Phải đủ phong sương mới đến được khát vọng

26/06/2019 07:17 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Phần đọc hiểu của đề thi ngữ văn THPT quốc gia sáng 25/6/2019 là hai đoạn trích trong bài thơ “Trước biển” của nhà thơ Vũ Quần Phương. Phần đọc hiểu này có 4 câu hỏi, mà câu hỏi số 4 là về hành trình theo đuổi khát vọng của con người.

Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019: Đề Ngữ văn đầy đủ các mức độ nhận thức, tính phân loại học sinh cao

Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019: Đề Ngữ văn đầy đủ các mức độ nhận thức, tính phân loại học sinh cao

Sáng 25/6, sau 120 phút dự thi môn đầu tiên - Ngữ văn Kỳ thi Trung học Phổ thông Quốc gia năm 2019, hầu hết các thí sinh đều có tâm trạng khá hồ hởi, tự tin. Nhiều em hài lòng với phần làm bài của mình và cho rằng, đề Ngữ văn năm nay không quá khó, không có yếu tố bất ngờ.

Với lứa tuổi sắp xong THPT, chuẩn bị vào đại học, chuẩn bị bước vào đời… thì khát vọng là điều rất cần đề cập. Bởi việc hiểu đúng về khát vọng không hề đơn giản…

Trong ca khúc Nghèo, khi còn khá trẻ, ca sĩ Lê Cát Trọng Lý đã viết: “Thế hệ tôi, phút chốc vui, phút chốc buồn/ cười một mình, khóc cũng một mình/ Thừa nhiệt tình, thiếu niềm tin/ giàu hy vọng, nhưng nghèo hoài bão”. Với nhiều bạn trẻ thì mơ mộng, mơ ước, hy vọng… cũng được đồng nghĩa với khát vọng, với hoài bão; cũng không hiếm trường hợp đồng nghĩa ảo tưởng với khát vọng. Trong khi đó chỉ khát vọng, hoài bão đích thực mới có cơ sở thực tế để thực hiện, nếu đủ nhận thức, hiểu biết, cơ hội và may mắn.

Chú thích ảnh
Thí sinh làm bài thi trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2019. Ảnh: Thế Duyệt - TTXVN

Với nhà thơ Vũ Quần Phương thì khát vọng luôn song hành cùng gian lao, thách thức, hy sinh: “Chân trời kia biển mãi gọi người đi/ Bao khát vọng nửa chừng tan giữa sóng/ Vầng trán mặn giọt mồ hôi cay đắng/ Bao kiếp vùi trong đáy lạnh mù tăm”. Chắc nhiều bạn trẻ khi hình dung, mơ nghĩ về khát vọng mà gặp câu: “Bao kiếp vùi trong đáy lạnh mù tăm” cũng sẽ chùn bước? Cũng sẽ dần nhận ra rằng ở đời không có gì là đơn giản, dễ dàng, bởi: “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”. Nhưng rồi Vũ Quần Phương vẫn khẳng khái: “Những chân trời ta vẫn mãi tìm đi”.

Khi bỏ công sức leo qua đèo Hải Vân hiểm trở, nhà thơ Trần Bích San (1840-1877) đã cảm tác: “Văn phi sơn thủy vô kỳ khí/ Nhân bất phong sương vị lão tài”. (Tạm dịch: Văn chương không miêu tả núi sông thì không có khí chất lạ/ Người mà chưa dãi dầu sương gió thì chưa thực tài).

Chính sự từng trải, phong sương mới đủ sức chứng thực khát vọng của ta đủ mạnh mẽ, đủ đam mê để vượt qua các vấp ngã, sai lầm. Nếu có đủ khát vọng thì khi thành công đến ta cũng không quá bất ngờ, mà khi thất bại đến ta cũng không quá thất vọng.

Nhìn từ khía cạnh này thì đề thi ngữ văn THPT quốc gia năm nay khá cận nhân tình, đã kịp thời góp một suy tưởng đa chiều cho giới trẻ. Bởi theo kết quả của nhiều khảo sát giáo dục cho thấy phần đông học sinh THPT thực sự không biết mình sẽ chọn nghề nghiệp nào cho tương lai, chứ đừng nói chọn đam mê nào để theo đuổi, chọn khát vọng nào để dựng xây.

Nhiều bạn có xuất thân khá giả thì còn tưởng rằng cuộc đời chỉ toàn màu hồng, chỉ có người nghèo mới khóc, đâu biết rằng người giàu cũng khóc. Ngạn ngữ xưa có câu: “Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời” là để chỉ lẽ biến thiên khó tránh khỏi này.

Thực tế còn cho thấy nhiều học sinh THPT thực sự không biết học ngữ văn để làm gì. Cha mẹ, gia đình đã giúp định hướng, chọn lựa các trường đại học - cũng đồng nghĩa các công việc tương lai, mà nơi đó có vẻ xa cách với ngữ văn. Rồi xã hội tiêu dùng xiển dương sức mạnh của đồng tiền, càng làm cho văn chương, nghệ thuật có cảm giác như bị vô dụng.

Chính các đề thi ngữ văn như thế này sẽ phần nào giúp các học sinh có thêm cơ hội nhìn thấy ý nghĩa khác của văn chương, để suy nghĩ sâu sắc hơn về tương lai.

Suy cho cùng thì cha mẹ, anh em, gia đình, dòng tộc… đều phải tự sống đời của họ, họ không thể sống thay ta. Chỉ có khát vọng, hoài bão đích thực mới làm nên ta là ai, mới làm cho ta đáng sống.

Vô Ưu

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm