V-League và những “chuyện lạ”

28/04/2013 15:33 GMT+7 | V-League

(Thethaovanhoa.vn) - Theo Nghị quyết số 17/NQ-ĐHĐCĐ của Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlong Bank) do ông Trần Phát Minh, thành viên HĐQT Ngân hàng TMCP Kiên Long, ký vào ngày 26/4/2013 vừa qua, tại Đại hội Cổ đông thường niên lần thứ 17 năm 2013 của Kienlong Bank, ông Võ Quốc Thắng đã được bầu làm Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Kiên Long nhiệm kỳ 2013-2017.

K.KG đã rồi sẽ thi đấu ra sao với ĐT.LA, một đội bóng khác của bầu Thắng. Ảnh: Dương Thu

1. Như vậy, ngoài các chức danh như Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng GĐ Cty CP Đồng Tâm, Chủ tịch HĐQT VPF, Chủ tịch CLB ĐT.LA, ông Thắng nay có thêm một chức danh mới. Sẽ không có gì đáng nói nếu như Ngân hàng TMCP Kiên Long đang là nhà tài trợ chính của Kienlong Bank Kiên Giang (K.KG), đội bóng hiện thi đấu ở V-League 2013 cùng CLB ĐT.LA của ông Thắng.

Một khi đã trở thành Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Kiên Long thì dĩ nhiên ông Thắng cũng sẽ có sự liên quan trực tiếp tới CLB K.KG, và xét về lý thuyết thì V-League 2013 đã có thêm trường hợp “một ông chủ 2 đội bóng” thứ 2, sau trường hợp của bầu Hiển với HN.T&T và SHB.ĐN.

Trước đây, khi VPF mới ra đời, ông Thắng và một số ông bầu bóng đá khác trong chân trong ban lãnh đạo VPF đã bị chỉ trích về tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”, tức là các ông bầu này vừa giữ vai trò lãnh đạo VPF, đơn vị điều hành và quản lý các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, nhưng đồng thời họ cũng vẫn duy trì chức danh Chủ tịch tại CLB của mình.

Điều này đã tạo ra sự thắc mắc về tính công bằng và trung thực của giải đấu, bởi không loại trừ khả năng sẽ có tình trạng phân biệt đối xử giữa một đội bóng có ông bầu đang là lãnh đạo VPF với một đội bóng thuộc diện “thân cô thế cô”.

2. Tháng 7 năm ngoái, khi trò chuyện với TT&VH, ông Lê Hùng Dũng, Phó Chủ tịch VFF kiêm Phó Chủ tịch HĐQT VPF, đã nói: “Các ông bầu nên rút khỏi VPF”. Theo ông Lê Hùng Dũng, dù việc thành lập VPF là một lựa chọn đúng mang tính tất yếu của bóng đá Việt Nam, nhưng để đảm bảo tính khách quan, VPF cần có sự thay đổi.

“Thực tế là trước khi VPF được thành lập, dư luận luôn chỉ trích VFF vì để xảy ra nhiều sự cố. Nhưng hiện nay thì sao? Cầu thủ đá bạo lực, trọng tài mắc sai sót…, rồi chuyện nhường điểm giữa các CLB, tôi biết BTC nghi ngờ, nhưng có giải quyết, ngăn chặn được không”, ông Dũng đặt vấn đề.

Giải pháp mà Phó Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng đưa ra là các ông bầu nên rút khỏi VPF. “Có thể các ông bầu công tâm và vô tư, nhưng không tránh khỏi dư luận sẽ nghi ngờ, nhất là khi xảy ra sự cố. Người ngoài nhìn vào người ta cũng có thể bảo là các anh “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, ông Dũng nói.

3. Từ góc nhìn của một nhà quản lý bóng đá như ông Dũng thì như thế, còn với ông Hoàng Mạnh Trường, ông bầu của CLB V.NB, thì các ông bầu đang có đội bóng tham dự V-League và giải hạng Nhất cũng nên rút lui khỏi vị trí lãnh đạo trong bộ máy VPF.

Trả lời phỏng vấn TT&VH hồi tháng 10 năm ngoái, bầu Trường cho biết: “Nếu các ông bầu còn tham gia điều hành giải, rất khó để có được sự thành công và minh bạch. Không minh bạch ở đây, là việc có thể các trọng tài và giám sát sẽ có tư tưởng nương tay những đội bóng của bầu Thắng (ĐT.LA), bầu Đức (HAGL),… bởi họ là những người có tiếng nói quan trọng trong việc điều hành giải đấu.

Vậy nên từ khi VPF bắt tay vào điều hành giải, tự tôi đã đặt ra rất nhiều câu hỏi và cho tới thời điểm này, tôi cũng đã nhận được một số câu trả lời. Ngoài những vấn đề về công tác trọng tài như trên, ngay cả trong những việc như khiếu nại, kiện cáo, những đội bóng không có ông chủ điều hành ở VPF luôn bị chịu thiệt.

Trong khi đó, ngược lại, nếu những khiếu kiện của các ông bầu ở VPF luôn được quan tâm và xử lý rất nhanh, vậy nên nó đã và đang gây bất bình cho các đội bóng “thấp cổ bé họng”. Trong mỗi cuộc chơi, luôn cần có sự tôn trọng và bình đẳng, vậy nên tôi muốn các ông bầu đang ngồi ở VPF nên rút hết”.

Một năm đã trôi qua kể từ khi VPF ra đời và tham gia vào đời sống bóng đá Việt Nam, nhưng tình trạng “một ông chủ 2 đội bóng” thì vẫn y nguyên. Không những thế, các ông bầu đang giữ cương vị lãnh đạo VPF còn góp phần tạo thêm một “đặc sản” nữa cho V-League là “vừa đá bóng vừa thổi còi”, và mới đây nhất, V-League 2013 đã chào đón trường hợp “một ông chủ 2 đội bóng” thứ 2, mà tác giả lại là ông Chủ tịch HĐQT VPF!

Mai An
Thể thao & Văn hóa

Ông Võ Quốc Thắng: “Hãy tin vào sự công tâm của tôi”

Việc tôi làm Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Kiên Long không liên quan gì tới đội bóng K.KG. Ngân hàng Kiên Long chỉ là một đơn vị của Công ty cổ phần bóng đá Kiên Giang, không đóng vai trò gì trong việc điều hành đội. CLB cho chúng tôi gắn tên vào tên CLB, gắn thương hiệu trên áo thì chúng tôi ký hợp đồng tài trợ.

Chỉ đơn giản thế thôi. Nếu cả hai bên không hài lòng thì có thể năm sau chúng tôi sẽ không còn là nhà tài trợ nữa. Ngân hàng Kiên Long vẫn đang thực hiện đúng hợp đồng, mỗi tháng chuyển vào tài khoản của đội bóng đá hơn 1 tỉ đồng, chuyển hàng tháng cho đến hết 20 tỉ trong một năm. Hãy cứ yên tâm vào sự công tâm của tôi. Cả hai CLB ĐT.LA và K.KG đều đang phát triển theo hướng phải có ít nhất 5 nhà tài trợ mà chuyên gia người Nhật Tanabe đã tư vấn cho chúng tôi.

Ông Bùi Văn Đức - Ủy viên BCH VFF, Ủy viên HĐQT VPF, Phó Tổng giám đốc Becamex IDC: “Anh Thắng đang ngụy biện”

Anh Thắng là đương kim Chủ tịch VPF mà nói thế thì tôi thấy vô lý quá. Nói thế khác nào ngụy biện. Nói thế chỉ có những người mù luật họ mới nghe thôi. Đã là tài trợ thì là tài trợ. Anh có thể có 5-10 nhà tài trợ thì mặc kệ anh nhưng nhà tài trợ đó một khi đã tài trợ đội A thì không được tài trợ đội B. Long An cũng thế mà Kiên Giang cũng thế, không thể vòng vo. Người khác vi phạm còn tạm lấp liếm nhưng ông Chủ tịch VPF mà làm vậy thì biết nói ai được nữa. Đừng lấy một nửa sự thật của bóng đá Nhật ra để che giấu cái sai của mình.


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm