Paris và Zurich vào nhóm các thành phố đắt đỏ nhất thế giới

18/11/2020 14:00 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Tập đoàn nghiên cứu kinh tế toàn cầu (EIU) ngày 17/11, đã công bố báo cáo điều tra giá cả sinh hoạt thế giới năm 2020 cho biết cùng với Hong Kong (Trung Quốc), các thành phố Paris (Pháp) và Zurich (Thụy Sĩ) đã "soán ngôi" của Singapore và Osaka (Nhật Bản), trở thành nhóm các thành phố đắt đỏ nhất thế giới. Một trong những nguyên nhân thay đổi vị trí xếp hạng này được cho là tác động của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 khiến đồng USD suy yếu.

100 thành phố đắt đỏ nhất đối với người nước ngoài

100 thành phố đắt đỏ nhất đối với người nước ngoài

Ngày 13/6, tổ chức tư vấn quản lý quốc tế ECA International có trụ sở tại Anh công bố bảng xếp hạng những thành phố đắt đỏ nhất đối với người nước ngoài.

Theo bảng xếp hạng thành phố đắt đỏ của thế giới mới được EIU công bố, Singapore tụt xuống vị trí thứ 4, trong khi Osaka ở vị trí thứ 5 cùng với Tel Aviv (Israel).

New York (Mỹ) tụt từ vị trí thứ 6 xuống vị trí thứ 7, cùng với Geneva (Thụy Sĩ) trong khi Los Angeles (Mỹ) rơi xuống vị trí thứ 9 cùng với Copenhagen (Đan Mạch). Ngoài ra, Tehran (Iran) đang chịu các lệnh trừng phạt của Mỹ được đánh giá là thành phố có sự biến động giá cả lớn nhất khi tăng 27 bậc trong bảng xếp hạng.

Chú thích ảnh
Paris trở thành thành phố đắt đỏ nhất thế giới

Chuyên gia Upasana Dutt - trưởng nhóm điều tra, cho rằng tác động của đại dịch COVID-19 đối với đồng USD là nhân tố lớn nhất làm thay đổi vị trí trong bảng xếp hạng. Đại dịch đã khiến đồng USD suy yếu, trong khi đồng tiền của các nước Tây Âu và Bắc Á lại mạnh lên, làm thay đổi giá cả hàng hóa và dịch vụ giữa các khu vực.

Theo đó, việc đồng euro và đồng franc Thụy Sĩ tăng giá so với đồng USD, cũng như tình hình sụt giảm giá cả khá lớn tại Singapore và Osaka đã thúc đẩy hai thành phố của châu Âu leo lên vị trí hàng đầu bảng xếp hạng. Báo cáo cũng cho biết giá cả tại Singapore giảm mạnh là do làn sóng công nhân người nước ngoài rời đi khiến dân số nước này lần đầu tiên có sự sụt giảm kể từ năm 2003, kéo theo nhu cầu suy giảm và xuất hiện tình trạng giảm phát. Trong khi đó, Osaka cũng ở trong tình trạng tương tự khi giá cả tiêu dùng đóng băng, cộng thêm việc Chính phủ Nhật Bản trợ giá một số mặt hàng, dịch vụ.

Báo cáo cũng chỉ ra rằng đại dịch COVID-19 đã tác động đến thói quen tiêu dùng trên toàn cầu, điều này khiến giá cả các mặt hàng thiết yếu tăng mạnh hơn so với những thứ không thực sự cần thiết.

Thành Dương/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm