Ca sĩ Duyên Huyền: Chỉ chọn opera dù chưa… gặp thời

25/10/2011 13:35 GMT+7 | Âm nhạc

(TT&VH) - Trong đêm nhạc Toyota Classics 2011 sẽ diễn ra vào 20 giờ ngày 3/11 tại Nhà hát TP. HCM, cùng với sự trở lại của Dàn nhạc Giao hưởng Đông Bắc Đức, sự xuất hiện của cặp song tấu piano và violon Pamela Tan Nicholson, Vasko Vassilev, chương trình sẽ giới thiệu tới công chúng giọng soprano triển vọng của Việt Nam, ca sĩ Duyên Huyền.

Không nổi đình đám như khi thành danh ở Sao Mai, hay Sao Mai - Điểm hẹn, cái tên Duyên Huyền với giải Nhì cuộc thi hát Thính phòng nhạc kịch toàn quốc đủ để nhắc công chúng nhớ khi cô sẽ là nghệ sĩ duy nhất của Việt Nam tham gia Toyota Classics 2011.

1. Trong những năm đầu học tại Học viện Âm nhạc Quốc gia, Duyên Huyền không phải là một gương mặt quá nổi bật từ sắc vóc đến giọng hát. Thời gian đầu, việc học của Huyền còn khá vất vả với những lời chê nhiều hơn khen. Điều đó khiến cô có những lúc cảm thấy mất niềm tin ở bản thân song với tinh thần quyết tâm và nỗ lực không ngừng trong học tập, Huyền bật lên trong mắt thầy cô và bạn bè.

Duyên Huyền sinh ra trong một gia đình không theo nghệ thuật nhưng mẹ Huyền yêu ca hát và đã truyền lửa đam mê nghệ thuật cho con. Bản thân Huyền ngay từ nhỏ cũng đã thể hiện sự yêu thích ca hát.

Ca sĩ Duyên Huyền chọn con đường là nghệ sĩ độc lập (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Quyết định theo đuổi nghiệp “cầm ca”, nên hết cấp 3, Huyền “khăn gói” lên Hà Nội, ôn thi vào khoa Thanh nhạc - Nhạc viện Hà Nội. Với quyết định này, lúc đầu, Huyền cũng chỉ nhận được sự ủng hộ từ phía mẹ, chứ bố thì không thích tí nào. Nhưng vì Huyền rất quyết tâm nên bố cũng đành phải đồng ý.

Những ngày đầu, với một chiếc xe đạp lọc cọc, hằng tuần Huyền đã miệt mài đến trường ôn thi với giảng viên Phương Lan. Huyền nói, mới đầu lên Hà Nội thì cũng háo hức để thi vào trường lắm, nhưng đến lúc ôn thi mới biết khó khăn thế nào. Những buổi đầu, cô Phương Lan đều than thở “học thế này thì thi thế nào?” nên Huyền nản lòng và hoang mang lắm. Vì thế, trước khi thi, Huyền chỉ xác định “thi cho biết”. Vậy mà đỗ luôn lần đầu. Điều đó khiến Huyền sướng rơn. Nhưng vào học rồi, Huyền vẫn chưa hết khó khăn bởi các thầy cô đều chê giọng hát của Huyền nhỏ quá, chẳng thoát gì cả. Một lần nữa, Huyền lại thấy bế tắc với tương lai của mình. Một kỷ niệm không thể nào quên, đó là khi Huyền được cô Phương Lan cho học bài Ru con của Brahms. Đến lúc ấy Huyền mới “vỡ giọng” và trở thành một người khác hẳn.

2. Huyền bảo thật may mắn vì mình có hai người thầy chuyên môn đều là những giảng viên rất tâm huyết với học sinh, họ luôn động viên, ủng hộ cũng như tiếp bước cho con đường mà Huyền đang đi. Cô Phương Lan là giảng viên đầu tiên đã dìu dắt Huyền từ ngày còn ôn thi đến hết 4 năm trung cấp. Những năm học cô Phương Lan là cả một quãng thời gian dài Huyền phải trải qua nhiều khó khăn trong học tập, nhất là về việc chuyển giọng, vỡ tiếng.

NSND Trung Kiên cũng là một người thầy tuyệt vời đối với Huyền. Điều Huyền luôn nhớ về thầy Kiên là học thầy thì phải luôn sáng tạo, vận động và chăm chỉ. Được tham gia vào chương trình Toyota Classics lần này cũng chính là cơ hội mà thầy Trung Kiên dành cho Huyền. NSND Trung Kiên nói với Huyền “đây là một cơ hội để em mở ra những cơ hội khác. Vì thế, có nắm bắt được hay không là ở em”. Bên cạnh đó, thầy đã dạy cho Huyền từ cách xử lý bài, luyện tập, thể hiện để Huyền có thể có một đêm diễn thật tốt.

Trong đêm nhạc cổ điển Toyota 2011 lần thứ 14 sẽ diễn ra vào 3/11 tới, Huyền sẽ trình bày trích đoạn của hai vở nhạc kịch là Aria Una donna a quindici anni ( Thiếu nữ tuổi 15) – trích vở nhạc kịch Cosi Fan Tutte của Mozart và Aria La petenera – một thể loại dân ca Tây Ban Nha, trích trong vở nhạc kịch La Marchenera của Morreno Torroba. Huyền cho biết, đây không phải là lần đầu tiên tham gia một chương trình cùng với những nghệ sĩ nước ngoài và cũng không phải lần đầu tiên Huyền thể hiện tác phẩm này. Nhưng để chuẩn bị cho một chương trình lớn như Toyota Classics 2011, Huyền vẫn phải đầu tư khá nhiều thời gian cho việc luyện tập hơn nữa. Và trong thời gian chờ đợi dàn nhạc Dàn nhạc Giao hưởng Đông Bắc Đức cùng các nghệ sĩ sang Việt Nam, Huyền đang tự luyện tập phần biểu diễn của mình.

Là một giọng soprano đầy triển vọng của Học viện Âm nhạc quốc gia, Huyền đã có cơ hội tham gia những lớp master của các giáo sư đến từ Bulgaria. Năm 2006, Huyền tham gia vở nhạc kịch Cây sáo thần trong lần đầu tiên công diễn tại Việt Nam. Năm 2009 là năm đánh dấu một bước trưởng thành trong sự nghiệp đối với Huyền khi cô đoạt giải Nhì trong cuộc thi hát thính phòng nhạc kịch và được nhận học bổng từ Quỹ Hỗ trợ tài năng trẻ của Toyota. Nếu trước đây, khi các bạn vừa học, vừa làm thêm bằng việc đi hát ở ngoài thì Huyền chỉ có học. Có ai rủ cô đi chạy “sô” dù là hát nhạc chính ca thì Huyền vẫn từ chối. Cô bảo lúc đó, mình chưa có gì trong tay nên việc học phải là hàng đầu. Nhưng khi “có gì” một chút, nhiều người hỏi Huyền sao không tham gia các cuộc thi ca hát khác như Sao Mai thì Huyền bảo cô chỉ theo đuổi một thể loại là opera thôi nên có lẽ cuộc thi hát thính phòng nhạc kịch là phù hợp nhất để tham gia và Huyền đã thi, đã tự khẳng định bản thân được phần nào.

Tất nhiên, nói như vậy không có nghĩa Huyền “dừng cuộc chơi” chỉ với một cuộc thi, một giải thưởng vì để theo đuổi nghệ thuật thì có nhiều cách và làm cả đời cũng không hết. Huyền cũng biết khi nghệ thuật opera ở Việt Nam chưa phải là “một món ăn thịnh hành, phổ biến” thì nghề của mình chỉ có thời và để duy trì sự nghiệp lâu dài, cô đang ấp ủ mở một trung tâm dạy nhạc trong nay mai. Một người cởi mở, hướng ngoại, thích bay nhảy như Huyền đã không chọn con đường vào một đoàn nghệ thuật nào đó để làm việc dù cũng đã có những lời mời vì cô muốn là một nghệ sĩ hoạt động độc lập hơn.

Ngọc Minh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm