Khi các ông chủ dùng bóng đá để tiêu khiển…

02/11/2009 15:04 GMT+7 | V-League

(TT&VH) -… Thì HLV hay các cầu thủ có nguy cơ… ra đường bất cứ lúc nào. Khi trào lưu mua bán – sang nhượng đội bóng đang thịnh, và nói hơi quá, chứ không khác gì việc mua mớ rau – con cá ngoài chợ, thì nguy cơ thất nghiệp với đội ngũ những người làm thuê càng cao. Ông chủ bỏ tiền mua đội bóng, ông chủ bỏ tiền thuê HLV – cầu thủ, thì ông chủ có quyền đuổi việc nhân viên, thậm chí có quyền xóa sổ CLB bất cứ lúc nào.

Thuận mua, vừa bán

Thỏa thuận với Thể Công bất thành, lãnh đạo TP.HCM quay qua QK4. Đơn vị được chỉ đạo thực thi đề án này là Ngân hàng TMCP Nam Việt (NaviBank, thuộc Tập đoàn đầu tư Sài Gòn). Vậy là sau QK7, Thể Công, đến lượt 1 đội bóng thuộc quân đội khác là QK4 sẽ bị xóa tên trên bản đồ bóng đá Việt Nam. Nó cũng tựa như các CLB thuộc ngành Công an trước đây, mà ít người hiểu hết bản chất vấn đề. “Lội nước theo sau”, tương lai của BHL và cầu thủ QK4 phần nào có sự đảm bảo từ cơ quan chủ quản mới NaviBank. Đấy là tạm thời, còn tương lai xa thế nào cũng chưa biết được. Cho đến lúc này, khi đã chuyển vào ngôi nhà mới ở TP.HCM, thì BHL và cầu thủ QK4 vẫn còn bị ám ảnh.
 
V.Ninh Bình đã trải qua 2 lần thay tên đổi họ chỉ trong vòng 5 năm để có hình hài như ngày nay

Chưa bao giờ như lúc này, việc mua một đội bóng đang chơi ở hạng cao, lại dễ đến thế. Tiền và sự thống nhất giữa lãnh đạo đôi ba bên, thế là đủ. VFF không đủ thẩm quyền để can thiệp. Tất cả những gì tổ chức này có thể làm, đó là biện pháp chế tài với “ít nhất 10 cầu thủ thuộc đội bóng cũ đồng ý chuyển về đại bản doanh mới”. Hết! Tất nhiên, không quá khó khăn để ông chủ mới lách luật, xóa sạch tàn dư, chỉ sau vài tháng (thậm chí vài tuần). Thì thế, HLV và cầu thủ lúc ấy mới lao đao.

Muôn hình vạn trạng

Nói về chuyện mua bán hay sang nhượng, hoặc thay đổi phiên hiệu, thì trước QK4 (và sắp tới đây là Thể Công), BĐVN không thiếu những tiền lệ. Vẻ như người ta xem nhẹ các giá trị truyền thống trong bóng đá, khi một cái tên lạ hoắc đột ngột xuất hiện ở sàn diễn đỉnh cao, để rồi chẳng hề hấn gì, nếu họa may nó chết yểu. Thì đây mới là thách thức thực sự với nền bóng đá của chúng ta.

Công an Hà Nội chuyển thành Hàng không Việt Nam (2002 – 2003), trước khi ghép với LG.HN.ACB và bây giờ là HN.ACB – thuần thuộc quyền sở hữu của Chủ tịch Nguyễn Đức Kiên. Bao nhiêu lần thay đổi phiên hiệu là chừng ấy lần chất lượng đội bóng đi xuống. Công an TP.HCM chuyển thành Đông Á.TP (năm 2004), trước khi “sang” cho SĐT.LA, rồi bán về V.NB. Tất nhiên, đội bóng có gốc gác ngành Công an này đang đặt dưới quyền chỉ đạo của ông chủ Tập đoàn Xi măng The Vissai Ninh Bình. Một ngày nào đó, nếu ông chủ hết hứng, là tất cả có thể ra đường như chơi. Tương tự, QK7 và suất chơi hạng Nhì đượcc trao lại cho Công an Nhân dân với giá 100 triệu đồng, cách đây vài tháng. Nhưng đau nhất có lẽ phải là Cảng Sài Gòn. Đôi ba lần thay phiên hiệu, đội bóng không những đánh mất dần bản sắc hào hoa của Cảng trước đây, mà còn đi xuống trông thấy. Bằng chứng là TP.HCM sẽ phải chơi giải hạng Nhất 2010…

Đối với các đội bóng thuộc ngành Công an hoặc Quân đội, khi chuyển đổi phiên hiệu, những người có quân hàm Sỹ quan – Công an chuyên nghiệp (nôm na là “biên chế”), hoặc sẽ xin ở lại ngành, hoặc ra quân. Ngay cả khi được chấp thuận cho ra quân, về lý thuyết, cầu thủ sẽ đối diện với khả năng thất nghiệp. Cho đến thời điểm này, ngoài Huỳnh Đức (Công an TP.HCM trước đây), hiếm có trường hợp nào xin ra khỏi ngành, để tiếp tục đá bóng. Trên dưới 10 sỹ quan chuyên nghiệp của QK4, sau 1 năm biệt phái vào NaviBank Sài Gòn, sẽ phải hoạch định lại lộ trình, trong khi đó, có thông tin một số sỹ quan của Thể Công cũ, sẽ không chịu vào Thanh Hóa, nếu Viettel được chuyển giao cho xứ Thanh. Rắc rối chứ chẳng chơi!

Thảo Nguyên

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm