TT&VH và những người bạn

25/08/2012 08:12 GMT+7 | Văn hoá


(TT&VH Cuối tuần) - Nhà sử học Dương Trung Quốc: Sự kết hợp không dễ có

Thẳng thắn và chân thành, tôi muốn gửi một lời cảm ơn tới TT&VH vì sự tồn tại của nó suốt 30 năm qua. Như ai cũng biết, TT&VH xuất hiện lần đầu dưới hình thức một bản tin bóng đá. Và, bắt nhịp ngay với xã hội trong thời điểm mà nhu cầu về thông tin của độc giả đang ngày một cao hơn, tờ báo đã để lại dấu ấn rất rõ, rất riêng từ những đặc thù của mình.

Có lẽ, trong đời sống báo chí từ trước tới nay, hiếm có sự kết hợp độc đáo nào giữa hai lĩnh vực một “nóng”, một “lạnh” như TT&VH. Tôi nghĩ, nhờ cách tư duy khéo léo, TT&VH đã lựa chọn và kết nối một cách biện chứng hai “món ăn” - hai nhu cầu cơ bản của độc giả dù ở giai đoạn nào. Bởi, bên cạnh yếu tố thông tin, đặc trưng của tờ báo là việc tiếp cận vấn đề với một hàm lượng văn hóa khá cao. Nếu có sự so sánh vui thì những chuyên mục bóng đá của TT&VH là câu chuyện về “văn hóa bóng đá”, còn những chuyên mục văn hóa lại vẫn đầy ắp tính thời sự, tính cạnh tranh và tinh thần vươn lên - điều luôn phải có ở mọi bộ môn thể thao.

Là một người nghiên cứu văn hóa và đồng thời cũng là một fan hâm mộ trái bóng tròn, tôi luôn đánh giá rất cao các loạt chuyên đề mà TT&VH từng thực hiện. Những chùm bài viết này được biên soạn vừa phải, không quá sâu về kiến thức chuyên môn nhưng luôn giúp người đọc đại chúng dễ nắm bắt vấn đề và từng bước nâng cao được kiến thức cơ bản của mình. Cá nhân tôi vẫn nhớ tới lần xuất hiện trên TT&VH trong loạt bài Những câu chuyện về Hà Nội được thực hiện vào cuối thập niên 90 của thế kỷ trước. Đó là sáng kiến của nhà báo Nguyễn Lưu, khi anh chọn tôi làm người đối thoại và cùng chia sẻ suy nghĩ về văn hóa Hà Nội - một chủ đề mà cả hai quan tâm.

Đến giờ, khi hàng loạt loại hình thông tin cùng bùng nổ, nhiều tờ báo luôn lấy sự thay đổi trong thị hiếu và nhu cầu của độc giả để làm thước đo cho mình. Còn với TT&VH, việc giữ nguyên sự lựa chọn đã được khẳng định trong 30 năm qua là một điều tích cực. Nếu có gì để góp ý, tôi chỉ thấy TT&VH chưa chú trọng tới việc tạo nên những diễn đàn tranh luận về các loạt vấn đề mà tờ báo nêu ra. Có lẽ, điều này cũng bắt nguồn ngay từ đặc trưng riêng của các bạn: trầm tĩnh và luôn điềm đạm.

Nhà nghiên cứu văn học Lại Nguyên Ân: Cơ duyên 30 năm cùng TT&VH

Ngay từ năm 1982, khi Tin nhanh Espana ra đời, tôi đã là một trong những độc giả nhiệt thành. Cho đến bây giờ tôi vẫn chưa quên những buổi sáng sớm phóng xe đạp đến trụ sở Thông tấn xã Việt Nam ở đầu đường Lý Thường Kiệt mua và đọc tại chỗ những tin tức nóng hổi của kỳ World Cup đang diễn ra ở Tây Ban Nha. 

Đến khi xuất hiện tờ Văn hóa Thể thao Quốc tế, tờ báo thể thao của Thông tấn xã Việt Nam trở nên thú vị hơn trong mắt tôi, là vì nhiều hiện tượng, nhân vật, tác phẩm và vấn đề văn hóa nước ngoài được thông tin trên đó. Cho đến giờ tôi vẫn nhớ ấn tượng của mình khi có dịp đọc loạt bài viết về các ban nhạc trẻ quốc tế trên Văn hóa Thể thao Quốc tế khi ấy. Xin nhớ rằng, trong điều kiện của Việt Nam tính đến lúc ấy, những hiện tượng như ban nhạc Beatles, hay các loại rock’n’roll, blue, jazz,... còn đang là điều khá xa lạ trong thông tin đại chúng. Không có gì ngạc nhiên khi tờ báo này thu hút được sự chú ý của phần đông người đọc.

Dần dần, sau một thời gian ngắn, tôi có dịp quen với 2 biên tập viên chính của Văn hóa Thể thao Quốc tế  là hai anh Hữu Vinh và Hà Vinh. Các anh đề nghị tôi và Vương Trí Nhàn cùng cộng tác với báo trong các chuyên mục về văn hóa. Việc trở thành cộng tác viên của TT&VH bắt đầu từ đó và kéo dài cho tới tận bây giờ.

Còn nhớ, bài viết đầu tiên của tôi cho TT&VH hình như lại liên quan tới lĩnh vực thể thao. Đó là quãng thời gian năm 1983, tôi đang là biên tập viên của NXB Tác phẩm mới, có nhiệm vụ tiếp xúc với GS Đặng Thai Mai để chuẩn bị cho cuốn hồi ký về thời thanh niên của học giả này. Một lần, cụ Mai kể tôi nghe việc mình từng tham gia đội bóng trường Trung học Vinh vào những năm 1920, hiện còn giữ được bức ảnh chụp đội bóng, trong đó cạnh học trò Đặng Thai Mai còn có Tôn Quang Phiệt, Hoàng Xuân Hãn. Tôi đã nhờ một phóng viên của Báo Ảnh Việt Nam chụp lại số ảnh tư liệu của cụ để in vào cuốn hồi ký, riêng bức ảnh đội bóng học trò thành Vinh, tôi đã đưa đăng TT&VH cạnh bài của tôi viết về câu chuyện này.

Sau mấy năm viết tương đối đều cho TT&VH, tôi và Vương Trí Nhàn, nhất là Vương Trí Nhàn, được hai anh Hữu Vinh, Hà Vinh và các bạn biên tập phần văn hóa của tòa soạn TT&VH coi gần như “người nhà”, thường không chỉ mời viết bài đều đặn, mà còn thường xuyên tham khảo ý kiến bọn tôi về các vấn đề cần đề cập trên các trang văn hóa của tờ báo.

Cộng tác với TT&VH, tôi nhận ra cần viết trên tờ này với một giọng văn khác với giọng văn mình vẫn viết trong các bài phê bình, nghiên cứu, là vì đây là nơi để trò chuyện với bạn đọc phổ thông, dù việc bàn đến vẫn là những vấn đề văn hóa nghiêm túc.

Có thể, chính là do cộng tác với TT&VH mà chúng tôi - đây là nói trường hợp tôi và Vương Trí Nhàn - đã tạo ra và dần dần định hình được ngòi bút mình trong thể tạp văn, với một phong cách viết mới, bên cạnh phong cách viết quen thuộc của mình trong nghiên cứu, lý luận. Đó là những bài viết về đời sống văn học, về các vấn đề văn hóa cơ bản nhưng lại cần sự sống động, dành cho đại đa số độc giả chứ không dày đặc những thuật ngữ bó hẹp trong lĩnh vực chuyên ngành.

Với tôi, cho đến hiện giờ, TT&VH vẫn là một trong những tờ báo gắn bó và thân thiết nhất. Và, ở tuổi gần 70, tôi vẫn cộng tác với TT&VH, dù không còn được nhiều và nhanh như thời còn sung sức trước kia.

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn: TT&VH - duyên kỳ ngộ với Mỹ thuật Việt

Đó là những ngày tháng sôi động nhất, quyết liệt nhất trong thập kỷ bản lề của nền mỹ thuật Việt Nam những năm 1980. Một thập kỷ nhiều tín hiệu vui khi mỹ thuật đi trước Đổi mới và Mở cửa, sự tự do sáng tạo cá nhân phải là đương nhiên và những giá trị bị khuất lấp (Sáng, Nghiêm, Liên, Phái) được thừa nhận. Con mắt tinh đời của TT&VH âu cũng là duyên kỳ ngộ từ kiếp nào với mỹ thuật Việt hiện đại.

Đậm nhất, vui nhất, nhớ nhất là cùng nhau trong cuộc khi Ban biên tập triển khai ý tưởng mới, mở trang chuyên đề hàng tháng cho văn học, mỹ thuật, âm nhạc, điện ảnh, sân khấu… Khởi thảo cho một cách nhìn, một cách làm sử về một thế kỷ mỹ thuật Việt Nam cũng bắt đầu từ đây với các chuyên mục: Vấn đề của mỹ thuật, Tác giả Tác phẩm, Xem tranh, Bàn tròn, Đối thoại ngắn hay Mỗi tuần một chân dung… Nhóm bếp núc biên tập bài vở và thường xuyên tác chiến ngày ấy có Nguyễn Quân, Phan Cẩm Thượng, Nguyễn Xuân Tiệp và tôi. Cùng chúng tôi trên từng cây số vui buồn với đồng nghiệp nhiều thế hệ (và đâu phải lúc nào cũng xuôi chèo mát mái) còn có nhà nghiên cứu và phê bình mỹ thuật Thái Bá Vân - người tận tụy dâng mình cho nghệ thuật đến những phút cuối đời.

Ấy là chẳng bao giờ bị “phụ tình” phải gác bút khi Ban biên tập TT&VH chịu rất nhiều áp lực từ một vài tiếng nói “phê bình tìm diệt” giở những ngón đòn cũ quy chụp người viết về quan điểm lập trường chính trị. Chính sự nhìn nhận chuẩn xác, công tâm, dám chịu trách nhiệm về chính kiến nghệ thuật của Ban biên tập đã tạo ra không gian mở và sự công bằng để bức tranh toàn cảnh của văn nghệ Việt Nam lộ diện chân thực. Người viết chính danh gọi tên được ai là ai trong thời tiết khó chiều của nghệ thuật buổi giao thời và chuyển kênh thế hệ.

Tôi vẫn thích những trang chuyên đề đậm chất học thuật. Dĩ nhiên, đó là không gian hẹp, khó phổ cập rộng rãi tới bạn đọc. Nhưng dường như những gì cần phải nói ra đã được nói ra (cho dù chưa hết và chưa đủ) trong những năm tháng cuối cùng của thế kỷ trước. Nhưng trên hết, tôi mừng nhất là với ba thập kỷ duyên phận cùng TT&VH, vị thế ba ông Tam Đa: Thái Bá Vân, Nguyễn Quân và Phan Cẩm Thượng được xác lập và đặt vào chính sử của nền mỹ thuật Việt hiện đại như một sự thật hiển nhiên không ai có thể phủ nhận được.

Bây giờ, TT&VH đồng hành, cập nhật hàng ngày đời sống văn học nghệ thuật. Thông tin về nghệ sĩ và nghệ thuật đến với bạn đọc nhanh hơn, giúp cho sự phản hồi trong giây khắc của công luận cũng sòng phẳng và trực diện hơn. Và trong thập niên thứ hai của thế kỷ mới liệu có tiềm ẩn sứ mệnh đẹp đẽ của thập kỷ bản lề như đã từng có trước đây? Câu hỏi thú vị này của TT&VH phải chăng cũng đang lặng lẽ đồng hành cùng tôi và bạn khi chứng kiến sự thay đổi nhanh từ các nhánh rẽ đa chiều của nghệ thuật?

Nhà văn Phan Thị Vàng Anh: Lúc nào tôi cũng nhớ cái ơn này…

Lâu quá rồi nên tôi không nhớ kỹ được nữa, nhưng hình như bài đầu tiên tôi gửi cho TT&VH là cho chị Thu Hồng (Trưởng đại diện phía Nam khi ấy), rồi từng bài sau đó đều có phản hồi rất nhanh trước khi in của anh Hải (TBT Bùi Ngọc Hải), và sau này là anh Thái (TBT Ngô Hà Thái).

Ngày ấy (khoảng những năm 2002-2003) làm việc rất thích. Thậm chí có những bài mà đề bài là do các anh chị “nghĩ hộ”, thí dụ một hôm anh Hải gọi điện, bảo anh thấy dưới đường kia “bọn nó” đào đường ghê quá, em viết một bài đi. Thế là tôi viết Nhật ký gã đào đường. Chị Hồng cũng vậy, cũng có lúc đặt đề bài cho tôi viết, những thứ mà chị thấy chướng ngoài xã hội…

Hồi đó mỗi tuần đều phải có bài, phải gửi trước một, hai ngày để các anh chị duyệt. Cần sửa gì thì các anh chị đều trao đổi kỹ càng, nhiều khi chỉ cần sửa vài chữ là bài đỡ nặng nề, tiêu cực.

Về sau, một phần do công việc ở cơ quan của tôi bận bịu, phần vì viết mãi rồi cũng… khó, nhất là phải viết cho vui, nên tôi ngừng lại.

Thời gian làm việc với báo TT&VH tuy không dài, nhưng tôi rất thích, đầu tiên là thấy mình có ích đối với xã hội, sau là được làm việc trong không khí vừa tự do, vừa được tôn trọng, với những người có chuyên môn cao trong ngành.

Quả thực, nếu TT&VH không mở mục cho tôi và trân trọng bài vở như thế, tôi đã không viết được chùm bài ký tên Thảo Hảo. Tôi không có được phẩm chất “tự động viết” như nhiều nhà văn khác, cứ phải có người giục mới viết… Vì thế lúc nào tôi cũng nhớ cái ơn này, cũng như sau này với tờ Người Đại biểu Nhân dân, nơi cho tôi được làm việc và đóng góp cho xã hội ở một hình thức khá.

Nhà báo Phạm Thanh Hà: 18 năm luôn giữ mục cho TT&VH

Dạo ấy, quãng năm 1995-1996  ở Hà Nội có một câu lạc bộ nhà báo viết về văn hóa. Anh Ngô Hà Thái biết tôi và ban đầu đặt viết một hai bài, sau đó, TT&VH bắt đầu làm những trang chuyên đề. Tôi nhận lời tổ chức trang Kiến trúc. Tôi làm những trang kiến trúc đầu tiên của TT&VH, kể từ đó đến nay, mười bảy mười tám năm rồi, chưa bao giờ thoát được việc giữ một trang hay một chuyên mục cố định nào đấy trên tờ TT&VH Cuối tuần, có khi không phải một mà là hai chuyên mục. Chẳng biết là duyên hay nợ nữa!!!


Chuyên mục mà tôi đã giữ? Thì đấy, đầu tiên là trang Kiến trúc trong tháng. Sau trang Kiến trúc là Nhật ký Remote;  Muôn màu cuộc sống; Văn hóa toàn cảnh, Clip 5’, bây giờ đang là Chuyện vỉa hè..., có thể sang năm nếu tôi còn giữ chuyên mục thì lại có một tên khác. Hầu như tên mỗi chuyên mục tôi đều tự nghĩ ra, bởi tôi tự dựng lên câu chuyện của mình mỗi tuần, và nói như anh Ngô Hà Thái lúc đầu hay Phạm Thị Thu Thủy bây giờ (những “chủ nợ” mỗi tuần đốc thúc tôi ít nhất một lần) thì tôi “thích làm gì thì làm”.

Có lúc tự tôi chán, như với Nhật ký Remote, viết lâu quá một giọng không chịu được, muốn bỏ chuyên mục, các “chủ nợ” ấy lại dỗ dành mình vay khoản khác. Tôi lại cố làm mới mình, chẳng hạn sau Nhật ký Remote tôi trở thành Bàn phím của Văn hóa toàn cảnh. Nhưng cũng có chuyên mục vì bận  rộn quá, mệt mỏi quá... tôi mới chịu dứt hẳn, như Muôn màu cuộc sống, tôi rất yêu chuyên mục ấy, nhưng tôi bị phân tán  vào nhiều công việc quá nên không tập trung cho nó được. Hy vọng một ngày nào đó tôi lại được thư thả để quay lại viết cho Muôn màu cuộc sống. Được cái, sau khi dựng nó lên, chuyên mục ấy trở thành của nhiều người, thế mới phong phú được, tôi không phải canh cánh cả tuần để gửi bài đúng hẹn.

Một tuần nhanh lắm, có những tuần nhạt thếch chẳng có gì mà nói, nhưng đã là chuyên mục thì không được bỏ. Một lượng chữ nhất định, một trang đánh số cố định, mấy chuyện nhỏ nhặt đó mà với người yêu thích sự trôi chảy của cuộc sống như tôi có khi như cực hình... Tôi chỉ biết rõ một điều rằng tôi là người giữ chuyên mục có trách nhiệm, ngay cả khi tưởng chừng không thể, tôi vẫn giữ hẹn và cố gắng nhất có thể để chuyên mục của mình không phải là một cái gì đó vô nghĩa giống như môt dự án chiếm đất rồi bỏ cho chữ nghĩa như cỏ mọc hoang trên trang báo của TT&VH hàng tuần.

Sắp hai chục năm là cộng tác viên thường xuyên, bạn hỏi kỷ niệm thì khó kể lắm. Tôi cũng không thích kể kỷ niệm. Tôi như đã là người nhà của TT&VH nên kể lể tình nghĩa là không cần nếu như người ta vẫn đang ở gần nhau hoặc đi bên nhau.

Từ cái cách mà TT&VH giao cho những nhà báo trong và ngoài tòa soạn (như tôi) những trang, những chuyên mục để họ có thể viết một cách tự do và luôn đổi mới nên chẳng ngạc nhiên nếu TT&VH luôn có một nội dung sinh động, tôi cảm thấy mỗi số báo đều tràn đầy sự tôn trọng bạn đọc, tôi  thích mọi chuyên mục trên trang văn hóa vì nó nghiêm túc, chuyên nghiệp, đầy cá tính. Còn thể thao là thế mạnh lớn nhất của cả tờ báo thì không cần phải nói nữa. Tôi chẳng góp ý kiến gì, chỉ mong tờ báo này cứ thế mà đứng vững được, tồn tại được trong thời báo chí đầy hỗn loạn hiện nay.

Danh thủ Đặng Gia Mẫn: “Giữ những bài viết của TT&VH về gia đình mình”

Nếu mà để nói về TT&VH, chắc phải có một cuộc hẹn, ngồi nói dài, có chuẩn bị trước thì tôi mới nói được. TT&VH luôn là tờ báo thân thuộc, gắn bó với gia đình tôi, các bài viết về Phương Nam hay Thanh Phương tôi vẫn lưu giữ đủ, giờ tìm lại cũng khó vì nhiều báo quá.


Tôi vẫn thường xuyên đọc TT&VH, như một thói quen. Thỉnh thoảng tôi cũng có cộng tác, hoặc có phát biểu ý kiến trên báo của các bạn. TT&VH đơn giản như một người bạn, một món ăn tinh thần.

P.V

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm