01/08/2009 14:57 GMT+7 | Báo động từ vốn di sản
(TT&VH) - Tôi không tán thành ý tưởng đệ trình hầu đồng lên UNESCO để hi vọng được xếp hạng vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể, ít ra là trong lúc này. Chúng ta chưa hề có một quá trình nghiên cứu và tìm hiểu cặn kẽ về hiện tượng này, trong khi hầu đồng hiện tại đã biến đổi quá nhiều so với bản chất thật của nó - PGS Trần Lâm Biền, Cục Di sản Văn hóa, khẳng định. Điều đáng nói, dù phản đối ý tưởng này nhưng ông chính là một trong những người có thâm niên nghiên cứu và bênh vực đạo thờ Mẫu cũng như tục hầu đồng từ nhiều năm nay.
Đồng “tỉnh” thì không có giá trị
PGS Trần Lâm Biền cho biết:
Để phân biệt điều ấy, dân gian vẫn gọi vui bằng các khái niệm “đồng tỉnh” và “đồng mê”. Chẳng hạn, cách đây vài chục năm, hầu đồng không được tán thành. Có những con đồng tổ chức hầu đồng “chui” tại nhà, đang say sưa lên đồng nhưng cơ quan kiểm tra bước vào thì vẫn biết bỏ điện thờ chạy té tát. Như vậy là “đồng tỉnh” đấy (cười). Và “đồng tỉnh”, tôi cho rằng không có giá trị.
Hầu đồng đã đi xa khỏi bản chất của nó
* Vậy, ở góc độ diễn xướng, chẳng lẽ hình thức hầu đồng không có giá trị nào ư, theo ông?
- Tôi khẳng định lại, nếu không đạt tới tình trạng vẫn được gọi là “yoga tinh thần” thì hầu đồng chỉ là một buổi diễn xướng đơn thuần. Sự độc đáo nếu có nằm ở việc người hầu đồng trong cùng một vấn đồng lần lượt vào nhiều vai khác nhau... Nhưng chỉ vậy thì không đủ, cái ấy nghệ thuật sân khấu còn làm tốt hơn nhiều.
* Ông có thể nói cụ thể hơn?
- Tạm thời, tôi chưa nói tới việc hầu đồng bị lợi dụng vào mục đích mê tín dị đoan. Nhưng, đi vào thành thị, hình thức hầu đồng dần chịu sự chi phối của kinh tế, thương mại khi người ta gắn nó với các yếu tố của đời thường. Chẳng hạn là tâm lý “tốt lễ dễ kêu”, đồ lễ càng đủ đầy, càng nhiều càng tốt. Làm như vậy thì hầu đồng đã đi xa khỏi bản chất của nó quá nhiều. Rồi nói thẳng, các buổi hầu đồng hiện nay, “đồng tỉnh” thì nhiều mà “đồng mê” thì ít...
* Vậy quan điểm cuối cùng của ông là...?
- Muốn đệ trình lên UNESCO, chúng ta hãy đệ trình hầu đồng với đầy đủ những độc đáo và bản sắc riêng của nó, chứ không phải là khoe mẽ nhảy múa. Nếu không, đừng mong UNESCO công nhận nó vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể. Nói thẳng, trên thế giới họ đã quan tâm rất nhiều tới văn hóa dân gian, đã từng hiểu thế nào là saman giáo (các hình thức tôn giáo tín ngưỡng có hiện tượng thần linh “nhập” vào con người - PV) , từng hiểu những vấn đề về tâm linh, tín ngưỡng ở những vùng sâu của châu Phi và châu Mỹ Latin. Kiến thức, phương pháp và quá trình nghiên cứu của họ rất đầy đủ, đầy đủ hơn chúng ta rất nhiều. Chúng ta mang nghệ thuật hầu đồng tới, họ sẽ nhìn ngay được phần nào là thật, phần nào là giả trong đó.
Muốn đưa hầu đồng lên UNESCO phải chuẩn bị đầy đủ, phải nghiên cứu cẩn thận và làm bởi nhiều bộ óc lớn, phải có những người thật sự đau đáu đắm chìm với nó, chứ không phải là đơn giản cứ đệ trình lên là xong đâu.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất