15/09/2021 05:50 GMT+7 | Thể thao
(Thethaovanhoa.vn) - Ông Nguyễn Hồng Minh là một trong những yếu nhân của Thể thao Việt Nam (TTVN) thông qua những đóng góp lớn ông trong tiến trình hội nhập, phát triển của thể thao nước nhà. Trong số ra hôm nay, mời độc giả cùng đến với cuộc trò chuyện rất thú vị giữa Thể thao & Văn hóa cùng ông Nguyễn Hồng Minh
* Thể thao &Văn hóa: Thưa ông, làng thể thao nước nhà vừa chứng kiến mất mát lớn với sự ra đi đột ngột của ông Hoàng Vĩnh Giang, Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam. Ông có thể cho độc giả biết thêm về những đóng góp của ông Hoàng Vĩnh Giang cho sự nghiệp TDTT nước nhà.
- Ông Nguyễn Hồng Minh: Thú thực với nhà báo là tôi đang hết sức đau lòng, thương tiếc khôn nguôi với người anh khả kính. Đối với TTVN, anh Hoàng Vĩnh Giang là một nhân vật lịch sử. Nói nhân vật lịch sử tức nói về vai trò của anh ấy về quá trình gắn bó, phát triển của TTVN. Tôi không có thói quen nhìn nhận, đánh giá trên vai trò chức vụ mà muốn nói đến ở khía cạnh đóng góp, tầm ảnh hưởng của cá nhân anh Giang.
Trước khi nắm giữ cương vị lãnh đạo thì anh Giang là một VĐV ưu tú của quốc gia (với thành tích 1,96m trong môn nhảy cao). Trong vai trò lãnh đạo ngành TDTT, anh Giang có những sáng tạo, đổi mới của mình. Từ vị trí lãnh đạo Thể thao Hà Nội và sau này ở Ủy ban Olympic Việt Nam, anh Giang đã thúc đẩy sự phát triển TTVN với chiến thuật “đi tắt đón đầu” mang lại nhiều thành quả như chúng ta đã biết.
Trước đó, do bối cảnh khách quan của đất nước nên chúng ta chưa thể hội nhập với quốc tế. Từ năm 1989, khi TTVN bắt đầu trở lại với thể thao khu vực như một xu thế tất yếu. Vì vậy, công tác ngoại giao thể thao theo chủ trương đa phương hóa của Nhà nước đã được thực hiện. Anh Giang trên cương vị Tổng thư ký của Ủy ban Olympic Việt Nam đã làm tốt công tác ngoại giao thể thao của nước nhà với các nước Đông Nam Á cũng như các Liên đoàn thể thao khu vực và châu Á.
* Ông suy nghĩ gì về giá trị đã có của chiến lược “đi tắt đón đầu” một thời được ông Hoàng Vĩnh Giang thực hiện cho thể thao nước nhà?
- Chiến thuật “đi tắt đón đầu” là sáng kiến trong tình huống lịch sử lúc bấy giờ. Từ chiến lược, chiến thuật đó đã giúp cho TTVN tiếp cận, rút ngắn khoảng cách với các nước Đông Nam Á. Khi TTVN tham gia trở lại với đấu trường khu vực từ SEA Games 1989 thì chúng ta có được 3 tấm HCV ở môn bắn súng, xếp thứ 7/9 nước. Sau đó đến các kỳ SEA Games tiếp theo, chúng ta vẫn chỉ xếp ở nhóm cuối. Lúc đó, những môn thể thao thuộc chương trình Olympic, ASIAD của TTVN không có thành tích gì, số lượng HCV rất ít.
Trong bối cảnh như vậy, anh Giang đặt ra xu hướng phải có cách đi nhanh hơn để tiếp cận, rút ngắn khoảng cách. Chiến lược “đi tắt đón đầu” ra đời từ đó. Chúng ta lựa chọn những môn thể thao mà mình có thể đi nhanh hơn các nước trong khu vực. Chúng ta quyết định tạo ra sự đột phá ở những môn như wushu, pencak silat và vài các môn võ khác để đầu tư.
Sau khoảng 4-5 năm, chiến lược này phát huy hiệu quả, số lượng HCV nhiều hơn, vượt qua một số nước. Cho đến kỳ SEA Games 1997, Việt Nam ta đã lên vị trí thứ 5, SEA 2001 có mặt ở vị trí thứ 4. Số lượng HCV của các môn tăng lên rất nhiều. Điều đó chứng minh tính đúng đắn, vai trò tích cực của chiến lược “đi tắt đón đầu” này. Đồng thời trong quãng thời gian dài như thế, chúng ta có điều kiện để đầu tư phát triển những môn thể thao theo chương trình Olympic, ASIAD.
Những năm 2004-2005, báo chí, dư luận thể thao nước nhà cũng đã cho rằng giữa cá nhân tôi và anh Giang có những bất đồng về các chiến lược cho TTVN. Cụ thể hơn báo chí nêu ra những bất đồng của tôi và anh Giang trong việc thực hiện phương châm “đi tắt đón đầu”
Thật ra, ở đây không phải bất đồng gì lớn. Câu chuyện chỉ nằm vào chỗ nhìn nhận vấn đề, mục đích, hiệu quả “đi tắt đón đầu” đến đâu. Nếu ban đầu ở khía cạnh tiếp cận, hội nhập, rút ngắn khoảng cách thì rất đúng đắn nhưng kéo dài về sau đến 15-20 năm lại không phù hợp. Bởi vì giai đoạn đầu anh muốn rút ngắn thì anh phải đi nhanh. Tuy nhiên, muốn phát triển nền thể thao thì phải đi theo chiến lược để có nền thể thao vững chắc. Muốn vậy, anh phải đầu tư cho những môn thể thao nằm trong chương trình Olympic, ASIAD. Nếu cứ mãi duy trì “đi tắt đón đầu” sẽ ảnh hưởng đến quá trình phát triển cơ bản, lâu dài của TTVN.
Thể thao Việt Nam cần làm gì qua lăng kính Olympic?
* Nhìn lại kết quả của Đoàn TTVN tại Olympic Tokyo vừa rồi là hợp lý hay nó nằm ngoài những suy nghĩ của ông? TTVN cần phải có những chiến lược gì để phát triển trong thời gian sắp đến?
- Trước hết, chúng ta cần phải nhìn nhận, Olympic là một đấu trường cực kỳ khắc nghiệt. Olympic quy tụ toàn bộ những VĐV xuất sắc nhất của thế giới và các châu lục. Đấu trường này hoàn toàn khác xa với các cuộc thi đấu ở ASIAD hay SEA Games. Vậy nên, đến được với Olympic bằng cách đạt chuẩn hay giành suất chính thức đã khó, để giành được thành tích cao còn khó hơn.
Việc TTVN không thể có được huy chương, mọi người nghĩ rằng không thành công hay thất bại cũng được. Điều đó được báo trước, cũng hết sức bình thường chứ không phải bất thường. Muốn có thành tích phải có một quá trình chuẩn bị, đào tạo, huấn luyện, nâng cao trình độ, đầu tư mọi mặt cho lực lượng VĐV.
TTVN chưa được chuẩn bị tốt khi tham gia đấu trường này và cả Olympic Tokyo 2020 vừa rồi. Cần nhớ rằng, để có được 1 tấm huy chương Olympic đòi hỏi quá trình bền bỉ và tốn kém. Như xạ thủ Hoàng Xuân Vinh lúc giành HCV năm 2016 đã là 23 năm cầm súng. Trước đó nữa, VĐV cử tạ Hoàng Anh Tuấn phải mất 15 năm tập luyện thi đấu mới giành được HCB. Các VĐV khác giành huy chương trước đó cũng thế.
Trước khi lên đường dự Olympic Tokyo lần này, không ai đặt chỉ tiêu thành tích mà chỉ xác định cố gắng phấn đấu mà thôi.Trong điều kiện đó như tôi đã từng phát biểu nếu có huy chương thì phi thường chứ không có thì cũng bình thường. Nếu chúng ta không làm bài bản, chặt chẽ và đầu tư xứng tầm thì không thể có được thành tích tốt ở đấu trường Olympic.
Chiến lược cùng những phương thức để TTVN phát triển trong thời gian tới, theo tôi về cơ bản vẫn dựa vào những Nghị quyết của Nhà nước đối với hoạt động TDTT. Cụ thể là Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 01/12/2011 về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về TDTT đến năm 2020; Quyết định số 2198/QĐ-TTg ngày 03/12/ 2010 của Thủ tướng Chính phủ về chiến lược phát triển TDTT đến năm 2020.
Trước hết, phải chỉ rõ những nguyên nhân làm cho thành tích thể thao chưa bền vững. Trong đó, có thể kể đến do sự lãnh đạo, chỉ đạo của cơ quan quản lý điều hành TDTT chưa thật sâu sát, cụ thể. Điều này cũng bắt nguồn từ việc ngành TDTT đã sáp nhập vào Bộ chủ quản, chưa có được cơ chế hoạt động riêng biệt để tạo ra điều kiện tốt nhất nhằm thực hiện bài bản công việc của mình.
Thứ hai, phải kiện toàn, đổi mới hệ thống tổ chức ngành TDTT nước nhà hiện nay. Tạo ra được đội ngũ cán bộ ổn định, chuyên môn cao, cơ sở vật chất và khoa học, công nghệ đáp ứng yêu cầu.
Cùng với đó, kêu gọi, huy động các nguồn lực xã hội đầu tư vào thể thao. Thực tế cho thấy bất cứ ngành nghề, lĩnh vực nào có được sự góp sức đầu tư của nguồn lực xã hội, cộng đồng doanh nghiệp đều mang lại kết quả xứng tầm. Thể thao cũng vậy thôi, nhất thiết phải xã hội hóa sâu rộng theo đúng xu thế quốc tế hiện nay.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Trần Tuấn (thực hiện)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất