PGS - TS Lê Trung Vũ: Nhiều nơi tổ chức lễ hội như thương vụ...

19/02/2011 14:47 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Tìm gặp một nhà nghiên cứu văn hóa dân gian am hiểu sâu sắc về lễ hội, tôi được GS - TS Tô Ngọc Thanh - Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian VN - giới thiệu với PGS - TS Lê Trung Vũ. Trong nhiều năm công tác tại Viện Nghiên cứu văn hóa dân gian Việt Nam, ông đã miệt mài tham gia hàng chục đợt điền dã hội làng và cho ra đời nhiều công trình khoa học có giá trị: Từ điển Hội làng Việt Nam, Từ điển thuật ngữ Hội làng (1.600 mục từ)... Ông còn làm chủ biên của nhiều đầu sách về lễ hội truyền thống: Lễ hội Thăng Long, Hội làng Hà Nội... và bản thảo đang chờ in Hội làng Thăng Long- Hà Nội khoảng 1.500 trang.

Nhân mùa lễ hội đang diễn ra ở khắp các địa phương trên cả nước, TT&VH đã có cuộc trò chuyện với ông về một số vấn đề đặt ra từ lễ hội hôm nay.

PGS - TS Lê Trung Vũ

* Thưa ông, không ít lễ hội truyền thống được khôi phục nhưng bên cạnh đó, nhiều lễ hội bị biến dạng. Ông nhìn nhận về hiện tượng này ra sao?

- Tôi thấy một số lễ hội xa lạ và quá tốn kém với nhiều hoạt động rườm rà không cần thiết và không đi vào thực chất nên người đi hội muốn xem thì xem mà không thì... chẳng sao... Cái thiếu cơ bản của lễ hội truyền thống bây giờ là thiếu vắng yếu tố “thiêng”. Người người rủ nhau chơi hội là chính...

Trước đây, trong tâm tưởng của người đi hội có thần linh ban phúc lộc nên họ đến khẩn cầu và lễ hội thu hút nhiều người cũng vì lẽ đó. Bây giờ thì nhiều người lại cầu xin theo hình thức thực dụng như dâng lễ lạt thật lớn, nhét tiền vào tượng hay rải tiền khắp nơi... Tâm lý cả năm đi hội một lần và tiền chi ở lễ hội vì mục đích từ thiện khiến người đi hội không tiếc tiền và không nghĩ bị lợi dụng hay tiêu xài hoang phí. Lễ lạt thì có dịch vụ chuẩn bị sẵn, rồi có người bê hộ, thậm chí người bê còn lễ khấn vái giúp... Cầu con, cầu lộc, cầu tình... phải tự mình làm mới thiêng chứ ai lại đi nhờ người khác làm hộ mình.

Người đi hội nhiều khi quên mất có thần linh nên làm những điều không hay, không phải ở chính các nơi lễ bái. Lễ hội bây giờ bị biến dạng còn bởi một lớp người ăn theo với các dịch vụ bói toán, xem số, giữ xe, cầu cúng...

* Nhiều ý kiến cho rằng người dân đang đứng ngoài các lễ hội nên lễ hội mang tính hình thức và... không vui?

- Nhân dân phải được dự chứ không phải đến để xem hội. Vì xem hội mà thấy trò nhạt hay mấy màn sân khấu hóa nhàm chán thì người ta dễ bỏ về.

Có nhiều cách thu hút người dân, ngoài việc để họ tham gia thì đám rước phải đẹp và các hoạt động hấp dẫn với trò chơi thỏa mãn người đi hội ở nhiều lứa tuổi. Chẳng hạn, nam - nữ rất thích lên đu, vừa vui, vừa khỏe. Những người tham gia đám rước còn có dịp thể hiện tài năng làm kiệu, múa, hát... Mỗi người được đóng một vai trong hội làng, dù có thể chỉ là rước kiệu, cầm cờ... Có thể nói, đám rước là trọng tâm tiêu biểu cho các hoạt động trong lễ hội truyền thống. Người dân tham gia cũng không đòi hỏi gì mà vì vui và thấy hạnh phúc vì được đóng góp một phần công sức hay của cải vào đó. Họ tự làm lễ hội, rồi nuôi gà, nuôi lợn đóng góp để tổ chức lễ hội. Họ tham gia từ đầu đến cuối và cảm thấy lễ hội đúng là của họ.

* Lễ hội bây giờ thường được đầu tư tiền “tỷ” nhưng thực chất số tiền đó nhiều khi không tỷ lệ thuận với chất lượng lễ hội và không đến được với các hoạt động của lễ hội?

- Bây giờ, nhiều nơi tổ chức lễ hội như thương vụ nhằm kinh doanh hay dự án để giải ngân tiền Nhà nước. Người ký dự án có tiền, cơ quan tổ chức có phần và đơn vị bao thầu thường thắng đậm. Số tiền còn lại thực chi cho lễ hội có khi chưa đầy 1/3 số duyệt chi trên giấy tờ nhưng vẫn quyết toán hợp lý được hết... Lễ hội thường được gắn với cụm từ “bản sắc dân tộc” nhưng càng tổ chức hoành tráng họ càng thu được nhiều tiền vào túi...

* Ngày 9/2, Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 162/CĐ-TTg về công tác quản lý và tổ chức lễ hội, yêu cầu các ngành, các cấp phải chấn chỉnh tình trạng tiêu cực, phản cảm ở một số lễ hội nhằm nâng cao công tác quản lý và tổ chức lễ hội trong thời gian tới... Ông hy vọng tình hình sẽ được cải thiện hơn?

- Quy định ban hành nhiều rồi, nhưng những người liên quan có thực hiện hay không hay thực hiện ở mức độ nào lại là... chuyện khác. Tôi hầu như chưa thấy xử phạt tổ chức hay cá nhân sai phạm trong lĩnh vực này.

* Xin cảm ơn ông!  

H.Đông (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm