'Vỡ sân', vỡ ra nhiều điều về bóng đá Việt Nam

07/01/2015 13:32 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Đại diện rất nhiều các đội bóng đã và đang chờ đợi một án phạt dành cho BTC trận đấu giữa HA.GL và S.Khánh Hoà BVN (vòng 1 Toyota V-League 2015) sau sự cố để khán giả tràn xuống đường piste. Vài chục (hay thậm chí cả trăm) triệu đồng tiền phạt (nếu phải chịu) hoàn toàn không phải là tổn thất quá lớn với đội bóng phố núi, nhưng trong tình huống xấu hơn, nếu sân Pleiku bị treo thì lại là câu chuyện khác liên quan đến cái uy của bầu Đức, đương kim Phó Chủ tịch VFF. Cuộc chơi nào cũng có luật lệ và cần được tuân thủ, ngay cả với những trường hợp vi phạm lần đầu.

Chưa bao giờ, kể từ lần cuối cùng HA.GL đăng quang ở V-League 2004 và từ khi SVĐ mới Pleiku khánh thành, người hâm mộ lại kéo đến sân đông như thế trong một trận đấu của đội chủ nhà. Và vì thế, ở một góc độ nào đó, sự cố "vỡ sân" chiều Chủ nhật vừa qua, còn là một tín hiệu đáng mừng cho giải đấu và cho nền bóng đá?!

“Tiểu Emirates” cũng tát nước… theo mưa

Khởi công từ năm 2008, với tổng kinh phí xây dựng được cho là 60 tỷ đồng (theo Báo Thanh Niên), SVĐ Pleiku mới khánh thành năm 2010 và được ví như “tiểu Emirates” của Arsenal, đội bóng có mối quan hệ khá thân thiết với HA.GL thông qua kế hoạch hợp tác mở Học viện bóng đá HA.GL Arsenal JMG. Sân bóng với sức chứa 10.000 chỗ ngồi đầy đủ mái che và các phòng chức năng, thoạt nhìn rất hiện đại, hứa hẹn sẽ là pháo đài bất khả chiến bại của HA.GL. Tuy nhiên…

Có lẽ ít người biết rằng đây không phải lần đầu tiên sân bóng được cho là hiện đại nhất nhì Việt Nam (sau Mỹ Đình) bị vỡ và phải nghĩ cách khắc phục sự cố. Ở trận chung kết giải U21 quốc tế - Cúp Báo Thanh Niên 2011 giữa chủ nhà U21 Việt Nam và U21 Iran (ngày 4/10), sân Pleiku cũng từng rơi vào trạng thái quá tải. Không chỉ mỗi khán giả mà rất nhiều phóng viên tác nghiệp tại giải đã không thể tìm được đường vào sân và không có chỗ ngồi, sau khi các khán đài bị lèn kín bởi hơn một vạn người.

Nhưng, sự bị động của BTC sân không chỉ nằm ở khâu phát hành và kiểm soát vé cũng như chỗ ngồi. Do ảnh hưởng từ cơn mưa nặng hạt kéo dài nhiều ngày, mặt sân trở thành cái hồ chứa nước và người ta đã phải dùng tất cả các dụng cụ đơn giản nhất như gáo, gầu, xô, chậu, để… múc nước đổ đi. Một hình ảnh trông rất buồn cười! Trước đó, cũng vì lý do này, trận bán kết giữa U21 Báo Thanh Niên và U21 Thái Lan đã bị chậm lại chừng 15 phút, chờ trời ngớt mưa và BTC sân khắc phục mặt cỏ.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, dù 4 khán đài và các phòng chức năng sân Pleiku đã được làm mới, nhưng riêng mặt sân vẫn là nền đất cũ được lu lại và sử dụng loại cỏ gừng, vốn cực kỳ dễ trồng và dễ vá. Hệ thống thoát nước của “tiểu Emirates” cũng có vấn đề, khi mặt sân Pleiku vốn dĩ đã thấp hơn mặt các trục đường bao quanh sân là Quang Trung và Nguyễn Du, trong khi sân bóng này lại không sẵn máy hút nước công suất lớn.

Và sự bất cập mang tên V-League

Trong kế hoạch chuẩn hoá các CLB chuyên nghiệp, BTC các giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia Việt Nam (VPF) đã yêu cầu 14 CLB thuộc V-League phải đáp ứng đầy đủ hệ thống sân bóng thi đấu có dàn đèn công suất lớn. Cũng vì lý do này, mà BTC sân Cẩm Phả (Quảng Ninh) rồi BTC sân Đồng Nai… đã phải vắt chân lên cổ lo cho xong dàn đèn để được dự V-League trên sân nhà, thay vì phải đá sân trung lập. Nhưng dàn đèn được xây dựng với kinh phí hàng chục tỷ đồng không phải lúc nào cũng được sử dụng đúng mục đích.

Theo lịch thi đấu hiện hành, không ít các đội bóng như Đồng Tháp, SLNA, XSKT.Cần Thơ… chủ động xin BTC thi đấu lúc 16h00 và 16h30, thay vì giờ chuẩn là 17h00. Ở các mùa giải trước, bóng thậm chí vẫn lăn từ lúc 15h30. Nhiều ý kiến cho rằng, nó liên quan đến khung giờ vàng của truyền hình (19h00) song cũng không hẳn. Thông tin từ người trong cuộc cho biết một số sân phải xin đôn giờ thi đấu cũng nhằm tiết kiệm một phần chi phí tổ chức, bất kể nhu cầu của khán giả và sức khoẻ của VĐV có bị ảnh hưởng.

Câu hỏi đặt ra là BTC địa phương tiết kiệm được bao nhiêu tiền điện?! PV Thể thao & Văn hoá đã thử tính rằng nếu một sân vận động bật đủ 4 dàn đèn công suất lớn (đủ tiêu chuẩn ánh sáng như sân Thống Nhất, TP.HCM) suốt 90 phút thì chi phí tiền điện cũng chỉ tốn không quá 15 triệu đồng. Như vậy, với các trận đấu mà bóng lăn từ 16h00 (hay trước đó là 15h30), dàn đèn chỉ được bật từ đầu (thậm chí) giữa hiệp 2 thay vì cả trận. Phải chăng vì một số tiền không quá lớn so với kinh phí bỏ ra cho mỗi mùa giải, chúng ta sẵn sàng đánh cược với sức khoẻ con người (VĐV)?!

Các cầu thủ chia sẻ rằng nếu được chơi bóng lúc 19h00, ngoài điều kiện khí hậu thuận lợi, họ sẽ có nhiều hơn thời gian để nghỉ ngơi cũng như hồi phục. “Chúng tôi sẽ dùng bữa tối lúc 21h30 và sau đó tất cả đều lên giường ngủ, thay vì lang thang, la cà quán xá. Thế chẳng phải tốt hơn cho sức khoẻ sao”, Nguyễn Ngọc Thanh, cựu tiền đạo đội tuyển Việt Nam và các CLB Hải Phòng, SHB.Đà Nẵng, cho biết.

Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm