'Phái sinh' Phố Phái bằng Digital Art

21/07/2013 14:26 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Từ tranh Phố Phái với “phố xưa nhà cổ, mái ngói thâm nâu”, họa sỹ Nguyễn Đức Lợi đã làm phái sinh thành những bức tranh với bố cục khác, tông màu khác phác họa Hà Nội đương đại bằng Digital Art (Nghệ thuật đa phương tiện). Đặc biệt, anh lại dùng Ipad để vẽ những bức tranh mà theo anh “vẽ về một Hà Nội tuổi 1.001 nhếch nhác hiện thực, long lanh trên Facebook”.

Triển lãm Ám ảnh cuộc sống của họa sỹ Nguyễn Đức Lợi diễn ra tại Art Tunnel (số 6 Hàng Trống, Hà Nội) từ ngày 15/7 tới ngày 30/7.

Họa sỹ Nguyễn Đức Lợi

“Nhà siêu mỏng” trong tranh Phố Phái

Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Hà Nội, không sống được bằng tranh, lại quyết không vẽ tranh nhái để kiếm sống, Nguyễn Đức Lợi chuyển sang làm đồ họa. Quyết liệt trong việc chống nhái tranh đến vậy, song một ngày, Nguyễn Đức Lợi quyết định vẽ lại tranh phố Phái.

“Việc sáng tác bước đầu chủ yếu là “copy” và “paste” bằng Photoshop. Đầu tiên, tôi download toàn bộ tranh cụ Phái về Ipad. Sau đó tỉ mỉ cắt từng ngôi nhà, từng cái cột điện rồi dán vào phông trắng trên máy theo bố cục có sẵn trong đầu.”- Anh Lợi nói

Anh Lợi cho biết thêm: “Khi những ngôi nhà đã xuất hiện đầy đủ theo ý tôi, tôi bắt đầu vẽ thêm những chi tiết mới và đổ màu. Đây không phải là ăn cắp tranh vô đạo đức nghề nghiệp, mà đó là sáng tạo với chất liệu của các bậc tiền bối. Cuối cùng tôi hoàn thiện tranh trên Ipad và vẽ lại trên toan đem đi triển lãm”.

Quả thực, tranh phố Hà Nội của Nguyễn Đức Lợi có nhiều nét mới thú vị. Vẫn có đó những ngôi nhà xô nhau trong tranh cụ Phái song những nhà siêu mỏng, những ban công đua ra ngoài đường đã xuất hiện. Màu thâm nâu hoài niệm xưa cũng được thay bằng màu sắc sặc sỡ của đủ ánh đèn, biển quảng cáo, biển nhà nghỉ…

Hơn thế, nền trời Hà Thành không còn bảng lảng những vầng mây u uẩn như tranh cụ Phái. Thay vào đó, Hà Nội dường như không còn đường chân trời. Mọi tầm nhìn đều bị chắn ngang bởi những nhà tòa cao ốc đồ sộ.

Lý giải cho việc dùng toàn đường kẻ dọc chắn hết bầu trời làm nền tranh (những kẻ dọc để vẽ những nhà cao tầng, những ánh đèn thành phố đầy ám ảnh) Lợi than thở: “Chúng diễn tả tên gọi của triển lãm “Ám ảnh từ cuộc sống”. Nghiệp nghệ thuật lại theo nghề công nghệ cũng khiến tôi cực đoan hơn nữa. Tôi thấy Thành phố này hồ như còn toàn những đường thẳng của những lối vào phố cổ bé xíu; đường thẳng của khối nhà đồ sộ cứng nhắc, thiếu nghệ thuật, bó không gian; đường thẳng của bàn phím, những thanh công cụ máy tính chán ngán…”.

“Nói như một ai đó, tình trạng Hà Nội hiện giờ là cái hay thì không mới, cái mới lại chưa hay.”- Họa sĩ Nguyễn Đức Lợi chia sẻ.

Thế hệ người Hà thành Facebook

Ngoài những bức tranh Phong cảnh Hà Nội 1.001 năm văn hiến, Phong cảnh Hà Nội 1003 năm văn hiến, Tháp rùa, Ô Quan Chưởng… vẽ quang cảnh Hà Nội, Nguyễn Đức Lợi còn tiếp cận Hà Nội ở một khía cạnh khác. Đó là người Hà Nội và lối sống mới.

Triển lãm không xuất hiện bất cứ một người Hà Nội cụ thể nào trong tranh, song với việc nhấn mạnh mạng xã hội, Nguyễn Đức Lợi muốn phản ánh và cảnh tỉnh người Hà thành về việc đang bị ám ảnh và lệ thuộc quá nặng “thứ phù phiếm” này. 



Bức tranh Phong cảnh Hà Nội 1.001 năm văn hiến với những ngôi nhà được ghép từ tranh Phố Phái

Lợi minh chứng thêm: Bức tranh Em bé Napalm được tôi vẽ lại từ bức ảnh cùng tên của nhà báo Nick Út và thêm chiếc xắc nhỏ có hình mèo Kitty cũng  thể hiện điều đó.

Đành rằng những điều đã diễn ra rất đau thương nhưng những ký ức về chiến tranh của dân tộc đáng phải nhớ thì chúng ta lại quên. Giữa mèo KittyEm bé Napalm, tôi đoan chắc, đại bộ phận người Hà Nội biết đến mèo Kitty nhiều hơn. Điều này lố bịch chẳng kém gì ta chóng quên đi những nhếch nhác chưa được hoàn thiện của Hà Nội đời thực mà ru ngủ nhau bằng những hình ảnh long lanh, lóng lánh của Hà Nội trên… Facebook”- Lợi chia sẻ.

Theo quan điểm của Lợi, sử dụng Facebook thái quá là thảm họa. Dùng smartphone thường xuyên khiến mọi người xa nhau. Nhưng chính con người được bạn bè đánh giá là “si mê Hà Nội tới cực đoan” này, cũng đang “than trời” về một Hà Nội giao thời bằng tranh vẽ qua Ipad.

Và có lẽ, anh là người tiêu biểu cho người thế hệ người Hà Nội hiện nay, một thế hệ thích thay đổi, nhưng ghét cái mới.

Làm tác phẩm phái sinh vì tình yêu Hà Nội

“Tôi chưa xem triển lãm nên chưa thể đánh giá gì về những bức tranh “phái sinh” từ những tác phẩm của cha mình. Thực tế, việc “phái sinh” tranh từ những tác phẩm của những tác giả nổi tiếng trên thế giới như Picasso, Leonardo de Vinci... là chuyện bình thường.

Việc tác giả trẻ “phái sinh” lại tranh của bố tôi cũng xuất phát từ tình yêu Hà Nội và thiện ý chia sẻ với mọi người. Duy có điều, nếu tác giả hỏi ý kiến gia đình trước sẽ hay hơn.”- Ông Bùi Thanh Phương, con trai cố họa sỹ Bùi Xuân Phái chia sẻ với TT&VH.

Phạm Mỹ
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm