Phạm Như Thuần - Cánh chim không mỏi

23/06/2009 14:04 GMT+7 | V-League

(TT&VH) - Tôi gặp Thuần trong một quán cafe trên bờ biển Nha Trang vào những ngày cuối cùng của festival biển, sau một lần trực tiếp ngồi trên khán đài sân Nha Trang xem Thuần đá trong màu áo của Khánh Hòa. Vẫn thế, Thuần của tuổi băm vài nhát vẫn như thuở đôi mươi.

Một tài năng bẩm sinh

Sinh trưởng trong một gia đình truyền thống thể thao, bố mẹ Thuần đều đã từng là vận động viên, nhà lại ở ngay cạnh Sân vận động Thanh Hóa nên Thuần đến với bóng đá từ rất sớm.

Từ ngày ấy, Thuần đã được tập luyện với những bâc đàn anh đầy tài năng: Thuận điếc, Tiến béo, Hoàng Trung Phong, Văn Hùng A, anh em nhà Văn Hoà, Văn Hạnh, Văn Hợp… nên năng khiếu đã sớm bộc lộ và được phát triển rất nhanh. Chỉ một thời gian ngắn sau đó, anh được đưa lên chơi ở đội 1, có lẽ là sớm nhất so với các bạn cùng trang lứa.

Thuần là mẫu trung vệ mà tôi rất thích, cao lớn, mạnh mẽ, sức bật cực tốt. Có lẽ do thừa hưởng gen di truyền của bố mẹ, tốc độ không nhanh nhưng khả năng phán đoán tình huống và bọc lót của Thuần thì tuyệt vời.

Nhưng có lẽ điểm nổi bật và được nhiều người yêu thích ở Thuần chính là phong cách chơi bóng. Mặc dù là một hậu vệ, nhưng ít khi nào Thuần “heo” dùng sức, không băm bổ, đá láo mà luôn dùng đầu óc, kỹ thuật để cuớp bóng trong chân đối phương rồi tổ chức tấn công chứ không tìm cách phá và phá. Phong cách chơi bóng hiện đại và đậm chất kỹ thuật ấy cho đến tận bây giờ vẫn rất hiếm… Chính vì thế mà Thuần là trở nên đặc biệt, cũng giống như Đỗ Khải, Dũng “Giáp” hay bây giờ là Như Thành…

Giai đoạn thăng hoa nhất trong sự nghiệp của Như Thuần là quãng thời gian mà anh khoác áo Thể Công suốt từ năm 1998 cho đến năm 2004. Ngay cả câu chuyện anh rời Thanh Hoá để về với Thể Công cũng đã là sự kiện khi ấy.

Tất cả bắt nguồn từ trận chung kết bóng đá trẻ U19 QG năm 1997, Thanh Hoá của Như Thuần đã đánh bại Thể Công trong trận chung kết với tỉ số 1-0. Khi đó Thuần là đội trưởng, bàn thắng quyết định ở trận đấu đó do chính Thuần thực hiện thành công từ quả đá phạt trực tiếp. Tận mắt chứng kiến tài năng chơi bóng của Thuần, lãnh đạo Thể Công đã hoàn toàn bị thuyết phục và tìm đủ mọi cách để đưa Thuần về với đội bóng áo lính.
 
Dù thi đấu ở đội bóng nào, từ TC cho đến HP.HN, T&T.HN, và bây giờ là K.KH, Như Thuần luôn để lại những dấu ấn nhất định. Ảnh: Nhật Vy
 
Khắc tinh của Huỳnh Đức và Kiatisak

Với một phong độ ổn định, Thuần đã nhanh chóng chiếm một vị trí chính thức và trở thành trụ cột trong hàng phòng ngự của Thể Công và cả ở đội tuyển quốc gia. Những năm tháng đó có lẽ là những năm tháng khó quên nhất trong cuộc đời đá bóng của chúng tôi. Thế hệ vàng của Thể Công: Tiến Anh, Đức Thắng, Hồng Sơn, Quang Hà, Việt Hoàng, Công Tuyền, Thuần và cả tôi nữa đã đạt được những thành tích đáng mơ ước đối với một cầu thủ: VĐQG năm 98, siêu Cup 99, HCB SEA Games ‘99, HCB Dunhill Cup ‘99… Chỉ tiếc là khoảng thời gian tuyệt vời ấy đã qua đi rất nhanh và Thể Công vẫn còn rất nhiều mục tiêu vẫn dang dở…

Trong thành tích chung của cả đội ở cả cấp độ ĐTQG, Thuần cũng để lại những dấu ấn rất riêng của cá nhân mình. Hàng phòng ngự của đội tuyển VN lúc đó bao gồm: Đỗ Khải, Tiến Dũng, Công Minh, Đức Thắng, Như Thuần được coi là hàng phòng ngự số một Đông Nam Á, lập kì tích khi giữ trắng lưới suốt cả chặng đường vào CK SEA Games ‘99, và chỉ chịu thất bại trước hai cú sút xa của người Thái.

Có một thống kê không chính thức, là bất cứ một trận đấu nào, dù cấp độ đội tuyển hay câu lạc bộ Như Thuần luôn luôn vô hiệu hoá được Kiatisuk- cầu thủ số 1 Đông Nam Á, dưới sự kèm cặp của Như Thuần, Zico Thái chưa bao giờ ghi được bàn thắng. Không những thế Như Thuần và Huỳnh Đức còn là hai cầu thủ hiếm hoi của bóng đá VN được gọi vào đội tuyển châu Á năm 2000. Tất cả những điều đó là minh chứng rất rõ ràng cho đẳng cấp của Như Thuần.

Một cánh chim không mỏi

Sự nghiệp thành công nhưng cũng không ít thăng trầm, một chấn thương nặng ở đầu gối cuối mùa giải 98 đã cướp đi cơ hội được chơi giải Tiger Cup đầu tiên ngay trên sân nhà của anh. Đó cũng là một cú sốc đối với chàng tân binh của đội tuyển. Rồi chính phong cách chơi bóng nghệ sĩ của anh đôi khi lại là con dao hai lưỡi, những pha xử lý quá mạo hiểm, những sai sót chết người cũng đã đẩy Như Thuần đến những sức ép khủng khiếp. Sự thất vọng của lãnh đạo, sự nghi kị của đồng đội và cả những người hâm mộ cũng bắt đầu đặt dấu hỏi về phong độ của anh.

Mùa giải 2002-2003, sau tình huống Như Thuần dùng tay chơi bóng trong vòng cấm địa, trận đấu gặp Ngân Hàng Đông Á, cả đội TC đã phải họp liên tục trong 3 tiếng chỉ để giải quyết vấn đề của Như Thuần. Giai đoạn này Thuần buồn nhiều và mối quan hệ với lãnh đạo TC đã trở nên xấu đi… Rồi cuối cùng, ở mùa giải 2005, Thuần rời khỏi TC trong cay đắng và lặng lẽ.

Các cầu thủ trẻ ở Khánh Hòa bảo rằng họ đã học được rất nhiều từ Thuần, cả trên sân tập cũng như trong khi thi đấu. Ngay cả tiền đạo Quang Hải cũng thừa nhận, đá cùng CLB với Thuần, cậu đã vỡ ra rất nhiều điều.



Bỏ lại tất cả sau lưng, Thuần lần lượt ghé chân qua Hoà Phát, T&T HN và Khánh Hoà. Đi đến đâu Thuần cũng để lại dấu ấn của mình. Tuy không đạt phong độ đỉnh cao như thời còn khoác áo TC, nhưng Thuần cũng đã góp phần giúp Hoà Phát giành cúp QG, là nhân tố chủ lực trong đội hình T&T thăng hạng V-League. Và bây giờ khi đã bước sang tuổi 34, Thuần vẫn là cầu thủ cực kì quan trọng trong hàng phòng ngự của đội bóng thành phố biển.

Tận mắt chứng kiến phong độ của anh trong trận thắng thuyết phục K.Khánh Hoà gặp TPHCM ở vòng 16 vừa rồi mới thấy hết nỗ lực của lão tướng này. Vẫn những pha can thiệp dứt khoát, những phán đoán nhanh nhạy đầy kinh nghiệm cùng với đó là những pha vào bóng chính xác và quyết liệt, tinh thần thi đấu hết mình, khi cần có thể lăn xả, xoài, xoạc để cứu bóng. Nhưng vai trò của anh không chỉ dừng lại ở đó, Thuần còn là ông chủ thật sự của hàng phòng ngự Khánh Hoà, vừa thi đấu vừa chỉ huy các đồng đội lên xuống, ra vào, bắt người, bẫy việt vị hết sức hợp lý. Sự kết hợp của Như Thuần và Isiffu cũng khá hoàn hảo, người mạnh mẽ quyết liệt, người bọc lót kín kẽ, cả hai đã tạo nên một bức tường thép trước cầu môn của KH. Gặp anh sau trận đấu, quần áo lấm lem bùn đất đi lẫn trong đám đông đang hò reo chiến thắng của khán giả hâm mộ, khuôn mặt anh dù mệt mỏi nhưng vẫn không giấu được niềm hạnh phúc.

Tâm sự với tôi, Thuần đã kể rất nhiều về lý do vì sao rời khỏi T&T, lý do vì sao lại đến với thành phố biển cách HN hơn 1000km này. Đáng lẽ ra đích đến của Thuần là Ninh Bình với điều kiện tài chính tốt hơn và quan trọng là được sống gần gia đình… Nhưng cuối cùng anh lại chọn Khánh Hoà để khẳng định mình vẫn còn khả năng thi đấu ở V-Leage, sân chơi cao nhất của bóng đá Việt Nam chứ không phải chỉ để vật vờ kiếm tiền ở giải hạng Nhất. Một quyết định đúng với tính cách của Như Thuần, một cánh chim luôn khát vọng bay cao bay xa và không mỏi.

 Đặng Phương Nam

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm