ca sĩ trong bài Dâng Mẹ được xem là một điểm nhấn đẹp trong đêm nhạc, nhất là phần bè cho nhau ở điệp khúc mang đến rất nhiều cảm hứng cho người nghe. Nên biết, Dâng Mẹ rất ít khi được dàn dựng cho cặp song ca, chính vì thế, màn trình diễn này đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả.

Chú thích ảnh

Dưới sự chỉ đạo của nhạc trưởng Đồng Quang Vinh, các nghệ sĩ thuộc Dàn nhạc thính phòng Hà Nội cũng làm cho đêm diễn trở nên phong phú hơn bằng việc thể hiện hết sức tuyệt vời Canon in D của J. Pachebel và Serenade for String, Op.3 No. 5 của J. Haydn. Trước khi trở thành nhạc khúc cổ điển quen thuộc và được biến tấu nhiều nhất từ đầu thế kỷ 20 đến nay, Canon in D thường được biểu diễn trong nhà thờ, cũng vì thế, luân khúc này còn mang ý nghĩa về nguồn rất thú vị mà không phải ai cũng nhận ra. Trong khi đó, Serenade for String, Op. 3 No. 5 của Haydn với những vui tươi, trong trẻo chính là khúc dạo đầu ấn tượng cho tinh thần lễ hội đậm nét trong màn hợp xướng Angels We Have Heard On High và ca khúc khép lại chương trình: Joy To The World.

Chú thích ảnh

Được sáng tác bởi hai tác giả sống cách nhau đến nửa thế kỷ lại chưa hề gặp mặt, Joy To The World thực sự trở thành hiện tượng kỳ lạ nhất sau khi được ghi âm lần đầu tiên vào năm 1911. Bởi nó là một ca khúc Giáng sinh không có chủ đề Giáng sinh, ra đời trong nỗ lực đưa âm nhạc tôn giáo đi vào một thời đại mới. Dù chỉ được phối khí theo kiểu mẫu mực cho phù hợp với không khí trang trọng thánh đường, lối thể hiện tự nhiên và phóng khoáng của Phạm Thu Hà trên nền dàn bè vẫn khiến người nghe cảm nghiệm được được niềm hân hoan mỗi ngày và mọi ngày trong cuộc đời, đúng như tên bài hát: Niềm vui cho thế giới.

Chú thích ảnh

Là nữ ca sĩ không phải người Công giáo đầu tiên được biểu diễn trọn vẹn một đêm nhạc quan trọng bậc nhất trong Nhà thờ lớn Hà Nội, Phạm Thu Hà cho thấy những nỗ lực vươn lên của mình đã được tưởng thưởng xứng đáng ra sao. Sau những phá cách với jazz, chill-out, nhạc trẻ, cô trở lại với classical crossover thuần chất mạnh mẽ hơn nhưng cũng vững vàng, bản lĩnh và đằm thắm hơn. Đây mới chính là “lãnh địa” quen thuộc giúp Phạm Thu Hà gặt hái thêm nhiều thành công trong sự nghệp.

Hoài Điệp - Ảnh: NVCC

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm