Ông Nguyễn Bá Thanh 'in bóng' trong tiểu thuyết 'Câu chuyện Đà Nẵng'

09/06/2016 06:53 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Có thể khẳng định, nhân vật Ba Danh chính là hình bóng của ông Nguyễn Bá Thanh trong tiểu thuyết Câu chuyện Đà Nẵng của Thái Bá Lợi vừa được NXB Hội Nhà văn ấn hành.

Câu chuyện Đà Nẵng dày hơn 300 trang in, còn thời gian tiểu thuyết trải dài từ ngày thực dân Pháp chiếm đóng đến mãi sau này khi Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Tuy nhiên, điểm nhấn chính của câu chuyện khi xuất hiện nhân vật Ba Danh với vai trò Chủ tịch thành phố và Đà Nẵng phát triển nhờ các chính sách đổi mới.

Tính cách người xứ Quảng

Nhân vật Ba Danh được nhà văn Thái Bá Lợi xây dựng dựa trên tính cách đặc trưng của con người xứ Quảng, như: “nói và làm đến nơi đến chốn, khẩu khí ngang tàng, đối nhân xử thế có lúc cứng và thô ráp nhưng lòng dạ thẳng băng và ghét sự trí trá…”. Những tính cách ấy đã làm nên tích cách con người xứ Quảng nói chung và nhân vật Ba Danh nói riêng.


Bìa tiểu thuyết "Câu chuyện Đà Nẵng"

Cuộc đời Ba Danh được nhà văn khắc họa là người “lăn lộn thực tế công việc”, “trưởng thành từ cơ sở” với các chức vụ: Chủ nhiệm hợp tác xã, Giám đốc nông trường, Phó Chủ tịch huyện, Giám đốc Sở nông nghiệp tỉnh rồi Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng khi còn trực thuộc tỉnh Quảng Nam; Chủ tịch thành phố Đà Nẵng khi đã trực thuộc Trung ương. Với lý lịch rõ ràng như thế, Ba Danh trong tiểu thuyết không thể là ai khác ông Nguyễn Bá Thanh ngoài đời.

Năm 1994, khi Thủ tướng Võ Văn Kiệt có cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng tại Hà Nội, “Ba Danh” xin được đi. Ba Danh có 15 phút để trình bày trước Chính phủ nhưng ông đã nói lố thời gian.

Đến giờ giải lao, Thủ tướng hỏi: “Cậu phát biểu đã hết ý chưa?”; Ba Danh đáp: “Thưa anh, mới nói được mấy ý chính thôi, không đã thèm tí nào. Nếu Thủ tướng cho một ngày thì nói mới đã”.

Nhân vật hư cấu dễ gần hơn nguyên mẫu

Tính cách của Ba Danh càng hiện rõ trong đối đáp với dân khi Đà Nẵng mở đường, làm cầu, phát triển hạ tầng thành phố cho xứng tầm với đô thị trực thuộc Trung ương. Một ngày giáp Tết, Ba Danh tiếp dân, một cụ già hỏi: “Tui nghe nói cán bộ thành phố làm việc năng nổ, tích cực nhưng cũng ăn nhiều, cũng tham nhũng ấy mà. Xin hỏi ông Chủ tịch có ăn không?”.


Nhà văn Thái Bá Lợi

Không ngần ngại, Ba Danh trả lời: “Câu hỏi này chí lý. Nếu nói không ăn thì bà con không tin. Xã hội bây giờ có người làm mười ăn mất bảy, có người không làm được gì cụ thể cho dân cũng ăn. Tui xin hứa với bà con là phải làm hết sức, nếu có ăn thì phải ăn chính đáng, bằng công sức của mình, vậy có sòng phẳng không?”.

Tuy nhiên, Câu chuyện Đà Nẵng khiến người đọc lấn cấn về thể loại, vì nếu đây là tiểu thuyết thì sự hư cấu nằm ở đâu khi mà có quá nhiều người thật, việc thật hiện ra?

Tướng lãnh xuất hiện với đầy đủ họ tên, như: Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tướng Nguyễn Chơn; nhà thơ có Thu Bồn, Thanh Thảo… Thậm chí, những chi tiết không thể hư cấu, như vào năm 1996 người ta phát hiện ra toàn bộ ngân sách của Đà Nẵng chỉ bằng ngân sách của Công ty vệ sinh Hải Phòng; Hay như Chủ tịch Ba Danh gặp gỡ, trò chuyện với 500 phạm nhân vừa mãn hạn tù… mà báo chí từng đề cập.

Còn nhà văn Thái Bá Lợi, người từng đoạt giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật và giải thưởng Văn học Đông Nam Á nhờ các tác phẩm tiểu thuyết, cho rằng:

“Ngay cả nhân vật Chủ tịch thành phố Ba Danh mà nguồn tư liệu là Chủ tịch thành phố vào thời điểm tiểu thuyết miêu tả là ông Nguyễn Bá Thanh cũng không phải hoàn toàn là ông. Ông Ba Danh trong tiểu thuyết và ông Nguyễn Bá Thanh ngoài đời có vẻ là một nhưng không phải như vậy. Chuyện về ông Nguyễn Bá Thanh trên các phương tiện thông tin đại chúng và lưu truyền trong dân chúng rất nhiều và rất hấp dẫn. Tôi chỉ sử dụng một phần trong số đó, phần nhiều là những điều ít được biết đến. Tất nhiên, giữa con người thật và nhân vật tiểu thuyết phải có độ vênh nhau, nó phụ thuộc vào ý đồ của tác giả khi xây dựng nhân vật. Nhiều người thân cận ông Nguyễn Bá Thanh sau khi đọc Câu chuyện Đà Nẵng nói rằng ông Ba Danh dễ gần hơn ông Nguyễn Bá Thanh”.

Thanh Kiều
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm