Phạm pháp nhân danh khoa học?

02/05/2014 06:22 GMT+7 | Trong nước


(Thethaovanhoa.vn) - Trái đất có thể chịu đựng được bao nhiêu cuộc thử bom nguyên tử? Để tìm câu trả lời, quân đội Mỹ đã nhân danh một thứ khoa học mờ ám để thực thi dự án “Sunshine” trong Chiến tranh Lạnh: thu thập xác chết trên toàn thế giới để lấy mẫu vật thí nghiệm.

Não trong lọ nước xốt

Ngày đầu năm mới 1959, cái xác nằm trước mặt bác sĩ Clarence Lushbaugh trông khá tàn tạ: nhiều vết kim đâm, hai nhát cắt trên ngực, ổ bụng và các nội tạng xuất huyết nặng, độ nhiễm phóng xạ cao gấp trăm lần cho phép... Tên người chết là Cecil Kelley, 38 tuổi, nhân viên phòng hóa nghiệm thuộc cơ sở tái chế Plutoni ở Los Alamos, chính là nơi mà mười năm trước đó Robert Oppenheimer nhận được danh hiệu vinh dự đầy tranh cãi “cha đẻ bom nguyên tử” trong cái gọi là dự án Manhattan.

Nhiệm vụ của Kelley - miêu tả một cách vắn tắt - là trộn Plutoni trong một thùng thép để tạo ra một hỗn hợp phóng xạ đủ tiêu chuẩn sản xuất vũ khí. Hai ngày trước đó, trang bị kỹ thuật bị hỏng và gây ra một cường độ phóng xạ cao gấp 200 lần so với quy định. 35 giờ sau, nhân viên Cecil Kelley chỉ còn là cái xác không hồn trên bàn giải phẫu tử thi của bác sĩ Lushbaugh. Gia đình Kelley không hề được thông báo rằng sau tai nạn thảm khốc đó, cơ thể Kelley đã thành mẫu vật khảo cứu trong dự án bí mật lớn nhất của Mỹ thời Chiến tranh lạnh. 4 cân phổi, gan, tim, thận, ruột, tinh hoàn... được chia đều vào các hộp nhỏ để gửi đến một phòng thí nghiệm ở Hanford, óc được bác sĩ Lushbaugh nhồi vào một cái lọ vốn để đựng nước xốt và chuyển tới Bệnh viện Quân y Washington.


Các khán giả hạng VIP dùng kính đặc dụng quan sát một vụ thử bom nguyên tử năm 1951 tại quần đảo Enewetak ngoài Thái Bình Dương

Dự án Sunshine

Vào thập niên 1990, nữ phóng viên Mỹ Eileen Welsome đã dày công điều tra ra vụ này và đăng loạt bài trên tờ Albuquerque Tribune, đoạt giải phóng sự Pulitzer. Tài liệu đó còn được tổng hợp thành cuốn sách thương mại The Plutonium Files.

Tổng cộng 9.000 mẫu từ xác người được các nhà khoa học Mỹ phân tích trong cái dự án mang tên đầy sức sống: Ánh nắng. Cho đến nay, dự án chưa hề được giải mật hoàn toàn, người ta chỉ biết đại để là bên quân sự đi tìm câu trả lời cho một vấn đề khiến ai cũng rợn tóc gáy: cần bao nhiêu vụ thử nguyên tử để xóa sổ toàn bộ nhân loại.

Nhiệm vụ của các nhà khoa học là đo lượng chất phóng xạ tích tụ trong cơ thể người, đặc biệt là chất Stronti-90. Cả một đội mật vụ đông đảo tỏa ra khắp thế giới nhằm “sưu tầm” xương, tứ chi và nội tạng người chết, càng gần khu vực thử bom nguyên tử càng tốt. Họ cần nhất xác trẻ nhỏ hoặc bào thai chết lưu, vì chất phóng xạ tích tụ nhiều nhất trong xương non. Cecil Kelley cũng được coi là một mẫu vật có giá trị, song phạm vi nghiên cứu còn bao gồm bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối, người dân sống gần bãi thử bom. Để kiếm đủ “vật liệu”, người ta ăn trộm cả xác những người vô gia cư.

Dự án Sunshine khởi đầu hôm 6/8/1953, nghĩa là hơn 5 năm trước cái chết tai nạn của Kelley, vào đúng cao điểm của các thí nghiệm bom nguyên tử. Hoa Kỳ chiếm hẳn quần đảo Marshall và biến hòn Bikini thành đất chết bởi một loạt thử bom nguyên tử. Tuy nhiên, càng nhiều thử nghiệm thì người dân càng lo hơn, linh cảm về mặt trái của cuộc chạy đua vũ trang và thử bom nguyên tử rồi sẽ dần dần biến thành sự thuật.


Phòng Thí nghiệm quốc gia Los Alamos, nơi Cecil Kelley tử nạn hồi 1959 và bị tận dụng xác để nghiên cứu một cách phi pháp trong dự án Sunshine

Thợ săn xác

Nhân vật chính trong đám thợ săn xác là Willard Libby, người sáng lập ra dự án Sunshine, cũng là nhà khoa học tự nhiên hăng hái nhất trong Ủy ban Năng lượng Quốc gia. Trong một công trình nghiên cứu khoa học khác, mấy năm sau ông đoạt giải Nobel hóa học.

Vấn đề lớn nhất ở đây là phải giữ bí mật các nội dung dự án. Do đó không có gì lạ khi gia quyến người chết không bao giờ được hỏi trước khi các mảnh xác được đưa vào phòng thí nghiệm. Ở nước ngoài, họ tung tin về cuộc đo độ phát tán phóng xạ “tự nhiên” trên toàn cầu để xin phép sử dụng xác. Dù vậy, sau 18 tháng dự án mới kiếm được 59 bào thai chết, bên cạnh 3 cẳng chân người lớn.

Tại một cuộc hội nghị bí mật ở Washington, Libby kêu gọi các đồng nghiệp sưu tập xác như một cách thể hiện tinh thần ái quốc! Dường như lời tâm huyết ấy đã thành công: theo tiết lộ của các nhân viên Phòng Thí nghiệm Los Alamos đăng trên tạp chí Science uy tín thì trong vòng 2 năm, nhóm mật vụ “sưu tầm” được 1.500 mẫu vật từ 17 điểm toàn cầu, bên cạnh Mỹ và Canada là Chile, Brazil, Venezuela, Columbia, Đài Loan, Australia, Anh, Đan Mạch...

“Chúa cho phép”

Nhờ bài báo Science 1957 nói trên, lần đầu tiên dư luận được biết về dự án bí mật Sunshine. Dù vậy các phương pháp nghiên cứu không hề bị cản trở và rõ ràng không ai có ý định chấm dứt dự án, có chăng chỉ là cái tên Sunshine bị âm thầm đổi thành nhiều dự án nhỏ lẻ? Không ai rõ chúng mang nội dung gì cụ thể hoặc còn được tiến hành ở quy mô nào. Được cảnh báo bởi loạt phóng sự điều tra trên tờ Albuquerque Tribune, chính quyền Clinton sau này đã thành lập một ủy ban điều tra chương trình Sunshine và các dự án con. Kết quả cho thấy mọi hoạt động đã được đình chỉ năm 1974.

Nhằm phòng ngừa trong tương lai các hoạt động mờ ám nhân danh chính phủ, Hoa Kỳ cấp tốc ban một bộ quy tắc đạo đức có tính áp đặt. Liệu người ta có thể tin rằng mọi thử nghiệm kiểu Sunshine không thể diễn ra nữa, ngấm ngầm hay công khai? Nói thêm cho tròn câu chuyện: bác sĩ Lushbaugh và đồng nghiệp chưa bao giờ thể hiện sự ăn năn hối hận vì đã tiến hành các thí nghiệm phi pháp với xác chết. Bị gọi ra điều trần trước tòa án, ông ta nói sau khi tuyên thệ: “Chúa đã cho phép tôi làm việc đó.” Năm 2002, Nhà nước rốt cục phải đứng ra chịu trách nhiệm thay công chức của mình và bồi thường gia đình Kelley 10 triệu USD cho các tổn thất tinh thần. Liệu có bao nhiêu nạn nhân khác trong chương trình Sunshine được phát hiện hoặc bồi thường?

Lê Quang
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm